Chất thải nguy hại là gì? Những yêu cầu khi lưu trữ chất thải nguy hại? Thời gian lưu trữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh là bao lâu? Biện pháp xử lý khi quá thời hạn lưu giữ chất thải nguy hại mà không báo cáo cơ quan nhà nước? Xử lý chất thải nguy hại như thế nào cho đúng pháp luật?
Chất thải nguy hại là một trong những hệ quả khó tránh khỏi trong nền sản xuất và phát triển công nghiệp hiện đại. Có nhiều chất trong quá trình sản xuất sẽ hình thành chất thải gây nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà cơ sở phát sinh chất thải đó chưa thể xử lý chất thải nguy hại ngay. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về thời gian cho phép lưu trữ chất thải nguy hại nhằm vừa đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường đồng thời cân đối thời gian cho cơ sở phát sinh có phương án xử lý. Đồng thời, những chế tài xử phạt về ci phạm thời gian lưu trữ cũng được đặt ra nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng quy định của cơ sở. Vậy thời gian lưu trữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh bao lâu? Dưới đây chúng tôi sẽ mang đến bạn đọc những thông tin để trả lời cho câu hỏi đó.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Bảo vệ Môi trường 2020;
– Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường.
Mục lục bài viết
1. Những yêu cầu khi lưu trữ chất thải nguy hại:
1.1. Khái niệm chất thải nguy hại:
Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc các dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế hoặc hoạt động khác.
Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, truyền nhiễm, dễ cháy, dễ phát nổ, gây ăn mòn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người hoặc có đặc tính nguy hại khác.
Chất thải nguy hại là chất gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, trong quá trình sản xuất kinh doanh không tránh khỏi phải sử dụng các hợp chất độc hại và chất thải từ những chất đó nếu không xử lý đúng cách sẽ để lại hậu quả nghiệm trọng đối với môi trường sống và sức khỏe con người. Tuy nhiên trong một số hoàn cảnh, cơ sở sản xuất không thể xử lý nhanh chóng mà phải để một thời gian để giảm thiểu chi phí cũng như thời gian xử lý. Khi đó, việc lưu trữ chất thải phải đáp ứng những yêu cầu dưới đây để đảm bảo an toàn và giữ gìn môi trường sống của con người.
1.2 Những yêu cầu của khi lưu trữ chất thải nguy hại:
Căn cứ khoản 2 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại;
– Không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường;
– Không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường;
– Chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
2. Thời gian lưu trữ nguồn chất thải nguy hại là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại như sau:
– Phân định, phân loại, lưu giữ chất thải nguy hại:
+ Tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định lượng chất thải nguy hại phải khai báo và quản lý;
+ Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Tự xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh hoặc lập hợp đồng để chuyển giao chất thải này sang cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý khác phù hợp.
– Phối hợp với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại để lập chứng từ chất thải nguy hại khi chuyển giao chất thải đó theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chuyển giao chất thải nguy hại, nếu không nhận được hai liên cuối cùng của chứng từ chất thải nguy hại mà không có lý do thuyết phục bằng văn bản từ tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải đó thì chủ nguồn thải chất thải này phải báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp chuyển giao chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình nhóm sẽ sử dụng văn bản bàn giao thay cho chứng từ chất thải nguy hại.
Theo đó, chỉ được lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh không quá 01 năm, kể từ thời điểm khi phát sinh chất thải nguy hại đó.
Trường hợp lưu giữ quá thời hạn nêu trên nhưng chưa có giải pháp khắc phục, xử lý khả thi do chưa lựa chọn được cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phù hợp thì phải báo cáo định kỳ hằng năm về tình trạng lưu giữ chất thải nguy hại tại địa điểm phát sinh với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo môi trường định kỳ.
3. Biện pháp xử lý khi quá thời hạn lưu giữ chất thải nguy hại mà không báo cáo cơ quan nhà nước:
Căn cứ Điều 29 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ chất thải nguy hại trong trường hợp lưu giữ quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh mà chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp, chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6, khoản 7 Điều này gây ra;
+ Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này;
+ Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
+ Buộc chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý do hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này gây ra.
Như vậy, theo quy định nêu trên khi quá thời hạn lưu giữ chất thải nguy hại mà chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp, chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi cũng không không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Mức phạt tiền đối với hành vi này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Xử lý chất thải nguy hại như thế nào cho đúng pháp luật?
Theo khoản 1 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại;
– Bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định;
– Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng;
– Có giấy phép môi trường;
– Có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp;
– Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp;
– Có kế hoạch quản lý môi trường gồm những nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh lao động; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động;
– Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong trường hợp có hoạt động chôn lấp chất thải.