Hình phạt cảnh cáo là gì? Hình phạt cảnh cáo Tiếng anh là gì? Đặc điểm của hình phạt cảnh cáo là gì? Thi hành án phạt cảnh cáo theo Luật thi hành án hình sự?
Theo quy định của pháp luật thì hình phạt cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất so với các hình phạt khác như hình phạt tù, hình phạt tử hình,… trong hệ thống hình phạt vì nó không tước bỏ hoặc hạn chế bất cứ quyền lợi nào của người bị kết án mà chỉ lên án về tinh thần đối với họ.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Luật Thi hành án 2019.
1. Hình phạt cảnh cáo là gì?
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước, được quyết định trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án đối với chính người đã thực hiện hành vi phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế những quyền, tự do của người bị kết án hoặc đặt ra những nghĩa vụ pháp lý nhất định đối với họ theo quy định của pháp luật hình sự.
Cảnh cáo là một hình thức xử phạt vi phạm của nhà nước do Tòa án tuyên án đối với một người nào đó khi bị kết án. Hình phạt cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất trong các hình phạt chính của thi hành án hình sự. Người chịu hình phạt cảnh cáo đã phải chịu sự lên án của Nhà nước về hành vi phạm tội của mình.
2. Hình phạt cảnh cáo Tiếng anh là gì?
Hình phạt cảnh cáo tiếng anh là: “Warning penalty”.
3. Đặc điểm của hình phạt cảnh cáo là gì?
Hình phạt cảnh cáo có một số đặc điểm nổi bật sau:
Một là, hình phạt cảnh cáo được xem là một trong những hình phạt phản ánh rõ nét nhất nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung.
Hai là, hình phạt cảnh cáo theo quy định của pháp luật hình sự thì chỉ được áp dụng đối với người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng.
Ba là, việc phạm tội mà người đó thực hiện phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Bốn là, hình phạt cảnh cáo được quy định là một hình phạt chính trong những hình phạt chính của hệ thống hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự nước ta.
Năm là, tội mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có quy định hình phạt cảnh cáo trong Phần các tội phạm
Sáu là, việc áp dụng hình phạt cảnh cáo là hình phạt không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội và tước đi quyền của họ mà chỉ đem lại tổn thất nhất định về mặt tinh thần.
4. Thi hành án phạt cảnh cáo theo Luật thi hành án hình sự:
Theo pháp luật hình sự thì các hình phạt chính bao gồm những hình phạt sau: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
Phạm tội ít nghiêm trọng: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015,Thì tội phạm ít nghiêm trọng được hiểu là: Tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: có nghĩa là ít nhất phải có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, có thể có 1 tình tiết giảm nhẹ qui định tại Khoản 1 và 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 51, hoặc cả 2 tình tiết giảm nhẹ đều được qui định tại Khoản 2 Điều 51 trường hợp này Tòa án phải ghi rõ tình tiết giảm nhẹ là gì trong bản án và vì sao lại áp dụng tình tiết đó.
Tòa án không được áp dụng hình phạt cảnh cáo với người phạm tội nếu thiếu một trong các điều kiện trên. Khi áp dụng hình phạt cảnh cáo, tòa án phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi bị cáo thuộc diện gần miễn hình phạt mới áp dụng hình phạt cảnh cáo với họ.
Về tội phạm mà người đó thực hiện chưa đến mức miễn hình phạt: Theo Điều 59 Bộ luật Hình sự thì: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.”. Như vậy, trong trường hợp người phạm tội được miễn hình phạt thì tội phạm mà họ đã thực hiện phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự và họ đáng nhận được sự khoan hồng đặc biệt của pháp luật, còn người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo thì không được khoan hồng đặc biệt, vì vậy họ không được miễn hình phạt. Người bị phạt cảnh cáo sau một năm, nếu không phạm tội mới thì đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải gửi bản án cho người bị phạt cảnh cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội nơi người bị phạt cảnh cáo cư trú hoặc làm việc, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trụ sở.
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm theo dõi, thống kê, báo cáo theo quy định của Luật Thi hành án.
Một số hạn chế của việc áp dụng hình phạt cảnh cáo:
Thứ nhất, hình phạt cảnh cáo được áp dụng chiếm tỷ lệ thấp.
Thứ hai, việc áp dụng hình phạt cảnh cáo còn sai sót, chưa chính xác.
Thứ ba, một số Tòa án không xem xét đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, dẫn đến tình trạng đáng lẽ người bị kết án không được áp dụng hình phạt cảnh cáo mà Tòa án vẫn áp dụng.
Thứ tư, còn nhầm lẫn giữa hình phạt cảnh cáo và miễn hình phạt.
Thứ năm, còn nhầm lẫn giữa hình phạt cảnh cáo và miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ sáu, việc thi hành hình phạt cảnh cáo còn nhiều hạn chế. Mặc dù không thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài này, xong qua nghiên cứu thực tiễn thi hành hình phạt này cho thấy: Đối với người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo thì sau khi tòa tuyên án công khai cũng có nghĩa là họ đã chấp hành xong hình phạt cảnh cáo, hay nói cách khác là hình phạt cảnh cáo không có tổ chức thi hành.
Do đó, các tổ chức xã hội, đơn vị công tác nơi người đó làm việc, hay ủy ban nhân dân xã, phường nơi người đó sinh sống khó có thể nắm được tình trạng của người bị kết án và dẫn đến hệ quả là không thể theo dõi, giúp đỡ, cải tạo người bị kết án trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý ngại áp dụng, sợ bị để ý; sợ bị coi là tiêu cực, nhân nhượng cho bị cáo của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân về tác dụng của hình phạt cảnh cáo khi quyết định áp dụng hình phạt cảnh cáo trong từng vụ việc cụ thể.
Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trong việc áp dụng hình phạt cảnh cáo thời gian qua:
Thứ nhất, nguyên nhân do các quy định của luật thực định
Thứ hai, nguyên nhân từ công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; thanh tra, kiểm tra hoạt động áp dụng hình phạt nói chung và hình phạt cảnh cáo nói riêng của Tòa án các cấp.
Thứ ba, nguyên nhân từ chủ thể áp dụng pháp luật hình sự
Như vậy, có thể hiểu hình phạt cảnh cáo là một hình phạt chính không tước tự do, phản ánh nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam, thể hiện chính sách của Nhà nước ta đối với người phạm tội và hành vi do họ thực hiện, đồng thời nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo nhanh chóng, hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội khi có những điều kiện nhất định. Việc quy định trong Bộ luật hình sự về hình phạt này thể hiện phương châm đúng đắn của đường lối xử lý về hình sự, đó là bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước với các biện pháp tác động xã hội khác, với các hình phạt không tước tự do để cải tạo, giáo dục người phạm tội, bằng cách đó hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính trấn áp (trừng trị) về mặt hình sự.
Ngoài ra hình phạt cảnh cáo thể hiện tính nhân đạo và rất có ý nghĩa nhân văn vì nếu áp dụng, nó không để lại cho người bị kết án hậu quả pháp lý là việc mang án tích trong thời hạn một năm nhưng lại không tước tự do. Do đó, sẽ là không công bằng và không ý nghĩa nếu áp dụng không đúng và không chính xác. Do đó, việc giải quyết tốt vấn đề trách nhiệm hình sự và hình phạt, cũng như áp dụng đúng đắn hình phạt cảnh cáo sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ có hiệu quả các lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Mặc dù các trường hợp áp dụng hình phạt cảnh cáo đã được quy định một cách chính thức và cụ thể trong Bộ luật hình sự nhưng trong thực tiễn áp dụng còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng và chưa thống nhất. Vì thế, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền nhiều khi còn áp dụng chưa đúng với quy định của điều luật, cho nên, trong thực tiễn xét xử cho thấy bên cạnh những quyết định áp dụng hình phạt cảnh cáo có căn cứ và đúng pháp luật thì vẫn còn có một số trường hợp áp dụng hình phạt này này không có căn cứ và chưa đúng pháp luật, hoặc là áp dụng nhầm lẫn với một số chế định khác như miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt…