Thời hạn xét xử đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thời hạn xét xử đối với vụ án hình sự.
Thời hạn xét xử đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thời hạn xét xử đối với vụ án hình sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, xin luật sư tư vấn giùm: Trường hợp một người phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ( 58 triệu) của 1 công ty. Khi công ty gửi đơn kiện ra công an thì người này bỏ trốn. Bên công an ra lệnh truy nã. Sau một thời gian lẩn trốn người này đã được người nhà động viên ra tự thú và người nhà đã thay mặt giải quyết hậu quả ( đã trả số tiền chiếm đoạt cho công ty). Người phạm tội được người nhà bảo lãnh cho tại ngoại trong thời gian chờ xét xử. Vậy thời gian bao lâu thì tòa xét xử và xử mức án như thế nào? Xin cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
2. Nội dung tư vấn:
– Căn cứ Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về thời hạn chuẩn bị xét xử như sau:
"Điều 176. Thời hạn chuẩn bị xét xử
1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.
2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:
a) Đưa vụ án ra xét xử ;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.
Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử."
Căn cứ vào Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nêu trên về thời hạn chuẩn bị xét xử, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa trong thời hạn mười lăm ngày; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn ba mươi ngày.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ vào Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
"Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này."
– Trong trường hợp người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có giá trị năm mưới tám triệu đồng thì phạm tội theo Điểm d Khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999. Người phạm tội theo Điểm d Khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm trong trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cụ thể, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định về mức phạt tù tương ứng.