Khái quát về thiết kế kỹ thuật công trình đo đạc? Thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình đo đạc?
Quản lý và sử dụng tài nguyên đất là nội dung được Đảng và Nhà nước cực kỳ chú trọng, sự phát triển kinh tế đòi hỏi nhu cầu sử dụng đất lớn đã làm biến động đất đai một cách đáng kể. Một trong những hoạt động được diễn ra mang tính chuyên môn cao được thực hiện nhằm xác lập bản đồ địa chính (cũng là căn cứ để xác định diện tích, chủ sở hữu đất) là việc thiết kế kỹ thuật công trình đo đạc và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc các vấn đề pháp lý liên quan về thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trinh đo đạc.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018
–
– Thông tư 49/2016/TT-BTNMT quy định công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
1. Khái quát về thiết kế kỹ thuật công trình đo đạc?
Khái niệm “đo đạc”; “hoạt động đo đạc và bản đồ” được hiểu theo Luật Đo đạc và bản đồ như sau:
– Đo đạc là việc thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu để xác định vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý.
– Hoạt động đo đạc và bản đồ là việc đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác. Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành.
Khi lập thiết kế kỹ thuật- dự toán công trình, dự án đo đạc và bản đồ, chủ thể lập phải đảm bảo các nguyên tắc:
– Các công trình dự án đo đạc và bản đồ phải thiết lập thiết kế kỹ thuật-dự toán trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện.
– Chủ đầu tư sử dụng đơn vị trực thuộc hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện và năng lực được Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có nội dung khảo sát, lập dự án, thiết kế kỹ thuật- dự toán công trình đo đạc và bản đồ để lập thiết kế kỹ thuật-dự toán
Căn cứ lập thiết kế kỹ thuật- dự toán bao gồm: Phạm vi nhiệm vụ của dự án; các tài liệu trắc địa, bản đồ hiện có; chất lượng tài liệu; báo cáo khảo sát khu vực dự án về mức độ khó khăn, khả năng sử dụng các tài liệu trắc địa bản đồ hiện có; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ do các bộ, ngành, ban hành; đơn giá đo đạc, thành lập bản đồ do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; các văn bản về định mức kinh tế- kỹ thuật và lập dự toán kinh phí về đo đạc và bản đồ do các Bộ, ngành ban hành.
Nội dung của thiết kế kỹ thuật-dự toán: Sự cần thiết phải đo đạc, thành lập bản đồ; cơ sở pháp lý, các văn bản sử dụng trong thiết kế và thi công; mục đích, yêu cầu, phạm vi của dự án; đặc điểm địa hình, tình hình kinh tế xã hội của địa phương nơi thực hiện dự án; hiện trạng và khả năng sử dụng tư liệu, tài liệu đo đạc, bản đồ địa chính, bản đồ địa giới hành chính, các tư liệu ảnh và các loại tài liệu, bản đồ khác; thiết kế và giải pháp kỹ thuật từ tổng thể đến chi tiết cho từng hạng mục; kế hoạch thực hiện; quy định về công tác kiểm tra nghiệm thu, giao nộp sản phẩm; tổng hợp các hạng mục công việc, phân loại khó khăn; dự toán kinh phí.
2. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình đo đạc?
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 05 năm 2014 quy định về bản đồ địa chính về lập thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình đo đạc bản đồ địa chính như sau: Khi thực hiện đo đạc bản đồ địa chính phải lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý dự án, công trình trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Cơ quan thẩm định:
– Dự án, thiết kế kỹ thuật-dự toán đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách tỉnh hoặc địa phương trong tỉnh:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật-dự toán đo đạc và bản đồ địa chính, nếu cần thiết Sở tổ chức kiểm tra thực địa trước khi thẩm định; trường hợp thiết kế kỹ thuật-dự toán do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư hoặc thiết kế kỹ thuật-dự toán có hạng mục công trình đo đạc và bản đồ chưa có đơn giá để áp dụng thì Sở Tài chính thẩm định phần dự toán kinh phí.
+ Các sở (như Nội vụ, Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định thiết kế kỹ thuật – dự toán đo đạc và bản đồ chuyên ngành; trường hợp thiết kế kỹ thuật – dự toán, dự án do các sở chuyên ngành làm chủ đầu tư hoặc dự án có hạng mục công trình đo đạc và bản đô chưa có đơn giá để áp dụng thì Sở Tài chính thẩm định phần dự toán kinh phí.
Kết quả thẩm định là căn cứ để phê duyệt thiết kế kỹ thuật-dự toán và nghiệm thu thanh quyết toán công trình đo đạc và bản đồ theo quy định.
Công trình đo đạc và bản đố không sử dụng ngân sách nhà nước:
Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định phần thiết kế kỹ thuật đo đạc và bản đồ địa chính, chủ đầu tư tự thẩm định phần dự toán kinh phí.
Các sở (như Nội vụ, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thâm định phần thiết kế kỹ thuật – dự toán đo đạc và bản đồ chuyên ngành, chủ đâu tư tự thẩm định phần dự toán kinh phí.
Hồ sơ trình thẩm định:
Tổ chức lập thiết kế kỹ thuật-dự toán phải chuẩn bị: Tờ trình thẩm định của chủ đầu tư; hồ sơ năng lực tổ chức lập thiết kế kỹ thuật-dự toán; báo cáo khảo sát phục vụ công tác lập thiết kế kỹ thuật dự toán; thiết kế kỹ thuật-dự toán; các văn bản sử dụng làm căn cứu để lập thiết kế kỹ thuật-dự toán.
Nội dung thẩm định bao gồm: Sự cần thiết thực hiện dự án đạc thành lập bản đồ; tính đầy đủ, khách quan của báo cáo khảo sát; phạm vi thực hiện và giải pháp kỹ thuật công nghệ; việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản quy phạm luật có liên quan về đo đạc và bản đồ; việc áp dụng đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng dự toán kinh phí, kết luận về tổng dự toán kinh phí (đối với các dự án đo đạc và bản đồ sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước); trách nhiệm giao nộp tài liệu.
Thời gian thẩm định thiết kế kỹ thuật-dự toán không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Phê duyệt thiết kế kỹ thuật-dự toán:
Các dự án đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước của tỉnh và của các địa phương trong tỉnh: Việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật-dự toán được thực hiện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh
Các dự án đo đạc và bản đồ không sử dụng ngân sách nhà nước: Việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật- dự toán thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư.
Tổ chức thực hiện dự án đo đạc và bản đồ:
Căn cứ vào thiết kế kỹ thuật – dự toán của dự án hoặc để án đã được phê duyệt, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện dự án đo đạc và bản đồ bằng hình thức đấu thầu, đặt hàng hay giao kế hoạch theo quy định của Nhà nước.
Cơ quan, tổ chức có đủ năng lực, đưoc Cuc Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ thì được tham gia thực hiện dự án đo đạc và bản đồ và chỉ được nhận thầu thực hiện những công trình tương ứng với điều kiện và năng lực được phép hành nghề.
Đơn vị thực hiện thi công công trình đo đạc và bản đồ có trách nhiệm tổ chức thi công theo đúng thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, tuân thủ quy trình, quy phạm, đảm bảo tiên độ thực hiện và chịu sự giám sát, kiểm tra chất lượng của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
Khi xem xét các quy định trên của pháp luật thì có thể thấy, quy định về thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình đo đạc là một quá trình dài và phức tạp, đòi hỏi người lập kế thiết kỹ thuật-dự toán cũng như người thẩm định, phê duyệt cũng cần phải đáp ứng được chuyên môn, yêu cầu kỹ thuật cao. Trong mối tương quan với các cơ quan khác, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường là hai cơ quan có vai trò quan trọng trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật-dự toán, là cơ quan được pháp luật trao quyền và chủ động thực hiện theo hình thức ban hành các công văn, quyết định hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật-dự toán đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính.