Quyết định thi hành án dân sự là gì? Quy định về thông báo và gửi quyết định thi hành án dân sự? Trình tự khi tiến hành kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án?
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Quyết định thi hành án dân sự là gì?
Quyết định thi hành án là văn bản do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ban hành để thi hành một hoặc nhiều khoản của những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, làm căn cứ cho Chấp hành viên lập hồ sơ và tổ chức việc thi hành án, nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án.
Có thể thấy rằng, thi hành án là hoạt động rất phức tạp và là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng trước đó, việc tổ chức thi hành vừa phải tuân theo pháp luật thi hành án vừa đảm bảo thi hành các phán quyết trong các bản án, quyết định, lại phải được sự đồng tình của nhân dân cũng như chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo đó mà các hoạt động kiểm sát việc thi hành án cũng hết sức thận trọng, khách quan, vừa cương quyết thực hiện theo quy định của pháp luật, vừa vận dụng linh hoạt quyền hạn trong từng tình huống cụ thể, đảm bảo cho các bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật.
Trong thi hành án dân sự thì việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án theo quy định thì điều này phải thực hiện bắt buộc đối với cơ quan thi hành án trong hoạt động thi hành án dân sự và Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án để đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan biết thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung văn bản…
2. Quy định về thông báo và gửi quyết định thi hành án dân sự
Theo Điều 12
1. Việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện như sau:
– Do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo;
– Do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc; Ủy ban nhân dân, công an cấp xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác, chấp hành hình phạt tù giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo.
2. Trường hợp người được thông báo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì việc thông báo cho họ thông qua người thân thích được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự
3. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thay đổi về địa chỉ liên lạc thì phải kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án biết để thực hiện việc thông báo theo địa chỉ mới. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thông báo địa chỉ mới thì việc thông báo theo địa chỉ được xác định trước đó được coi là hợp lệ.
4. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ chối không nhận thông báo thì người thực hiện thông báo trực tiếp phải lập biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và việc thông báo được coi là hợp lệ.
5. Việc thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án dân sự, ngoài ra có thể được công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Công thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
Ngoài ra tại các quy định chung thông báo về thi hành án hiện nay được quy định ở các điều khoản, văn bản pháp luật, như Luật Thi hành án dân sự năm 2018 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 (Điều 38, 39, 40, 41, 42, 43).
Căn cứ theo đó chúng ta có thể thấy pháp luật quy định về thông báo về thi hành án hiện nay được quy định với nhiều điều khoản rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Chính vì vậy nên thông báo về thi hành án cần phải được hệ thống hóa, phân chia, sắp xếp logic theo từng nội dung của phạm trù thông báo về thi hành án mới đảm bảo dễ thực hiện, hiệu quả, đúng pháp luật, nhất là thời hạn thông báo về thi hành án trong thi hành án dân sự.
3. Trình tự khi tiến hành kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án
Để đảm bảo tất cả các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được các quyết định về thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự gửi đến Viện kiểm sát, Kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính ngoài kiểm sát về tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định, còn phải kiểm sát việc gửi các quyết định về thi hành án như: Kiểm sát về thời hạn gửi quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự; Kiểm sát về đối tượng được nhận quyết định thi hành án.
Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Kiểm sát viên khi kiểm sát thông báo về thi hành án cần kiểm sát các nội dung như sau:
+ Kiểm sát về căn cứ của thông báo;
+ Kiểm sát về thời hạn thực hiện việc thông báo;
+ Kiểm sát về đối tượng được nhận thông báo;
+ Kiểm sát về nội dung của văn bản được được thông báo;
+ Kiểm sát về phương thức thực hiện thông báo (trực tiếp do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cho người được thông báo hoặc do bưu tá, Giám thị trại giam, trại tam giam, người được cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền…).
Theo đó việc thực hiện theo quy định về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân yêu cầu văn bản thông báo cho cá nhân lưu ý cần phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ chối không nhận thông báo thì người thực hiện thông báo trực tiếp phải lập biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và việc thông báo được coi là hợp lệ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự. Trường hợp giao thông báo qua người khác nhận thay thì người thông báo phải lập biên bản ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ của người nhận thay; ngày, giờ nhận thay; quan hệ giữa họ với người được thông báo; cam kết giao tận tay hoặc thông báo ngay cho người được thông báo. Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Biên bản có chữ ký của người nhận và người giao thông báo. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Quy định về thông báo và gửi quyết định thi hành án dân sự” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.