Quan hệ lao động luôn có sự vận động theo cơ chế thị trường, đòi hỏi thoả ước lao động tập thể cũng không thể mãi phù hợp. Vì vậy, pháp luật lao động Việt Nam đã quy định rất rõ về vấn đề thời hạn của thoả ước lao động tập thể và hướng xử lý khi thoả ước lao động tập thể hết hạn.
Mục lục bài viết
1. Thoả ước lao động tập thể hết hạn là gì?
Khái niệm về thoả ước tập thể có lẽ đã không còn xa lạ với người đọc bởi trong hệ thống dữ liệu của Luật Dương Gia, khái niệm này đã được chúng tôi cung cấp trong rất nhiều bài viết và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, quan điểm, từ thế giới cho đến Việt Nam.
Tuy nhiên, cách hiểu thống nhất là cách hiểu dưới góc độ pháp lý được ghi nhận trong Bộ luật lao động, theo đó: “Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.” (Khoản 1, Điều 75).
Trước khi giải thích thế nào là “thoả ước lao động tập thể hết hạn”, tác giả sẽ phân tích một số vấn đề về thời hạn của thoả ước lao động tập thể như sau:
– Thời hạn của thoả ước lao động tập thể là khoảng thời gian được pháp luật ấn định được xác định từ thời điểm thoả ước lao động tập thể có hiệu lực (Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.) cho đến ngày kết thúc khoảng thời gian từ 01 đến 03 năm.
– Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. (Khoản 3, Điều 78 Bộ luật lao động).
Trước đây, quy định về thời hạn thoả ước lao đông tập thể được quy định riêng lẻ đối với thoả ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp và thoả ước lao động tập thể cấp ngành. Nhưng hiện này, quy định về thời hạn được xác định chung cho mọi thoả ước lao động tập thể, mặc dù có nhiều quan điểm cho rằng, thời hạn này chỉ phù hợp với thoả ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp những chưa thực sự phù hợp với thoả ước lao động tập thể cấp ngành vì loại thoả ước này thường mang tính định khung bền vững và quá trình ký kết cũng khó khăn, phức tạp. Do vậy, họ cho rằng nên quy định riêng về thời hạn của thoả ước lao động tập thể ngành với một thời gian dài hơn.
Tại các quốc gia trên thế giới, thời gian tồn tại của một thoả ước lao động tập thể được xác định thời hạn cũng rất khác nhau. Thông thường, một thoả ước lao động tập thể xác định thời hạn có thể kéo dài từ 01 đến 03 năm như Mỹ, Singapoẻ, Thái Lan,…đôi khi thời hạn cũng có thể được ký ngắn hơn hoặc dài hơn khoang thời gian nêu trên.
Tại Malaisya, thoả ước lao động tập thể có hiệu lực không dưới 03 năm kể từ ngày bắt đầu thực hiện. Sau khi ký, thoả ước lao động tập thể sẽ được các bên uỷ thác cho Lục sư Toà án trong vòng 01 tháng kể từ ngày thoả ước có hiệu lực và Lục sư toà án sẽ gửi Thoả ước lên Toà án để công nhậnt thoả ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ khi được Toà án công nhận.
Thoả ước lao động tập thể có thời hạn 04 năm có thể thấy ở Ý, Đan Mạch,..; thoả ước lao động tập thể 05 năm có thể thấy ở Pháp, Thuỵ Sĩ,…
Từ sự phân tích về thời hạn của thoả ước lao động tập thể, có thể hiểu: Thoả ước lao động tập thể hết hạn là thoả ước đã kết thúc thời hạn 01 đến 03 năm tuỳ vào thoả thuận của các bên, tức là vượt quá ngày cuối cùng của thời hạn. Về nguyên tắc, nếu thoả ước lao động tập thể hết hạn thì các nội dung, điều khoản được thoả thận, ghi nhận trong đó không còn giá trị áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Khi đó các bên phải đưa ra các hướng giải quyết, xử lý, nội dung này sẽ được nêu rõ ở mục 2 dưới đây.
2. Thỏa ước lao động tập thể hết hạn phải xử lý như thế nào?
Quy định về hướng xử lý khi thoả ước lao động tập thể hết thời hạn, Điều 83 Bộ luật lao động đã nêu rõ:
“Trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới…“. Đặc biệt, để đảm bảo quyền, nghĩa vụ, lợi ích các bên, pháp luật quy định thoả ước lao động tập thể được kéo dài thời hạn có hiệu lực (không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn) khi các bên vẫn đang trong thời gian tiếp tục thương lượng thuộc một trong hai trường hợp nêu trên.
Xuất phát từ đặc điểm của quá trình thương lượng tập thể thường kéo dài, tốn kém không ít thời gian và tiền bạc, quy định trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vi tiếp tục duy trì thoả ước lao động tập thể. Đồng thời, pháp luật cũng ấn định một khoảng thời gian thương lương cố định mà không cho phép các bên được kéo dài thời gian thương lượng, bởi vì các bên đã có sẵn cơ sở là bản thoả ước đang có hiệu lực để tiếp tục thương lượng, mặt khác tránh việc trì hoãn làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các bên.
Quy định tại Điều 83
“Trong thời hạn 03 tháng trước ngày thoả ước lao động tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thoả ước lao động tập thể hoặc ký kết thoả ước lao động tập thể mới.
Khi thoả ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thoả ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.“
Như vậy, Bộ luật lao động 2019 đã rút ngắn khoảng thời gian trước khi thoả ước lao động tập thể hết hạn để các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới, trong khi đó lại kéo dài thời gian cho phép kéo dài thời hạn có hiệu lực của thoả ước trong khi cả hai bên đang tiếp tục thương lượng. Điều này cũng là sự thay đổi khá thú vị, xuất phát từ quan điểm riêng của nhà làm luật trong việc tìm ra phương hướng giải quyết hiệu quả nhất khi thoả ước lao động tập thể hết hạn.
3. Lấy ý kiến về việc kéo dài thời hạn của Thỏa ước lao động tập thể:
Trong quy định tại Điều 83, Bộ luật lao động năm 2019 còn có quy định: ” Trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải lấy ý kiến theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.” Quy định này được bổ sung so với Bộ luật lao động năm 2012.
Cụ thể:
– Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành. (Khoản 1, Điều 76)
– Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Thỏa ước lao động tập thể ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành. (khoản 2, Điều 76)
– Đối với thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp. (khoản 2, Điều 76).
Trường hợp các bên thoả thuận về việc ký thoả ước lao động tập thể mới thì nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục phải được bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về việc kỳ kết thoả ước lao động tập thể.
Có thể thấy rằng, quy định về hướng xử lý khi thoả ước lao động tập thể hết hạn được quy định khá cụ thể, thực tế, đây không phải là nội dung quá khó khăn, bởi nền tảng của thoả ước lao động tập thể trước đó đã tạo điều kiện cho các bên trong quan hệ lao động được thoả sức lựa chọn và tự do ý chí, miễn sao đảm bảo được yếu tố tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, đảm bảo thoả ước đáp ứng yêu cầu, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo vệ được quyền, lợi ích của người lao động, trong mối quan hệ “bất bình đẳng tương đối” này.
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật lao động năm 2019.