Khái quát về thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng? Quy định của pháp luật về thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng?
Giao thương hàng hải là một hoạt động đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn còn phát triển đến tận bây giờ. Hiện nay, các giao dịch bảo đảm liên quan đến tàu biển đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người quan tâm hơn cả. Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường cùng việc hội nhập quốc tế, thực hiện quá trình toàn cầu hóa, các giao dịch bảo đảm ở Việt Nam hiện nay còn được áp dụng cho cả tàu biến quốc tịch nước ngoài, thậm chí là đối với các tàu biển đang đóng. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về thế chấp tàu biến mang quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng.
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý
– Thông tư số 01/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển
1. Khái quát về thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng?
Thế chấp là biện pháp bảo đảm trong đó một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm việc thực hiện một nghĩa vụ nhất định và không giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.
Thế chấp tàu biển là một biện pháp bảo đảm, trong đó chủ tàu dùng tàu biển thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp và không phải chuyển giao tàu biển đó cho bên nhận thế chấp.
Trong quan hệ về thế chấp tàu biển này, chủ tàu sẽ là bên có nghĩa vụ phải dùng chính tàu biển thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã cam kết và được gọi là bên thế chấp. Bên có quyền gọi là bên nhận thế chấp. Lúc này, tài sản thế chấp là tàu biển vẫn do chủ tàu giữ. Tuy nhiên, pháp luật vẫn cho phép các bên có thể thỏa thuận về việc giao cho người thứ ba giữ tàu biển đã đem ra thế chấp đó. Ngoài ra, bên thế chấp là chủ tàu còn phải có nghĩa vụ thực hiện đăng ký thế chấp tàu biển theo quy định của pháp luật và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến tàu biển thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi không thực hiện được nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận.
Tàu biển quốc tịch nước ngoài (hay còn gọi là tàu biển nước ngoài) là tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài. Thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng là việc chủ tàu biển quốc tịch nước ngoài dùng tàu biển quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã cam kết. Các quy định về thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài cũng được áp dụng đối với việc thế chấp tàu biển đang đóng.
2. Quy định của pháp luật về thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng?
Cũng tương tự như thế chấp tàu biển Việt Nam, việc thế chấp tàu biển nước ngoài, tàu biển đang đóng cũng cần tuân theo những nguyên tắc chung như sau:
Thứ nhất, tàu biển đang thế chấp không được chuyển quyền sở hữu, nếu không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp tàu biển.
Theo đó, ý nghĩa của biện pháp bảo đảm chính là hạn chế những rủi ro trong quá trình thực hiện nghĩa vụ. Đối với biện pháp thế chấp cũng vậy, nhằm hạn chế những rủi ro cho bên nhận thế chấp và buộc bên thế chấp cần phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình, bên thế chấp tàu biển không được chuyển quyền sở hữu tàu biển đã đem ra thế chấp cho người thứ ba. Tuy nhiên, pháp luật dân sự nói chung vẫn ưu tiên sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ thế chấp tài sản. Theo đó, nếu được sự đồng ý của bên nhận thế chấp tàu biển thì bên thế chấp được chuyển quyền sở hữu tàu biển đang thế chấp cho bên thứ ba. Trong trường hợp này, đối tượng của quan hệ thế chấp tài sản không còn thì các bên có thể chấm dứt hợp đồng thế chấp, báo với cơ quan chức năng thực hiện xóa đăng ký thế chấp tàu biển, hoặc cũng có thể tìm đối tượng tàu biển mới để thay thế nếu các bên vẫn muốn duy trì quan hệ thế chấp.
Thứ hai, tàu biển thế chấp phải được chủ tàu mua bảo hiểm, trừ trường hợp trong hợp đồng thế chấp có thỏa thuận khác.
Trên thực tế, những rủi ro xảy ra đối với tàu biển là vô cùng đa dạng như tàu biển bị chìm, tai nạn khi bốc dỡ hàng, đâm va với tàu khác,… Việc mua bảo hiểm cho tàu biển sẽ giúp bù đắp lại phần tổn thất do những rủi ro đó gây ra. Bởi lẽ trong quan hệ thế chấp, chủ tàu được quyền giữ lại tàu biển của mình để thực hiện các hoạt động khai thác nên cần thiết chủ tàu phải mua bảo hiểm cho tàu biển thế chấp nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro cho bên nhận thế chấp khi tham gia vào quan hệ thế chấp. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì chủ tàu có thể không bắt buộc phải mua bảo hiểm cho tàu biển thế chấp.
Thứ ba, trường hợp bên nhận thế chấp đã chuyển toàn bộ hoặc một phần quyền của mình đối với khoản nợ được bảo đảm bằng tàu biển thế chấp cho người khác thì việc thế chấp tàu biển đó được chuyển tương ứng.
Đây là một trong những nguyên tắc chuyển giao nghĩa vụ trong giao dịch dân sự. Khi một chủ thể chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền cho bên thứ ba thì bên thứ ba sẽ được hưởng các quyền lợi tương ứng.
Thứ tư, một tàu biển có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo nguyên tắc này thì chủ tàu hoàn toàn có quyền sử dụng tàu biển thuộc sở hữu của mình để thực hiện nhiều quan hệ thế chấp tài sản nhằm đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết trong các giao dịch dân sự mình tham gia, nhưng phải đảm bảo điều kiện là có giá trị lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Tuy nhiên, trong trường hợp có thỏa thuận khác như xuất hiện việc một bên không đồng ý thì chủ tàu không được sử dụng tàu biển thế chấp đối với bên đó.
Thứ năm, việc thế chấp tàu biển thuộc sở hữu của từ hai chủ sở hữu trở lên thì phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đây là một trong những nguyên tắc nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho chủ sở hữu hợp pháp của tàu biển.
Thứ sáu, thế chấp tàu biển chấm dứt trong trường hợp sau đây:
– Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt;
– Việc thế chấp tàu biển được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
– Tàu biển thế chấp đã được xử lý theo quy định của pháp luật;
– Tàu biển thế chấp bị tổn thất toàn bộ;
– Theo thỏa thuận của các bên.
Thứ bảy, bên nhận thế chấp chỉ giữ bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển của tàu biển thế chấp.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì việc thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng phải thực hiện các thủ tục đăng ký, cụ thể tại Thông tư số 01/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển quy định:
– Trước tiên cần phải kê khai thông tin trên phiếu yêu cầu đăng ký như sau:
+ Kê khai thông tin bên thế chấp và bên nhận thế chấp
+ Kê khai thông tin về hợp đồng thế chấp tàu biển: về Số của hợp đồng thế chấp (nếu có) và thời điểm ký kết hợp đồng (ngày, tháng, năm) của hợp đồng
Sau khi kê khai, tiến hành ký phiếu yêu cầu đăng ký. Việc ký phiếu phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của một trong các bên tham gia quan hệ thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng.
– Tiếp theo, Cơ quan đăng ký tàu biển sẽ tiến hành ghi nội dung đăng ký thế chấp tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam:
+ Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm).
+ Ghi “Thế chấp tàu biển giữa… (ghi tên bên thế chấp) và… (ghi tên bên nhận thế chấp) theo hợp đồng thế chấp hoặc
+ Trường hợp rút bớt tàu biển thế chấp thì ghi “Rút bớt tàu biển thế chấp (kèm thông tin về tàu biển bị rút bớt); tàu biển thế chấp còn lại là…(ghi nội dung thông tin về tàu biển còn lại).
+ Trường hợp bổ sung tài sản thế chấp là tàu biển thì ghi “Bổ sung tài sản thế chấp là… (ghi thông tin về tàu biển được bổ sung).
+ Trường hợp thay thế tài sản thế chấp thì Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam hướng dẫn người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển theo quy định.
+ Trường hợp đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là tàu biển trong trường hợp đã đăng ký, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau: Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) và ghi “đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý… (ghi tên tài sản phải xử lý) đã thế chấp với… (ghi tên bên nhận thế chấp) theo Phiếu yêu cầu đăng ký ngày, tháng, năm”.
+ Trường hợp xóa đăng ký thế chấp, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau: Ghi thời điểm xóa đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm); ghi “Xóa đăng ký thế chấp bằng tàu biển giữa… (ghi tên bên thế chấp) và… (ghi tên bên nhận thế chấp) theo Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển ngày, tháng, năm”.
Từ những phân tích trên có thể thấy thế chấp là biện pháp bảo đảm có nhiều ưu điểm mà các bên quan tâm lựa chọn như bên nhận thế chấp sẽ không trực tiếp nắm giữ tài sản nên sẽ không cần phải mất chi phí bảo quản, giữ gìn, không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu tàu biển thế chấp bị hư hỏng, trong khi đó bên thế chấp (tức chủ tàu) sẽ không phải chuyển giao tàu biển cho bên thấp chấp nên vẫn có thể tiếp tục khai thác công dụng, sử dụng tàu biển cũng như hoa lợi phát sinh từ tàu biển đem thế chấp. Chính vì vậy, bạn đọc có thể tham khảo những thông tin hữu ích phía trên mà chúng tôi cung cấp khi tham gia vào quan hệ thế chấp tàu biển quốc tịch nước ngoài, tàu biển đang đóng để có thể bảo vệ quyền lợi của mình được tốt nhất.