Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ? Thủ tục, hồ sơ đăng ký sáng chế? Thời gian nộp đơn đến khi cấp bằng sáng chế là bao nhiêu lâu?
Đăng ký sáng chế là một trong những thủ tục rất quan trọng trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài việc hồ sơ, thủ tục nộp đơn cấp bằng sáng chế thì vấn đề nhiều người quan tâm là thời gian từ khi nộp đơn đến khi cấp bằng sáng chế mất bao lâu? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ:
Căn cứ tại Điều 6 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ quy định như sau:
– Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
– Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
– Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó
+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó
+ Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
– Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký.
2. Thủ tục, hồ sơ đăng ký sáng chế:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Người có nhu cầu đăng kí nộp đơn đăng kí, hồ sơ được quy định tại Điều 100 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH về luật sở hữu trí tuệ, gồm:
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định
– Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ, cụ thể đối với đơn đăng ký sáng chế tại Điều 102 văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH quy định:
+ Tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế và bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế.
+ Phần mô tả sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
* Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó
* Giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo, nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế
* Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.
+ Phạm vi bảo hộ sáng chế phải được thể hiện dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế và phải phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ.
+ Bản tóm tắt sáng chế phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.
–
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Lưu ý: Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng sẽ phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
– Giấy ủy quyền
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên
– Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
Ngoài ra, có trường hợp ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, bao gồm:
– Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên
– Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Bước 2: Tiếp nhận đơn và giải quyết:
– Cơ quan có thẩm quyền thụ lý và xử lý đơn: Cục sở hữu trí tuệ
– Cục sở hữu trí tuệ tiếp nhận đơn đăng ký sáng chế
Bước 3: Thẩm định hình thức đơn:
– Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn.
– Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:
+ Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức
+ Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ
+ Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn
+ Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn quy định tại Điều 89 của văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH năm 2019
+ Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí.
Nếu đơn không hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết như sau:
– Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối
– Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối
– Thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí
– Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thực hiện thủ tục cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định nếu người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ quy định.
Bước 4: Công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp:
– Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp
– Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.
– Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.
– Đơn đăng ký thiết kế bố trí được công bố dưới hình thức cho phép tra cứu trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được sao chép; đối với thông tin bí mật trong đơn thì chỉ có cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc quá trình thực hiện thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền mới được phép tra cứu.
Các thông tin cơ bản về đơn đăng ký thiết kế bố trí và văn bằng bảo hộ thiết kế bố trí được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ.
3. Thời gian nộp đơn đến khi cấp bằng sáng chế là bao nhiêu lâu?
Thứ nhất, thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 119 văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2019 như sau:
– Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn.
– Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây: Đối với sáng chế không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
– Nếu trong trường hợp thẩm định lại: thời gian sẽ bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.
– Nếu hồ sơ không hợp lệ, phải sửa lại thì thời gian xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn được tính là không vượt quá một phần ba thời gian thẩm định lần đầu.
Thứ hai, thời gian công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp: đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn (quy định tại Khoản 2 Điều 110 văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH).
Như vậy, việc đăng kí bằng sáng chế có thể kéo dài đến 31 tháng hoặc có thể nhanh hơn.