Trưởng công an xã có quyền xử phạt hành vi đánh bạc hay không? Sau đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho quý độc giả về thẩm quyền xử phạt hành vi đánh bạc của trưởng công an xã.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là hành vi đánh bạc?
– Tội đánh bạc được hiểu là hành vi chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kỳ hình thức nào, như: xóc đĩa, bầu cua, tổ tôm, tam cúc, số đề, cá cược, đá (chọi) gà, đua xe, cá cược … một cách trái phép. Trong đó, tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy, nhà cửa, gia súc, hàng hóa,…
– Như vậy, có thể hiểu đánh bạc là tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào. Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi đánh bạc của trưởng công an xã:
Căn cứ theo Điều 26
– Đối với các hành vi mua các số lô, số đề thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
– Đối với các hành vi đánh bạc trái phép bằng các hình thức như: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép, cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác. Hoặc bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề. Nếu có một trong các hành vi trên thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
– Đối với các hành vi nhận tiền gửi, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác hoặc cố ý che giấu việc đánh bạc trái phép thì sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Đối với các hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép hoặc dùng nhà, chỗ ở của mình, phương tiện địa điểm của bản thân để chứa bạc. Hoặc đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép, tổ chức các hoạt động cá cược ăn tiền trái phép thì sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Đối với các hành vi làm chủ lô đề, tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô đề, tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề, tổ chức các cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung như là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với các hành vi trên. Trong trường hợp mà người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính theo các hành vi đã nêu trên, thì sẽ tùy theo mức độ vi phạm mà có thể áp dụng các hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Căn cứ theo Điều 39
– Thứ nhất là phạt cảnh cáo;
– Thứ hai là phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 2.500.000 đồng;
– Thứ ba là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
– Thứ tư là áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Như vậy, đối với các hành vi đánh bạc trái phép thì trưởng công an xã sẽ có quyền phạt cảnh cáo, mức phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 2.500.000 đồng. Ngoài ra, trưởng công an xã còn có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt. Ví dụ như: Ông A đánh bạc tại nhà và bị Trưởng công an xã bắt thì trưởng công an xã có quyền thu giữ các tang vật có tại nơi đánh bạc của ông A, như là xe máy, tiền mặt, điện thoại,…… Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với ông A.
3. Các dấu hiệu cơ bản của tội đánh bạc:
3.1. Dấu hiệu về chủ thể của tội đánh bạc:
Chủ thể của tội đánh bạc không phải chủ thể đặc biệt, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Ngoài ra, đối với trường hợp số tiền hoặc tài sản dùng để đánh bạc có giá trị không lớn thì người có hành vi hành đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.
3.2. Dấu hiệu về khách thể của tội đánh bạc:
Đánh bạc là một tệ nạn của xã hội, do đó tội đánh bạc là tội xâm phạm đến trật tự công cộng, cụ thể là xâm phạm trực tiếp đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội.
3.3. Dấu hiệu về mặt khách quan của tội đánh bạc:
Hành vi đánh bạc được thực hiện bằng nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng như tổ tôm, xóc đĩa, bài tây, chơi số lô số đề, cá độ bóng đá, chọi gà, cá độ đua ngựa, đua xe… Theo quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành thì người có hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều được coi là hành vi phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế một số hình thức vui chơi giải trí như chơi sổ xố, lô tô, casino…đã được Nhà nước cho phép nên người tham gia chơi không được coi là phạm tội.
Đối với tội đánh bạc thì không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nhưng lại quy định giá trị tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc.Trường hợp một người đánh bạc với nhiều người khác nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc đối với người đánh bạc với nhiều người là tổng số tiền, giá trị hiện vật mà họ và những người đánh bạc khác dùng để đánh bạc, còn đối với người tham gia đánh bạc với người này là tiền, giá trị hiện vật mà bản thân họ và người đó cùng dùng để đánh bạc.
Trường hợp hành vi đánh bạc mà giá trị tiền hay hiện vật dùng vào việc đánh bạc có giá trị dưới 5.000.000 đồng và người thực hiện hành vi chưa bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc chưa bị kết án về một trong các tội này, hoặc đã bị kết án về các tội phạm này nhưng đã được xoá án tích thì chưa bị coi là phạm tội đánh bạc. Trong tội đánh bạc, người phạm tội thực hiện đánh bạc vi phạm lỗi cố ý.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022;
–