Cảnh sát biển là một lực lượng vũ trang quan trọng cảu đất nước ta có thẩm quyền quản lý trong một số lĩnh vực nhất định. Vậy thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định chung về cảnh sát biển:
Căn cứ Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng cơ bản là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, còn có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Xuất phát từ chức năng, Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ là thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển…
Cảnh sát biển Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự; truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển….
Chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam có các nghĩa vụ và trách nhiệm, bao gồm trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; kên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển; chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định, hành vi của mình khi thực hiện nhiệm vụ….
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển:
Theo quy định của Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-VPQH Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì vi phạm hành chính tức là hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức nào đó mà vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và phải bị xử lý vi phạm hành chính, sẽ bị người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Khi tiến hành xử phạt, nếu có yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành việc xử phạt có trách nhiệm chứng minh hành vi đó là hành vi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền chứng minh hành vi của mình không vi phạm. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà quyết định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Như vậy, Cảnh sát biển có quyền áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Nếu như Bộ đội biên phòng Việt Nam là lực lượng nòng cốt để bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự vùng biên giới trên đất liền thì cảnh sát biển lại quản lý vùng biên giới ven biển và hải đảo, là một trong những khu vực rất quan trọng trong chiến lược quốc gia, một phần chủ quyền của đất nước, là những khu vực chiến lược vô cùng quan trọng. Các hành vi vi phạm ở khu vực này, Cảnh sát biển có thẩm quyền có thẩm quyền xử phạt.
Tùy vào vị trí, chức trách được giao mà Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt khác nhau. Cụ thể tại Điều 41 Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền như sau:
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền áp dụng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Thẩm quyền phạt tiền là phạt tiền đến 2% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của văn bản hợp nhất này nhưng không quá 1.500.000 đồng. Chẳng hạn như đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại thì mức phạt tiền tối đa là phạt tiền đến 30.000.000 đồng. Theo đó, Cảnh sát biển sẽ có thẩm quyền xử phạt tiền là 2% X 30.000.000 đồng là 600.000 đồng, chưa vượt quá 1.500.000 đồng.
– Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Văn bản hợp nhất này này nhưng không quá 5.000.000 đồng.
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Văn bản hợp nhất này nhưng không quá 10.000.000 đồng. Ngoài ra Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền ap dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Văn bản hợp nhất này nhưng không quá 25.000.000 đồng, có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt thuộc thẩm quyền phạt của cơ quan này. Các biện pháp khắc phục hậu quả mà Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền áp dụng đó là: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện, Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
– Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt tiền đến 30% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Văn bản hợp nhất này nhưng không quá 50.000.000 đồng. Có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt thuộc thẩm quyền được phạt. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện, Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
– Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Văn bản hợp nhất này nhưng không quá 100.000.000 đồng; có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện, Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
– Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của văn bản hợp nhất này; có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện, Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
3. Thẩm quyền xử phạt của cảnh sát biển trong một số lĩnh vực cụ thể:
Chẳng hạn, Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển được quy định như sau:
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.500.000 đồng.
– Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 3.750.000 đồng.
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền Phạt cảnh cáo hoặc Phạt tiền đến 7.500.000 đồng.
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 15.000.000 đồng; có thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 30.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
– Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 22.500.000 đồng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 45.000.000 đồng; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
– Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 37.500.000 đồng; có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; ap dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định
– Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 75.000.000 đồng; có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Luật cảnh sát biển năm 2018
Văn bản hợp nhất số 31/VBHN-VPQH Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020