Để phục vụ cho việc quản lý quỹ đất chặt chẽ, Nhà nước yêu cầu chủ sở hữu thực hiện đăng ký biến động đất đai. Vậy, thời hạn phải đăng ký biến động đất đai là bao nhiêu lâu? Mức xử phạt khi không đăng ký biến động đất đai theo quy định hiện nay?
Mục lục bài viết
1. Thời hạn đăng ký biến động đất đai là bao lâu?
1.1. Trường hợp phải đăng ký biến động đất đai:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 95
– Đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định hiện nay;
– Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên theo quy định ;
– Thửa đất có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ;
– Trường hợp có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký ban đầu;
– Chuyển đổi mục đích sử dụng đất;
– Thay đổi thời hạn sử dụng đất;
– Chuyển từ hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê của Nhà nước; hoặc từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất từ Nhà nước; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
– Chuyển quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chuyển quyền sử dụng đất, của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
– Trường hợp chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
– Thay đổi quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, quyền sử dụng đất theo kết quả về việc hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
– Thay đổi, xác lập hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
– Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
1.2. Thời hạn đăng ký biến động đất đai khi mua bán nhà đất là bao lâu?
Chào Luật sư!
Tôi đã mua nhà được hơn 1 tháng nhưng do tôi bận đi công tác xa nên vẫn chưa đăng ký biến động đất đai, tôi muốn hỏi thời hạn đăng ký biến động đất đai là bao lâu, với thời gian trên của tôi đã bị muộn hay chưa?
Thời hạn đăng ký biến động đất đai khi mua bán nhà đất được quy định tại điểm a khoản 4, khoản 6 Điều 95 Luật Đất Đai 2013 cụ thể như sau:
– Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
+ Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người sử dụng đất, thực hiện các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
– Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Dựa vào những quy định trên, có thể xác định việc mua nhà thì phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất do chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Thời hạn phải tiến hành trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động, trong đó bao gồm cả việc thay đổi người sử dụng đất do chuyển nhượng.
2. Mua bán nhà đất không đăng ký biến động đất đai trong hạn thì bị xử phạt thế nào?
Trường hợp mua bán nhà đất không đăng ký biến động đất đai thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 17 Nghị Định 91/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt xử lý hành chính như sau:
Đối với khu vực nông thôn trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và 1 khoản 4 Điều 95 của
+ Nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng ;
+ Nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng .
– Tại khu vực đô thị trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định.
Ngoài bị xử lý về hình thức phạt tiền, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc người đang sử dụng đất trong những trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định hiện nay.
3. Hồ sơ đăng ký biến động đất đai khi mua bán nhà đất được thực hiện thế nào?
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai khi mua bán nhà đất được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định cụ thể như sau:
Đối với hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; cho thuê, cho thuê lại, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu quy định hiện nay.
Đối với trường hợp là hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải thể hiện tổng diện tích nhận chuyển quyền tại điểm 4 Mục I của Mẫu số 09/ĐK về lý do biến động như sau: “Nhận … (ghi hình thức chuyển quyền sử dụng đất) …m2 đất (ghi cụ thể diện tích đất nhận chuyển quyền); tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng do nhận chuyển quyền và đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01/7/2007 đến trước ngày 01/7/2014 là … m2 và từ ngày 01/7/2014 đến nay là … m2 (ghi rõ thể diện tích nhận chuyển quyền theo từng loại đất, từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)”;
Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; sử dụng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để góp vốn bằng; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị để được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
Giấy chứng nhận đã cấp bản gốc;
– Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, nhận góp vốn;
– Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013;
– Nghị Định 91/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai;
– Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đất đai.