Nếu như khủng bố là hành vi trực tiếp tác động đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người với các mục đích khác nhau thì tài trợ khủng bố là hành vi tác động, thúc đẩy hành vi khủng bố. Vậy tài trợ khủng bố là gì?
Mục lục bài viết
1. Tài trợ khủng bố là gì?
Trước hết, khủng bố được hiểu là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:
– Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;
– Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này;
– Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều này;
– Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này;
– Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
2. Tội tài trợ khủng bố theo Bộ luật hình sự năm 2015 , sửa đổi bổ sung 2017:
Tội tại trợ khủng bố là tội phạm nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật hình sự, là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
Tội tài trợ khủng bố được quy định tại Điều 300, cụ thể:
“1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
3. Cấu thành tội phạm Tài trợ khủng bố:
Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm được quy định theo điều luật trên là hành vi tạo điều kiện về vật chất (chỉ vật chất) cho hoạt động khủng bố. Nếu xét ở khía cạnh này, hành vi của tội phạm này là hành vi giúp sức trong đồng phạm khủng bố, nhưng do tính chất nguy hiểm của hành vi nên tội này được xây dựng thành tội danh độc lập. Hành vi được mô tả cụ thể như sau:
– “Huy động tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại Khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi vận động, kêu gọi cá nhân, tổ chức cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
– “Hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại Khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
* Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người thực hiện tội tài trợ khủng bố là lỗi cố ý, người phạm tội biết hành vi của mình là huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố- đã hoặc sẽ có hoạt động khủng bố, nhưng vẫn thực hiện.
*Khách thể của tội phạm; là xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Khách thể trực tiếp cũng có thể là tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tự do thân thể và tinh thần của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền hoặc tài sản mà người phạm tội tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thông qua những đồng tiền hoặc tài sản mà người phạm tội tài trợ cho tổ chức, cá nhân khung bố xâm phạm đến an toàn công cộng và trật tự công cộng hoặc gián tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tự do thân thể và tinh thần của cơ quan, tổ chức, cá nhân con người và tài sản.
Chủ thể của tội phạm: cá nhân có đủ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự; pháp nhân thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật.
Hình phạt:
Khung hình phạt chính: bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm
Khung hình phạt bổ sung: bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người chuẩn bị phạm tội: bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với pháp nhân thương mại:
Trường hợp 1: Nếu thực hiện hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức khủng bố, bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Trường hợp 2: Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại: bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Các hoạt động chống tài trợ khủng bố
Phát hiện tài trợ khủng bố, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tài trợ khủng bố
– Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan và các tổ chức, cá nhân khác khi phát hiện dấu hiệu, hành vi tài trợ khủng bố phải kịp thời báo cho lực lượng chống khủng bố.
– Lực lượng chống khủng bố có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ tin báo, tố giác về tài trợ khủng bố, nhanh chóng xử lý thông tin, báo cáo cấp có thẩm quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố có thẩm quyền; trong trường hợp phát hiện tài trợ khủng bố đã, đang hoặc có căn cứ để cho rằng sẽ xảy ra thì được áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp chống khủng bố.
Nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng và áp dụng biện pháp tạm thời
Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng; khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong Danh sách đen thì báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Kiểm soát vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới
Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện việc kiểm soát vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới Việt Nam theo quy định tại Điều 24 của Luật này và Điều 24 của Luật phòng, chống rửa tiền có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng các hoạt động này để tài trợ khủng bố.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù đã được quy định là một tội phạm riêng, phù hợp với tình hình khách quan của tội phạm cũng như tình hình chính trị xã hội, nhưng việc phân biệt giữa tội tài trợ khủng bố và người giúp sức trong tội khủng bố sẽ là vấn đề khó khăn trong thực tiễn phát hiện, điều tra, truy tố xét xử đối với hành vi phạm tội liên quan đến khủng bố. Sự ra đời của Nghị quyết 07/HĐTP được đánh giá là bước tiến, là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động bảo vệ an toàn công cộng. Đồng thời, vai trò của Ngân hàng tổ chức tài chính,.. có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện và tố cáo hành vi tài trợ khủng bố.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
– Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013.
– Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật hình sự.