Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là gì? Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự tiếng anh là gì? Thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự? Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự?
Thủ tục rút gọn là một chế định tiến bộ trong pháp luật tố tụng hình sự. Quy định về thủ tục rút gọn có trong pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, hình thức thủ tục này cũng được quy định khá sớm và hiện nay vẫn tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện. Thủ tục rút gọn ra đời nhằm mục đích giảm tải công việc của cơ quan tố tụng, giải quyết nhanh chóng những loại án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, sớm khôi phục lại các quan hệ xã hội bị xâm hại, là thủ tục có tác động giáo dục, cải tạo bị cáo và giáo dục cộng đồng một cách có hiệu quả. Thủ tục rút gọn là một dạng đặc biệt của tố tụng hình sự, trong đó có sự giảm lược bớt một số khâu, một số thủ tục không cần thiết trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nhằm rút ngắn thủ tục tố tụng, làm cho việc xử lý vụ án được nhanh chóng hơn nhưng vẫn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vậy ai là người có thẩm quyết áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự? Chúng ta cùng tìm hiểu về thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
–
–
1. Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là gì?
“Thủ tục rút gọn”, “thủ tục đơn giản” hay “thủ tục giản lược” là thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ thủ tục tố tụng theo đó các thủ tục tố tụng được đơn giản (giản lược) hơn so với thủ tục tố tụng thông thường.
Khái niệm thủ tục rút gọn lần đầu tiên được chính thức diễn giải tại khoản 1 Điều 316 BLTTDS năm 2015, theo đó: “Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật”.
Thủ tục rút gọn là một trình tự thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng những vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, nhân thân người phạm tội rõ ràng.
Như vậy, thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự trước hết cũng là một thủ tục tố tụng nhưng có trình tự đơn giản hơn so với thủ tục giải quyết các vụ án hình sự thông thường. Hay nói cách khác, thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là thủ tục tố tụng hình sự thông thường đã được giản lược (rút gọn) một số trình tự việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự tiếng anh là gì?
– Tố tụng hình sự tiếng anh là Criminal Procedure
– Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự tiếng anh là Shortened procedures in criminal proceedings
3. Thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003: “Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”. Theo đó, chỉ có Viện kiểm sát là chủ thể duy nhất có thẩm quyền áp dụng và hủy bỏ thủ tục rút gọn tố tụng hình sự trong ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Theo quy định trên, Viện kiểm sát sẽ tiến hành xem xét, xác định xem vụ án hình sự có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn hay không dựa vào các tài liệu đã thu thập được sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trên thực tế, trong những trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền đã có đủ căn cứ để ra ngay quyết định khởi tố bị can, do đó càng tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát quyết định liệu có áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án hay không, bởi lẽ khi đó các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được xác định đầy đủ trong quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can. Quy định như vậy dẫn đến việc không chủ động và không đề cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn.
Nhằm khắc phục hạn chế trên, Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như sau:
“1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này.
2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được giao cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
3. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra.
4. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.
5. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.”
Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự cho cả 3 chủ thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định để kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn. Trong trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật, thì trong thời hạn 24 giờ Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra biết. Còn đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án trong trường hợp không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định; Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.
4. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự
Theo Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự được quy định như sau:
“1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:
a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
2. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện:
a) Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;
b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.”
Theo đó, đối với các trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc tự thú, đối với những vụ việc đơn giản, có chứng cứ rõ ràng; trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm. Còn đối với những vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo hoặc những vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.