Quy định về điều chỉnh dự án đầu tư? Thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư? Trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư? Hồ sơ đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư? Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư?
Hiện nay thì thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư là một trong số những yêu cầu bắt buộc cần phải thực hiện khi nhà đầu tư muốn điều chỉnh những nội dung trên Giấy chứng nhận đầu tư đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trên thực tế, bởi vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhà đầu tư muốn điều chỉnh, thay đổi dự án đầu tư ban đầu của mình. Do đó, pháp luật đã đưa ra một số những quy định về điều chỉnh dự án đầu tư theo Luật đầu tư. Việc ban hành quy định về điều chỉnh dự án đầu tư, giúp các nhà đầu tư có thể thuận lợi đăng ký thay đổi nội dung đầu tư cho phù hợp với nhu cầu thực tế của dự án.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Khái quát chung về dự án đầu tư:
1.1. Khái niệm về dự án đầu tư:
Dự án được hiểu là một chuỗi các hoạt động liên kết được tạo ra nhằm đạt kết quả nhất định trong phạm vi ngân sách và thời gian xác định.
Về mặt hình thức thì dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết và có hệ thống các hoạt động, chi phí theo một kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.
Về mặt nội dung thì dự án đầu tư là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được kế hoạch hoá nhằm đạt được các mục tiêu đã định bằng việc tạo ra các kết quả cụ thể trong một thời gian nhất định, thông qua việc sử dụng các nguồn lực xác định.
Dự án đầu tư là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các biện pháp quản lý,cấp phép đầu tư. Nó là căn cứ để nhà đầu tư triển khai hoạt động đầu tư và đánh giá hiệu quả của dự án. Và đặc biệt quan trọng trong việc thuyết phục chủ đầu tư quyết định đầu tư và tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án.
Dự án đầu tư theo quy định của
Dựa vào dự án đầu tư, chúng ta biết được thông về nhà đầu tư, các dự định, dự án mà nhà đầu tư sẽ tiến hành.
Dự án đầu tư là một trong số những căn cứ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư. Bên cạnh đó, dự án đầu tư là căn cứ để nhà đầu tư triển khai hoạt động đầu tư và đánh giá hiệu quả của dự án.
1.2. Đặc điểm của dự án đầu tư:
Xuất phát từ khái niệm được nêu cụ thể bên trên, chúng ta thấy được dự án đầu tư có các đặc điểm cơ bản sau:
– Thứ nhất: dự án đầu tư luôn có mục tiêu rõ ràng.
Tất cả các dự án đầu tư dù thuộc lĩnh vực nào, thời gian thực hiện là bao lâu, chi phí ước tính như thế nào thì cũng đều phải có mục đích rõ ràng và cần phải có những mục tiêu cụ thể.
Mục tiêu đầu tư cũng là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong đề xuất dự án đầu tư nộp kèm với hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư. Chính vì vậy, để được xét duyệt dự án, thì người việc chuẩn bị về kinh phí, đội ngũ nguồn nhân lực, chủ đầu tư phải đặt ra những mục tiêu cụ thể phù hợp với tiến trình thực hiện dự án.
– Thứ hai: dự án đầu tư có thời gian tồn tại hữu hạn.
Một dự án đầu tư khi xây dựng có thể là dự án ngắn hạn hay dài hạn. Và dù là thời gian thực hiện dài hay ngắn thì chúng đều hữu hạn. Cụ thể hơn:
+ Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
+ Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.
– Thứ ba: dự án đầu tư có thể chuyển nhượng.
Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư.
Như vậy, trên đây là ba đặc điểm cơ bản nhất của một dự án đầu tư. Dự án đầu tư cần đáp ứng đủ ba điều kiện được nêu trên theo đúng quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
2. Quy định về điều chỉnh dự án đầu tư:
2.1. Thẩm quyền điều chỉnh dự án đầu tư:
Điều 39 Luật Đầu tư 2020 quy định cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:
– Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế tiếp nhận, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ta nhận thấy, theo quy định cụ thể được nêu trên thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế tiếp nhận)
2.2. Trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư:
Khoản 3 Điều 41 Luật đầu tư 2020 quy định các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước gồm:
– Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
– Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư.
– Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.
– Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu.
– Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
– Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
– Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).
Cũng cần lưu ý khi điều chỉnh dự án, về hình thức thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư: điều chỉnh dự án đầu tư là việc được thực hiện dưới hình thức điều chỉnh, bổ sung nội dung vào Giấy chứng nhận đầu tư. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục Điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư khi thay đổi các nội dung liên quan đến mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức, vốn, thời hạn dự án…
Một số trường hợp không phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh hoặc thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư gồm có :Các dự án không điều chỉnh về mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn, hình thức, thời hạn; Các dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện;Các dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và không thay đổi mục tiêu, địa điểm đầu tư.
2.3. Hồ sơ đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư:
Theo khoản 1 Điều 44 Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính Phủ thì hồ sơ đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư gồm:
– Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư.
– Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh.
– Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020 (nếu có).
2.4. Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư:
Theo quy định tại điều 44, 45 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư gồm các bước sau:
– Bước 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư theo từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.
– Bước 2: Lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó.
– Bước 3: Thẩm định các nội dung điều chỉnh dự án đầu tư để trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
– Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư, các bộ, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư, cơ quan chấp thuận nhà đầu tư (nếu có).