Thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Tóm tắt câu hỏi:
Anh trai cháu dùng gạch đánh người bị thương. Hai bên gia đình đã thỏa thuận với nhau và gia đình cháu cũng đền một số tiền mà bên bị hại đưa ra. Bên bị hại đã cam kết sẽ rút đơn kiện. Gia đình cháu đi rút thì họ bảo là đã qua 3 tháng nên gia đình không thể rút được. Bên bị hại họ không trả lại số tiền mà bên gia đình cháu đã đưa. Anh trai cháu vẫn bị giam chờ ngày xét xử ở tòa. Cho cháu hỏi nếu như qua 3 tháng kể từ ngày bên bị hại kiện có thể rút đơn được không? Và gia đình cháu có thể lấy lại tiền nếu như anh trai cháu vào tù. Cháu xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009
2. Nội dung tư vấn:
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 144/2016/QH13, lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Nay vẫn áp dụng quy định tại Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Căn cứ Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:
"1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”
Như vậy, anh trai bạn có hành vi đánh người khác bị thương, anh trai bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999. Nếu anh trai bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999, người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì anh trai bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chỉ quy định thời điểm mà người bị hại có thể rút đơn yêu cầu khởi tố là trong khoảng thời gian trước ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, không quy định là sau 3 tháng không thể rút đơn. Việc cơ quan công an điều tra trả lời bạn là không được rút đơn yêu cầu khởi tố sau 3 tháng là không có căn cứ. Gia đình bạn vẫn có thể thỏa thuận với phía người bị hại rút đơn theo quy định
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Nếu anh trai bạn phạm tội thuộc khoản 2, khoản 3, khoản 4 thì không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nên nếu người bị hại rút đơn thì cơ quan công an vẫn tiến hành điều tra, lập hồ sơ khởi tố vụ án hình sự.
Anh trai bạn gây thiệt hại sức khỏe cho người khác, anh trai bạn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
"1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."
Do đó, số tiền gia đình bạn đã đưa cho gia đình người bị hại thì gia đình bạn sẽ không lấy lại được bởi đây là số tiền hai bên thỏa thuận để bồi thường cho người bị hại.