Theo quy định, phù hiệu xe tải được xem là một trong những loại giấy tờ quan trọng bắt buộc phải có trong quá trình kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô. Nếu xe tải lưu thông trên đường bộ không có phù hiệu thì sẽ bị xử phạt. Vậy thời hạn có giá trị của phù hiệu xe tải hiện nay được xác định là bao nhiêu lâu?
Mục lục bài viết
1. Thời hạn có giá trị của phù hiệu xe tải là bao nhiêu lâu?
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về thời gian có giá trị của phù hiệu xe tải. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có quy định cụ thể về thời hạn có giá trị của phù hiệu. Cụ thể như sau:
– Phù hiệu được cấp cho phương tiện ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải, phù hiệu cấp cho các phương tiện được xác định là xe trung chuyển sẽ có giá trị trong khoảng thời gian 07 năm hoặc có giá trị theo đề nghị của các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải (thời gian đề nghị cũng kéo dài trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 07 năm) và đồng thời không quá niên hạn sử dụng của các loại phương tiện đó;
– Đối với phù hiệu phương tiện “xe tuyến cố định” cấp cho các phương tiện tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp tết nguyên đán theo quy định của pháp luật sẽ có giá trị không vượt quá 30 ngày, cấp cho các phương tiện giải tỏa hành khách trong các dịp lễ tết dương lịch và các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia/kỳ thi tuyển sinh đại học, kỳ thi tuyển sinh cao đẳng sẽ có giá trị không vượt quá 10 ngày.
Theo đó thì có thể nói, thời hạn sử dụng của phù hiệu xe tải sẽ có giá trị trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 07 năm, tùy theo từng loại phương tiện và tùy theo nhu cầu của các cơ sở kinh doanh vận tải khác nhau. Cụ thể như sau:
– Đối với phương tiện xe tải có niên hạn sử dụng dưới 05 năm thì thời hạn sử dụng của phù hiệu xe tải được xác định là 01 năm;
– Đối với phương tiện xe tải có niên hạn sử dụng từ 05 năm đến 10 năm thì thời hạn sử dụng của phù hiệu xe tải được xác định là 03 năm;
– Đối với phương tiện xe tải có niên hạn sử dụng từ 10 năm trở lên thì thời hạn sử dụng của phù hiệu xe tải được xác định là 07 năm;
– Các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải hoàn toàn có thể đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở giao thông vận tải để cấp phù hiệu xe tải có thời gian sử dụng trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 07 năm tùy theo nhu cầu của từng cơ sở kinh doanh nhất định.
2. Phù hiệu xe tải hết thời hạn có được cấp lại không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 22 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có quy định cụ thể về việc quản lý sử dụng, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Theo đó, phù hiệu xe tải sẽ được cấp lại khi hết thời hạn, khi phù hiệu bị mất hoặc phù hiệu xe tải bị hư hỏng vì nhiều lý do khác nhau, khi thay đổi chủ sở hữu phương tiện hoặc thay đổi các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải. Hồ sơ, trình tự và thủ tục, thẩm quyền cấp lại phù hiệu phương tiện xe tải sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 22 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Thời hạn của phù hiệu phương tiện xe tải được cấp lại sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP như đã phân tích nêu trên. Trong trường hợp cấp lại phù hiệu khi hết hạn, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải sẽ có quyền đề nghị cấp lại phù hiệu trong khoảng thời gian 15 ngày tính đến ngày hết hạn của phù hiệu.
Theo đó thì có thể nói, trong một số trường hợp pháp luật sẽ cho phép thực hiện thủ tục cấp lại phù hiệu. Trong trường hợp phù hiệu hết hạn thì sẽ được thực hiện thủ tục cấp lại. Trình tự và thủ tục cấp lại phù hiệu khi hết hạn sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 22 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
3. Trình tự, thủ tục xin cấp phù hiệu xe tải được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 22 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục cấp phù hiệu xe. Cụ thể như sau:
– Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải sẽ cần phải gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở giao thông vận tải nơi đã cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị đó. Trong trường hợp hồ sơ cần phải sửa đổi hoặc bổ sung, cơ quan có thẩm quyền cấp phù hiệu cần phải thông báo trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản hoặc thông báo thông qua dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần phải sửa đổi bổ sung đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải trong khoảng thời hạn 01 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ;
– Trong khoảng thời gian 02 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền đó là Sở giao thông vận tải cần phải thực hiện thủ tục cấp phù hiệu cho các phương tiện theo đề nghị của đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải. Trong trường hợp từ chối, Sở giao thông vận tải cần phải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đồng thời nêu rõ lý do chính đáng. Sở giao thông vận tải cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cập nhật đầy đủ thông tin trên Hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ Việt Nam, thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, đồng thời chỉ cấp phù hiệu khi các thiết bị giám sát hành trình của phương tiện đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về lắp đặt và tín hiệu dẫn truyền dữ liệu. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả sẽ được thực hiện trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc thực hiện thông qua dịch vụ bưu điện hoặc thông qua các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trực tuyến hoặc tiếp nhận thông qua đường bưu điện, các cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần phải ngay lập tức cập nhật thông tin của hồ sơ vào Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ giao thông vận tải;
– Cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra thông tin về giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện ô tô, xem xét phương tiện ô tô đó có đảm bảo đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh vận tải hay không, sau đó cập nhật kết quả lên Hệ thống đăng kiểm Việt Nam;
– Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông tin về tình trạng của phương tiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ giao thông vận tải và hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Trong trường hợp phương tiện chưa có trên Hệ thống thì sẽ thực hiện thủ tục cấp phù hiệu. Trong trường hợp phương tiện đó đã có trên hệ thống, Sở giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ cần phải thực hiện thủ tục gửi thông tin qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở giao thông vận tải đang quản lý phương tiện, đề nghị lập biên bản xác nhận và gỡ bỏ phương tiện ra khỏi hệ thống. Trong khoảng thời gian 02 ngày làm việc, Sở giao thông vận tải nhận được đề nghị cần phải trả lời bằng văn bản, trong trường hợp không đồng ý gỡ bỏ thông tin của phương tiện thì cần phải nêu rõ lý do chính đáng. Sở giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện thủ tục cấp phù hiệu cho phương tiện sau khi phương tiện đó đã được gỡ bỏ khỏi hệ thống.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
THAM KHẢO THÊM: