Thành lập website tổ chức gia sư dạy thêm. Điều kiện tổ chức dạy thêm, thủ tục mở website giới thiệu lớp học.
Tóm tắt câu hỏi:
Em là giáo viên, em thấy hện nay có rất nhiều gia đình muốn tìm gia sư cho con.Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên muốn làm gia sư . Trên mạng hiện nay có khá nhiều trung tâm gia sư như thế. Bản thân em muốn lập 1 văn phòng và trang web để phụ huynh học sinh và các bạn sinh viên thực hiện được mong muốn của mình, Vậy cho em hỏi, muốn lập web và văn phòng như vậy cần thủ tục gì không ạ? em chân thành cảm ơn!!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Về vấn đề thành lập trung tập gia sư.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn dang có nhu cầu mở một văn phòng gia sư và giới thiệu gia sư với quy mô không lớn, trong trường hợp này để có thể hoạt động được văn phòng/ trung tâm gia sư, bạn cần đăng ký kinh doanh dưới hình thức phù hợp nhất là hộ kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì:
Điều 66. Hộ kinh doanh
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Điều kiện về chủ thể
+ Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền
+ Cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Bên cạnh đó, để có đủ điều kiện thành lập trung tâm gia sư, bạn cần đáp ứng một số điều kiện sau theo quy định của pháp luật về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT:
Thứ nhất, về chủ thể thành lập:
Điều 6. Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm:
1. Cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.
2. Công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm:
a) Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
b) Danh sách người dạy thêm;
c) Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm;
d) Mức thu tiền học thêm.
Ngoài ra, chủ thể đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm cần có:
– Có trình độ được đào tạo tối thiểu tương ứng với giáo viên dạy thêm theo quy định tại khoản 1, điều 8 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT:
– Có đủ sức khỏe.
– Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Thứ hai, điều kiện về người dạy thêm.
Điều 8. Yêu cầu đối với người dạy thêm
1. Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.
2. Có đủ sức khoẻ.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.
4. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
5. Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).
Thứ ba, về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Điều 10. Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm
Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm phải đảm bảo yêu cầu quy định tại Quyết định số 1221/QĐ-BYTngày 18/4/2000 của Bộ Y tế về vệ sinh trường học và Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trong đó có các yêu cầu tối thiểu:
1. Địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; ở xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn; ở xa các trục đường giao thông lớn, sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở.
2. Phòng học đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên; được thông gió và đủ độ chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng bệnh.
3. Kích thước bàn, ghế học sinh và bố trí bàn, ghế học sinh trong phòng học đảm bảo các yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011.
4. Bảng học được chống lóa; kích thước, màu sắc, cách treo bảng học đảm bảo các yêu cầu tại Quyết định số 1221/QĐ-BYT ngày 18/4/2000.
5. Có công trình vệ sinh và có nơi chứa rác thải hợp vệ sinh.
Đáp ứng những điều kiện trên, bạn có thể tiến hành xin cấp giấy phép hoạt động cho văn phòng gia sư và đăng ký hộ kinh doanh.
Trình tự, thủ tục tiến hành cấp giấy phép hoạt động cho trung tâm được thực hiện theo quy định tại Điều 12,13 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT:
Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động bao gồm:
– Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã.
– Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
– Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận theo quy định tại khoản 5, điều 8 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
– Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
– Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
– Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động được quy định như sau:
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc trả lời không đồng ý cho tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm bằng văn bản.
Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ- CP như sau:
Điều 71. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.
Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh; nội dung giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh có thể tham khảo tại phụ lục kèm Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT.
Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
Về vấn đề thành lập website.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định thì:
4. Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội.
Tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội khi có đủ các Điều kiện sau đây:
– Là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp Luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp;
– Có nhân sự quản lý đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; cụ thể theo Thông tư 09/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết:
1. Điều kiện về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin.
a) Người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý nội dung cung cấp trên trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội;
b) Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung phải tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên, có quốc tịch Việt Nam. Đối với người nước ngoài, có địa chỉ tạm trú ít nhất 6 tháng tại Việt Nam.
c) Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung có trách nhiệm cung cấp số điện thoại liên lạc thường xuyên, địa chỉ email cho cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương để phối hợp xử lý ngay khi cần thiết.
d) Người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp có thể giao nhiệm vụ cho cấp phó chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin;
đ) Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải thành lập bộ phận quản lý nội dung thông tin.
2. Điều kiện về nhân sự bộ phận kỹ thuật.
Bộ phận quản lý kỹ thuật tối thiểu có 01 người đáp ứng quy định tại điểm g, điểm h khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
– Đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội theo Khoản 3 Điều 5 Thông tư 09/2014/TT-BTTTT:
3. Điều kiện về tên miền:
a) Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí.
b) Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng một tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng một tên miền.
c) Tên miền phải còn thời hạn sử dụng ít nhất là 06 (sáu) tháng tại thời điểm đề nghị cấp phép và phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
– Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động; theo Điều 4 Thông tư 09/2014/TT-BTTTT:
1. Tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải có phương án tài chính bảo đảm thiết lập hệ thống thiết bị kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều này để duy trì hoạt động trong thời gian giấy phép có hiệu lực.
2. Điều kiện về kỹ thuật
Thiết lập hệ thống thiết bị kỹ thuật có khả năng đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp: Lưu trữ tối thiểu 90 (chín mươi) ngày đối với nội dung thông tin tổng hợp kể từ thời điểm đăng tải; lưu trữ tối thiểu 02 (hai) năm đối với nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;
b) Đối với mạng xã hội: Lưu trữ tối thiểu 02 (hai) năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;
c) Tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng;
d) Phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin;
đ) Có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;
e) Đảm bảo phải có ít nhất 01 (một) hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ cũng có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin trên toàn bộ các trang thông tin tiện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp sở hữu theo quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều này.
3. Ngoài việc bảo đảm các điều kiện kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều này, hệ thống kỹ thuật thiết lập mạng xã hội phải có khả năng đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của thành viên quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư này.
b) Thực hiện việc xác thực người sử dụng dịch vụ thông qua tin nhắn gửi đến số điện thoại hoặc đến hộp thư điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc thay đổi thông tin cá nhân.
c) Ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin vi phạm các quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
d) Thiết lập cơ chế cảnh báo thành viên khi đăng thông tin có nội dung vi phạm (bộ lọc);
đ) Sẵn sàng kết nối, xác thực thông tin cá nhân với cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh nhân dân hoặc hệ thống mã số cá nhân quốc gia theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
– Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2014/TT-BTTT:
1. Điều kiện về quản lý thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp.
a) Có quy trình quản lý thông tin công cộng: Xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải;
b) Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn;
c) Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 03 (ba) giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bằng văn bản, điện thoại, email);
2. Điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội:
a) Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội;
b) Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;
c) Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 03 (ba) giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bằng văn bản, điện thoại, email);
d) Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;
đ) Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.
>>>
Trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử được hướng dẫn bởi Điều 6, Khoản 2 Điều 7, Điều 8 Thông tư 09/2014/TT-BTTTT như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được lập thành 01 bộ, gồm có:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông (mẫu 01).
– Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Quyết định thành lập ;
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập phải có ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh hoặc chức năng nhiệm vụ phù hợp với nội dung thông tin cung cấp trên trang thông tin điện tử tổng hợp.
– Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên và sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm quản lý nội dung có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có ảnh và dấu giáp lai.
– Đề án hoạt động có chữ ký, dấu của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép. Đề án bao gồm các nội dung chính:
Về nội dung thông tin: Mục đích cung cấp thông tin; nội dung thông tin, các chuyên mục dự kiến; nguồn tin chính thức, bản in trang chủ và các trang chuyên mục chính;
+ Phương án tổ chức, nhân sự, kỹ thuật, quản lý thông tin, tài chính nhằm bảo đảm hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp phù hợp với các quy định tại khoản 5 Điều 23 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 3, 4, 5 Thông tư .
+ Địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam.
– Văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Cơ quan có thẩm quyền ở đây là Sở Thông tin và Truyền thông.
Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.