Thẩm quyền của Hội đồng xét xử là gì? Thẩm quyền của Hội đồng xét xử Tiếng Anh là gì? Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự? Quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự? Nguyên tắc xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự?
Xét xử vụ án hình sự là giai đoạn thứ tư và là cuối cùng, quan trọng nhất của hoạt động tố tụng. Thông thường việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được tiến hành với sự tham gia của một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức pháp lý và thành phần và thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:
Căn cứ pháp lý:
–
– Luật tổ chức
1. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử là gì?
Hội đồng xét xử là hội đồng gồm các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân do Tòa án có thẩm quyền lập ra để nhân danh nhà nước trực tiếp xét xử tại phiên tòa các vụ án và ra bản án hoặc quyết định đối với các vụ án.
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm hình sự là quyền hạn, quyền thực thi quyền lực của Nhà nước của Hội đồng xét xử trong việc đưa ra các phán quyết, quyết định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
2. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử Tiếng Anh là gì?
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử Tiếng Anh là: “Trial panel’s intra vires”
3. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Căn cứ theo Điều 254 Bộ luật tố tụng Hình sự, thành phần Hội đồng xét xử được quy định cụ thể như sau:
” Điều 254. Thành phần Hội đồng xét xử
1. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán”.
Như vậy, đối với những vụ án thông thương, Hội đồng xét xử của phiên tòa sơ thẩm sẽ bao gồm: Một thẩm phán và hai Hội thẩm. Với những vụ án có tình tiết phúc tạp hơn thì số lượng hội đồng xét xử sẽ tăng lên là hai thẩm phán và 3 hội thẩm nhằm đảm bảo việc xét xử vụ án được diễn ra một cách khách quan, công bằng, tôn trọng sự thật.
4. Quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Như đã trình bày ở trên, thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự sẽ bao gồm: Thẩm phán và Hội thẩm. Mỗi một thành phần của Hội đồng xét xử sẽ có những quyền hạn và trách nhiệm khác nhau.
4.1 Thẩm quyền của thẩm phán
Thẩm phán nhận xét xử vụ án hình sự trên cơ sở sự phân công của Chánh án Tòa án. Trong những trường hợp nếu xét thấy cần thiết, Chánh án Tòa án có quyền đưa ra yêu cầu thay đổi thẩm phán. Căn cứ theo điều 45, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, nhiệm vụ và quyền hạn của thẩm phán được quy định như sau:
Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa:
Hồ sơ vụ án là Toàn bộ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án, được sắp xếp một cách có trật tự, có hệ thống theo quy định. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi bắt đầu phiên tòa vừa quyền và nghĩa vụ của thẩm phán.
Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa
Việc điều hành phiên tòa là công việc vô cùng quan trọng được thực hiện bởi thẩm phán. Trên cơ sở hồ sơ vụ án, thẩm phán cho phép các bên đương sự trình bày ý kiến, ý kiến của Viện kiểm sát,…tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa; ra yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật
Sửa chữa, bổ sung bản án ( Điều 261 BLTTHS 2015)
Theo quy định, không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung bản án phải do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định thực hiện. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc sửa chữa, bổ sung bản án do Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án đó thực hiện.
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 280 BLTTHS 2015)
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ, có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm, có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Tạm đình chỉ vụ án ( Điều 281 BLTTHS 2015)
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra; không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.
Đình chỉ vụ án ( Điều 282 BLTTHS 2015)
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015; Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
Phục hồi vụ án ( Điều 283 BLTTHS 2015)
Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định phục hồi vụ án.
Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ ( Điều 284 BLTTHS 2015)
Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ phải bằng văn bản, nêu rõ tài liệu, chứng cứ cần bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra văn bản yêu cầu. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án tài liệu, chứng cứ được yêu cầu bổ sung. Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
4.2 Thẩm quyền của Hội thẩm
Điều kiện để trở thành Hội thẩm nhân dân theo quy định tại Điều 85 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014 như sau:
“1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
2. Có kiến thức pháp luật.
3. Có hiểu biết xã hội.
4. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Để ngày càng nâng cao chất lượng xét xử vụ án hình sự, cần có những tiêu chuẩn khắt khe hơn với cá nhân trở thành hội thẩm nhân dân. Sự hiện diện của Hội thẩm nhân dân tại Tòa án, nơi thực thi quyền tư pháp của nhà nước cho thấy sự đề cao vai trò của nhân dân trong hoạt động tư pháp.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm
Căn cứ theo Điều 46 BLTTHS 2015, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm được quy định như sau:
” Điều 46. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm
1. Hội thẩm được phân công xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;
b) Tiến hành xét xử vụ án;
c) Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
2. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình”.
Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn thì chỉ có một thẩm phán thực hiện và không có sự tham gia của hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân là đại diện cho tiếng nói của người dân tham gia vào thành phần Hội đồn xét xử để nâng cao vai trò của người dân, là tiến bộ trong quá trình cải cách tư pháp đến năm 2020.
5. Nguyên tắc xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự
5.1 Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục ( Theo Điều 250 BLTTHS 2015)
Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa
5.2 Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Theo Điều 23 BLTTHS 2015)
Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật: Các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp vào việc xét xử của Tòa án, vì chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất được Nhà nước giao cho thực hiện chức năng xét xử. Hoạt động xét xử của Tòa án không lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Nếu qua phiên tòa xét xử, Tòa án xét thấy cần thiết xử lý khác với ý kiến của các cơ quan đó thì Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra quyết định xử lý.
Trong ngành Tòa án, Tòa án cấp trên sẽ hướng dẫn Tòa án cấp dưới về việc áp dụng thống nhất pháp luật, đường lối xét xử, nhưng Tòa án cấp trên không quyết định trước về chủ trương xét xử cụ thể một vụ án buộc Tòa án cấp dưới phải tuân theo. Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm không chỉ độc lập với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà còn độc lập với chính các thành viên của Hội đồng xét xử với nhau. Đối với cá nhân mỗi thẩm phán, hội thẩm phải độc lập trong suy nghĩ, phán xét. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc xét xử tập thế và quyết định theo đa số
Pháp luật tố tụng Hình sự nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật tuy nhiên vẫn chịu sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan khác.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về thành phần và thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm hình sự. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này hoặc có bất cứ vấn đề pháp luật gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!