Đối với cá nhân, tổ chức sử dụng đất mà có những hành vi vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Vậy thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là bao lâu?
Mục lục bài viết
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là bao lâu?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nói chung và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai nói riêng được pháp luật quy định rất rõ ràng.
1.1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ khoản 1 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “thời hiệu” được hiểu là khoảng thời gian mà pháp luật quy định khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính 2020, cụ thể:
– Thời hiệu xử phạt đối với vi phạm hành chính là 01 năm, trừ một số trường hợp sau đây:
+ Phạm hành chính về kế toán;
+ Vi phạm hành chính về hóa đơn; phí, lệ phí;
+ Vi phạm hành chính về kinh doanh bảo hiểm;
+ Vi phạm hành chính về quản lý giá;
+ Vi phạm hành chính về chứng khoán;
+ Vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ;
+ Vi phạm hành chính về xây dựng;
+ Vi phạm hành chính về thủy sản;
+ Vi phạm hành chính về lâm nghiệp;
+ Vi phạm hành chính về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước;
+ Vi phạm hành chính về hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác;
+ Vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;
+ Vi phạm hành chính về năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở;
+ Vi phạm hành chính về đất đai;
+ Vi phạm hành chính về đê điều;
+ Vi phạm hành chính về báo chí;
+ Vi phạm hành chính về xuất bản;
+ Vi phạm hành chính về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa;
+ Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả;
+ Vi phạm hành chính về quản lý lao động ngoài nước
Đối với những vi phạm hành chính nêu trên thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
+ Đặc biệt: đối với hành vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Về cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại Điều 8 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung bởi Luật xử lý vi phạm hành chính 2020 như sau:
– Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính: được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự (ngoại trừ một số trường hợp trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung bởi Luật xử lý vi phạm hành chính 2020 có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc (đối với thời gian tính là ban ngày) và được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau (đối với thời gian tính là ban đêm).
– Thời hiệu được tính từ:
+ Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (đối với vi phạm hành chính đã kết thúc);
+ Thời điểm phát hiện hành vi vi phạm (đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện).
1.2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là bao lâu?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai được quy định tại Điều 4 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể:
– Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là: 02 năm.
– Thời điểm làm căn cứ để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai được quy định như sau:
+ Thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm: áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc theo quy định quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
+ Thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm: áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
+ Thời hiệu được tính từ thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: áp dụng đối với xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến.
+ Trường hợp đặc biệt: Thời hiệu được xác định kể từ thời điểm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của cơ quan, người có thẩm quyền.
2. Hình thức xử lý vi phạm hành chính đất đai:
Các hình thức xử lý vi phạm hành chính về đất đai được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:
– Các hình thức xử phạt chính bao gồm:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền.
– Hình thức xử phạt bổ sung: có thể áp dụng các biện pháp sau:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai (thời gian: từ 06 tháng đến 09 tháng);
+ Đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai (thời gian: từ 09 tháng đến 12 tháng);
+ Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất.
– Ngoài ra, còn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả từ hành vi vi phạm gây ra gồm có:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
+ Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định;
+ Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
+ Buộc hoàn trả tiền phát sinh từ các giao dịch như: chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;
+ Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai theo quy định của pháp luật;
+ Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật;
+ Buộc chấm dứt các giao dịch như: hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
+ Thu hồi đất trong một số trường hợp mà pháp luật quy định;
+ Buộc người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
+ Buộc nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã cấp đối với trường hợp vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất;
+ Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện trước đó để sử dụng đất hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến hành vi vi phạm về đất đai…..
Ngoài ra, trong trường hợp chuyển quyền sử dụng đất đối với đất vi phạm thì bên chuyển quyền và bên nhận quyền còn phải thực hiện các biện pháp phù hợp để khắc phục hậu quả đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
3. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:
Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 120/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Cá nhân, tổ chức được coi là chưa bị xử phạt hành chính nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Cá nhân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc 01 năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm, thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với cá nhân) mà cá nhân, tổ chức đó không tái phạm.
– Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm được tính từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định hoặc 01 năm được tính từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định mà không tái phạm.
– Đối với người chưa thành niên được coi là chưa bị xử lý vi phạm nếu: Người chưa thành niên đó bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu trong thời hạn 01 năm được tính từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc tính từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung 2020.