Thông tư 113/2008/TT-BTC hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT CAM KẾT CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NÐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 235/2003/QÐ-TTg ngày 13/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Để triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách – kho bạc và từng bước thực hiện kế toán dồn tích; hỗ trợ lập ngân sách trung hạn của cơ quan tài chính các cấp và các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường kiểm soát chi tiêu ngân sách nhà nước của các đơn vị dự toán và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán, Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng:
Đối tượng áp dụng bao gồm: các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là đơn vị dự toán); các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (sau đây gọi chung là chủ đầu tư) thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (trừ ngân sách cấp xã); cơ quan tài chính và các đơn vị Kho bạc Nhà nước.
2. Các khái niệm:
2.1. TABMIS: là hệ thống thông tin quản lý ngân sách – Kho bạc.
2.2. Cam kết chi thường xuyên là việc các đơn vị dự toán cam kết sử dụng dự toán chi ngân sách thường xuyên được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ dự toán được giao trong năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa đơn vị dự toán với nhà cung cấp. Giá trị của khoản cam kết chi là:
– Đối với hợp đồng được thực hiện trong 1 năm ngân sách: Là số tiền được nêu trong hợp đồng.
– Đối với hợp đồng được thực hiện trong nhiều năm ngân sách: Là số tiền dự kiến bố trí cho hợp đồng đó trong năm, đảm bảo trong phạm vi dự toán năm được duyệt và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi của hợp đồng đó.
2.3. Cam kết chi đầu tư là việc các chủ đầu tư cam kết sử dụng kế hoạch vốn đầu tư được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn được giao trong năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa chủ đầu tư với nhà cung cấp. Giá trị của khoản cam kết chi đầu tư bằng số kinh phí dự kiến bố trí cho hợp đồng trong năm, đảm bảo trong phạm vi kế hoạch vốn năm được duyệt và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi.
2.4. Giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi là chênh lệch giữa giá trị của hợp đồng với tổng giá trị của các khoản đã cam kết chi cho hợp đồng đó (bao gồm cả số cam kết chi đã được thanh toán).
2.5. Giao diện ứng dụng là phương thức kết nối trao đổi thông tin dữ liệu giữa các ứng dụng với nhau nhằm thực hiện các quy trình nghiệp vụ.
2.6. Đơn vị dự toán có giao diện với TABMIS là đơn vị có phần mềm kế toán giao diện được với TABMIS.
2.7. Đơn vị dự toán không giao diện với TABMIS là đơn vị không có phần mềm kế toán giao diện với TABMIS.
2.8. Dự toán còn được phép sử dụng:
– Đối với chi thường xuyên, chi chương trình mục tiêu và chi sự nghiệp kinh tế có tính chất thường xuyên (sau đây gọi chung là chi thường xuyên) là chênh lệch giữa dự toán ngân sách đã giao trong năm cho đơn vị với tổng số tiền của các khoản đã cam kết chi chưa được thanh toán và số tiền đã thanh toán trong năm (bao gồm cả số đã thanh toán và số đang tạm ứng).
– Đối với chi đầu tư, chi chương trình mục tiêu và chi sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư (sau đây gọi chung là chi đầu tư) là chênh lệch giữa kế hoạch vốn đã giao trong năm cho một dự án đầu tư với tổng giá trị của các khoản đã cam kết chi trong năm chưa được thanh toán và tổng số tiền đã thực hiện thanh toán trong năm của dự án đó (bao gồm cả số đã thanh toán và số đang tạm ứng).
2.9. Số cam kết chi (thường xuyên, đầu tư) là mã số do chương trình TABMIS tạo ra đối với từng khoản cam kết chi để theo dõi, quản lý khoản cam kết chi đó trên TABMIS.
2.10. Điểm nhà cung cấp là Kho bạc Nhà nước nơi trực tiếp thanh toán cho nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo đề nghị của các đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư
3. Nguyên tắc quản lý, kiểm soát cam kết chi:
3.1. Tất cả các khoản chi của ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 100 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 500 triệu đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước trừ các trường hợp cụ thể sau:
– Các khoản chi của ngân sách xã;
– Các khoản chi cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng;
– Các khoản thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước, của Chính phủ;
– Các khoản chi từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài theo phương thức tài trợ chương trình, dự án; chi viện trợ trực tiếp;
– Các khoản chi góp cổ phần, đóng góp nghĩa vụ tài chính, đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế;
– Các khoản chi theo hình thức lệnh chi tiền của cơ quan tài chính các cấp;
– Các khoản chi từ tài khoản tiền gửi của các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước;
– Các khoản chi ngân sách nhà nước bằng hiện vật và ngày công lao động;
Mức giá trị hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ phải làm thủ tục kiểm soát cam kết chi với Kho bạc Nhà nước được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568