Hoạt động nuôi trồng thủy sản là một trong những hoạt động quan trọng, cần phải thực hiện thủ tục xin giấy phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề thành lập công ty nước ngoài trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.
Mục lục bài viết
1. Thành lập công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản:
Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành nghề phát triển hiện nay. Quá trình thành lập công ty nuôi trồng thủy sản nói chung và công ty nước ngoài trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Theo đó, quá trình thành lập công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phần hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, cụ thể trong trường hợp này là dự án nuôi trồng thủy sản;
– Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của các nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư được xác định là cá nhân thì cần phải có bản sao giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn. Đối với các nhà đầu tư là tổ chức thì cần phải có bản sao của giấy chứng nhận thành lập được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và các loại giấy tờ, tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương;
– Đề xuất dự án đầu tư, trong đó bao gồm các nội dung như: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm thực hiện, thời hạn thực hiện, tiến độ đầu tư, nhu cầu về nguồn lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế xã hội của dự án;
– Báo cáo tài chính trong khoảng thời gian hai năm gần nhất của các nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của các công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính, văn bản bảo lãnh về năng lực tài chính của các nhà đầu tư;
– Tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của các nhà đầu tư;
– Hợp đồng hợp tác đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, văn bản ủy quyền trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua hình thức ủy quyền.
Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ hợp lệ, nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Nếu công ty đặt trụ sở tại các khu công nghiệp thì sẽ nộp đến ban quản lý các khu công nghiệp. Nếu công ty đặt trụ sở ngoài khu công nghiệp thì sẽ nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Phòng kinh tế đối ngoại thuộc Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh.
Bước 2: Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần phải chuẩn bị hồ sơ để thành lập doanh nghiệp. Hồ sơ thành lập công ty nước ngoài sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu do pháp luật quy định;
– Điều lệ của công ty, danh sách các thành viên hoặc cổ đông trong công ty;
– Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương, văn bản ủy quyền trong trường hợp thực hiện thông qua người ủy quyền;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh, trong trường hợp này được xác định là Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh. Thời gian để cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty nước ngoài sẽ được xác định là trong vòng 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Năm công bố báo cáo thành lập công ty nước ngoài. Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cần phải thông báo công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố sẽ bao gồm đầy đủ các nội dung được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có thể kể đến các thông tin như sau: ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông được xác định là nhà đầu tư đối với loại hình công ty cổ phần, các thành viên đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn … Cơ quan thực hiện trong trường hợp này được xác định là bộ phận đăng công bố của Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh. Sau đó, tiến hành hoạt động khắc dấu công ty nước ngoài. Tức là sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã tiến hành hoạt động công bố thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sẽ cần phải tiến hành hoạt động khắc dấu tại một trong những đơn vị khác dấu được cấp phép, hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp sẽ tự quyết định số lượng và hình thức con dấu trong phạm vi pháp luật cho phép.
Bước 4: Xin cấp phép nuôi trồng thủy sản. Nộp hồ sơ tới Tổng cục thủy sản để thực hiện hoạt động xin cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản. Trong khoảng thời gian 45 ngày được tính kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành hoạt động thẩm định hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan ban ngành có liên quan trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, các đơn vị có liên quan khác, xem xét để cấp giấy phép nuôi trồng thuỷ sản cho các công ty nước ngoài. Trong trường hợp không đồng ý thì cần phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do chính đáng. Thành phần hồ sơ sẽ được thực hiện cụ thể theo các loại giấy tờ, tài liệu trong phần phân tích dưới đây. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính.
2. Hồ sơ thành lập công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản:
Trong quá trình thành lập công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản, cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ và tài liệu như sau:
– Các loại giấy tờ tùy thân của chủ công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản, đó có thể là căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn;
– Đơn đề nghị cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản theo mẫu do pháp luật quy định;
– Dự thảo điều lệ của doanh nghiệp;
– Danh sách các thành viên đối với từng loại hình công ty nhất định;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao khu vực biển để tiến hành hoạt động nuôi trồng thủy sản, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và khu vực biển để tiến hành hoạt động nuôi trồng thủy sản;
– Sơ đồ đặt vị trí lồng/bè, sơ đồ khu vực nuôi trồng thủy sản trên thực tế.
3. Điều kiện thành lập công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Luật thủy sản năm 2017 có quy định về điều kiện của các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Theo đó, để thành lập công ty nước ngoài về nuôi trồng thủy sản, công ty đó cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của một cơ sở nuôi trồng thủy sản. Những điều kiện cả đến trong trường hợp này như sau:
– Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản cần phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về sử dụng đất, sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
– Có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi trồng thủy sản;
– Đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động trong quá trình nuôi trồng thủy sản;
– Đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
– Phải tiến hành hoạt động đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thuỷ sản tại lồng/bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022
– Luật Thủy sản năm 2017.