Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định mới nhất năm 2021. Giải quyết tranh chất đất đai khi đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tranh chấp đất đai là một trong những loại tranh chấp diễn ra khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Khi một vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra, dù là khởi kiện hay tố cáo, thì người sử dụng đất đều mong muốn bảo vệ được tài sản đất đai và các quyền lợi đối với đất trước hành vi xâm phạm của người khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào đương sự trong một vụ việc tranh chấp đất đai đều hiểu và nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đúng cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là vấn đề mà nhiều người sử dụng đất còn băn khoăn.
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật đất đai khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, hiện nay pháp luật đất đai hiện hành đã quy định cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khái quát chung về khái niệm giải quyết tranh chấp đất đai.
“Tranh chấp”, dù được diễn ra trong bất kỳ lĩnh vực nào, là lĩnh vực lao động, dân sự, thương mại hay đất đai đều cho thấy sự mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm, sự tranh giành về quyền và lợi ích giữa các chủ thể về một vấn đề. Đối với tranh chấp đất đai, tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có định nghĩa về khái niệm này như sau:
Tranh chấp đất đai được hiểu là sự xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp về các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong mối quan hệ về việc sử dụng đất đai.
Trên cơ sở khái niệm này, có thể xác định, tranh chấp đất đai có thể thể hiện thành các dạng sau đây:
– Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau: Dạng tranh chấp này thường được thể hiện thông qua các vụ việc tranh chấp về lối đi chung, ngõ đi chung, về chủ sở hữu quyền sử dụng đất, tranh chấp về ranh giới đất… Đây là dạng tranh chấp khá phổ biến trên thực tế, và biểu hiện khá đa dạng.
– Tranh chấp về các loại hợp đồng về đất: Dạng tranh chấp này thường được thể hiện qua việc tranh chấp về các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng về đất đai, hay liên quan đến việc thực hiện các loại hợp đồng về đất (như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán đất nền trong dự án, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất…). Dạng tranh chấp này cũng là một loại tranh chấp diễn ra khá phổ biến trên thực tế khi thị trường nhà đất, thị trường bất động sản diễn ra khá sôi động mà các bên trong tranh chấp không phải lúc nào cũng là người hiểu rõ các quy định của pháp luật, trong khi đất đai là loại tài sản có giá trị lớn, liên quan nhiều đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch về đất đai.
– Tranh chấp xảy ra trong quá trình sử dụng đất giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Dạng tranh chấp này thường được diễn ra trong các trường hợp người dân không đồng ý về việc thu hồi đất hoặc về phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất khi họ cảm thấy bị mất đất để canh tác, ở trong khi không được bồi thường thỏa đáng. Việc tranh chấp đất đai ở dạng này cũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu khi mà người dân không đồng ý với số tiền sử dụng đất mà họ phải nộp khi làm thủ tục để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của họ.
Cho dù xảy ra dưới dạng tranh chấp nào thì những vụ việc tranh chấp đất đai thường khá phức tạp, khó khăn bởi xuất phát từ tính chất đất đai là giá trị lớn, hồ sơ về việc quản lý đất đai thường khá phức tạp, cần phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau. Do vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những vấn đề cần được xác định rõ.
Còn “giải quyết tranh chấp đất đai” được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, đưa ra phương án giải quyết sau khi thực hiện việc điều tra xác minh, nghiên cứu hồ sơ vụ việc, hòa giải giữa các bên tranh chấp và tham mưu bởi các cơ quan có liên quan.
Thứ hai, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Hiện nay, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định cụ thể tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp đất đai gồm: Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ tài nguyên và môi trường hoặc Tòa án nhân dân các cấp. Mỗi một cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đều thực hiện quyền hạn của mình theo sự phân công, phân cấp cụ thể theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Căn cứ theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau mà các bên trong tranh chấp (đương sự) không có một trong các giấy tờ pháp lý liên quan đến đất đai như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất hoặc một trong các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 nhưng họ lựa chọn Ủy ban nhân dân dân là cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai.
Quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ việc tranh chấp nêu trên là hợp lý. Bởi lẽ, những vụ việc tranh chấp đất đai giữa những hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thường nhỏ lẻ, mang tính chất cục bộ, phù hợp với thẩm quyền giao đất, cấp đất và phạm vi quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời, khi các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và không có các loại giấy tờ khác làm căn cứ xác định về nguồn gốc đất, về việc sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất thì việc quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan này tiếp cận với các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc đất đai, và sự tham vấn từ các cơ quan chuyên môn liên quan như Phòng tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai… thuận tiện hơn trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai.
- Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh:
Cũng trên cơ sở quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với những vụ việc tranh chấp đất đai thuộc vào một trong các trường hợp sau:
– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các giấy tờ về nguồn gốc đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 nhưng đương sự lựa chọn giải quyết tại Ủy ban nhân dân và trong đó, có một trong các bên tranh chấp (đương sự) là tổ chức, cơ sở tôn giáo; hoặc cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
– Tranh chấp đất đai đã được giải quyết tại Ủy ban nhân cấp huyện nhưng đương sự không đồng ý với kết quả, hay quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nay làm đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cũng hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với những vụ việc tranh chấp đất đai đã được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và có đơn khiếu nại gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì trường hợp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp nhận đơn và giao cho các cơ quan chuyên môn điều tra xác minh hồ sơ vụ việc. Sau khi nhận đã được chỉnh lý từ các cơ quan chuyên môn thì Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường sẽ ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Có thể thấy, trong các cơ quan hành chính quản lý về đất đai thì Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Do vậy, khi các bên trong vụ việc tranh chấp lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng thủ tục hành chính mà đã giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà vẫn không đạt được thỏa thuận, phương án giải quyết hợp lý thì việc người dân (các bên tranh chấp) có đề nghị để cơ quan cấp trên quản lý về đất đai, ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết là hoàn toàn phù hợp với sự phân cấp về thẩm quyền trong quản lý đất đai.
- Tòa án nhân dân các cấp:
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Điều 230 Luật Đất đai năm 2013 thì Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai như sau:
– Tranh chấp đất đai mà đương sự trong vụ việc tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có một trong các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai. Trường hợp này, việc giải quyết tranh chấp đất đai tiến hành theo Thủ tục tố tụng dân sự.
– Tranh chấp đất đai mà đương sự trong vụ việc tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có một trong các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai, nhưng lựa chọn Tòa án nhân dân làm cơ quan giải quyết tranh chấp. Trường hợp này, việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án áp dụng theo thủ tục tố tụng dân sự.
– Tranh chấp đất đai mà đương sự đã lựa chọn Tòa án nhân dân là cơ quan giải quyết tranh chấp sau khi vụ việc tranh chấp đất đai đã được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp này, việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện thủ tục hành chính.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành đang thuộc về cơ quan hành chính quản lý về đất đai (Ủy ban nhân dân các cấp) và cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân các cấp). Việc quy định phân cấp, phân quyền về giải quyết tranh chấp đất đai cho hai cơ quan này không chỉ nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp đất đai như hiện nay, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cơ quan hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai, và tạo điều kiện cho người dân có nhiều lựa chọn hơn khi yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Mục lục bài viết
- 1 Giải quyết tranh chấp đất đai khi hết thời hiệu khởi kiện
- 2 Tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện
- 3 Thành phần hồ sơ trong vụ án giải quyết tranh chấp đất đai
- 4 Có bắt buộc hòa giải tranh chấp đất đai tại ủy ban xã không?
- 5 Giải quyết tranh chấp đất đai và điều kiện thụ lý vụ án dân sự
Giải quyết tranh chấp đất đai khi hết thời hiệu khởi kiện
Tranh chấp đất đai là các mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai khi họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.
I. Các dạng tranh chấp đất đai
1.Tranh chấp về quyền sử dụng đất
– Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lí;
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế; quan hệ li hôn giữa vợ là chồng;
– Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác;
– Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới; giữa những đồng bào địa phương với nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác.
2. Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Loại tranh chấp này thường thể hiện ở các hình thức như:
– Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;
– Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
3. Tranh chấp về mục đích sử dụng đất
Loại tranh chấp này thường xảy ra giữa hai tỉnh, hai huyện, hai xã với nhau, tập trung ở những nơi có nguồn lâm thổ sản quý, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, ở vị trí dọc theo các triền song lớn, những vùng có địa giới không rõ ràng, không có mốc giới nhưng là vị trí có tầm quan trọng.
II. Thời hiệu khởi kiện
Khoản 1 Điều 159 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định:
“Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Việc quy định thời hiệu khởi kiện là rất cần thiết nhằm đảm bảo trật tự, đảm bảo quyền được bảo vệ an toàn của con người, điều này phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu hết thời hiệu khởi kiện thì các chủ thể có quyền khởi kiện mất quyền khởi kiện, nghĩa là Tòa án sẽ không thụ lí giải quyết vụ án đó.
Mặc dù, khoản 1 Điều 159 Bộ luật TTDS có quy định như vậy nhưng cũng có quy định trường hợp ngoại lệ đối với thời hiệu khởi kiện “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” nhưng việc quy định này là quy định về thời hiệu khởi kiện chứ không phải quy định về việc còn quyền khởi kiện hay đã mất quyền khởi kiện. Ở đây được hiểu là trường hợp loại trừ, trong trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 162 “Bộ luật dân sự năm 2015”:
“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
Các bên đã tự hòa giải với nhau.
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này”.
Ngoài ra, “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” theo khoản 1 Điều 159 Bộ luật TTDS cũng được hiểu là loại trừ các trường hợp không tính thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thể hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu vụ án dân sự thì thực hiện như sau:
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lí, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;
- Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tòa án thụ lí các tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện thì vô tình mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác, làm cản trở các quy định của pháp luật chuyên ngành khác. Cụ thể như:
Điều 74 và Điều 75 Luật Thi hành án dân sự có qui định:
“Điều 74. Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung
1. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế.
Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
3. Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản”.
Điều 75. Xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp
“Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của toà án, cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chấp hành viên yêu cầu mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì tài sản được xử lý để thi hành án theo quy định của Luật này”.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nên việc qui định thời hạn 30 ngày để các chủ thể có quyền thực hiện quyền khởi kiện được qui định tại các Điều 74, 75 Luật Thi hành án dân sự chính là thời hiệu khởi kiện theo pháp luật chuyên ngành, điều này phù hợp với Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự cũng có hướng dẫn:
“Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật, trường hợp có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án chỉ xử lý tài sản khi có bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Về nguyên tắc, nếu tòa án thụ lý các tranh chấp liên quan đến tài sản kê biên có tranh chấp thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ hoãn việc thi hành án theo điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự và chỉ giải quyết lại khi nào vụ án tranh chấp về tài sản kê biên được giải quyết xong. Do vậy, nếu hết thời hạn 30 ngày, đương sự không khởi kiện thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ làm thủ tục tiếp theo như thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Việc xác định trong thời hạn qui định luật định theo pháp luật thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng để xác định hướng tác nghiệp tiếp theo đối với các chấp hành viên, nó góp phần tạo ra các quyết định chính xác và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, nếu các đương sự tranh chấp không thực hiện quyền khởi kiện để giải quyết tranh chấp trong thời hạn qui định của cơ quan thi hành án dân sự, mà đợi tới khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành các thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá mới khởi kiện tranh chấp tài sản kê biên và căn cứ vào qui định: “Phải thụ lý các tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện” thì về nguyên tắc Tòa án vẫn phải thụ lý tranh chấp này. Nhưng việc đương sự thực hiện quyền khởi kiện ngoài thời hạn qui định sẽ gây khó khăn, cản trở cho cơ quan thi hành án, có thể gây tốn kém chi phí thẩm định giá, bán đấu giá tài sản,.. nếu tài sản kê biên có thay đổi vì phán quyết của Tòa án. Thậm chí, nếu các đương sự tranh chấp về tài sản kê biên đợi đến khi bán đấu giá hoàn thành, đang chờ thủ tục giao tài sản mới thực hiện việc khởi kiện thì Tòa án vẫn phải thụ lý giải quyết vụ án và sau đó phán quyết của Tòa án làm thay đổi tài sản kê biên, thay đổi chủ sở hữu của tài sản kê biên…, thì sẽ mang lại những hệ quả khó khắc phục và giải quyết. Do phán quyết của Tòa án, nên tài sản kê biên bị thay đổi, buộc cơ quan thi hành án phải tiến hành lại thủ tục kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, làm tốn kém chi phí.
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng có quy định Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện (Điều 192). Cho đến nay, chưa có hướng dẫn rằng tới thời điểm nào sau khi thụ lý vụ kiện, thì thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Vì vậy, quy định về tranh chấp đất đai đã hết thời hiệu là chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, vì nó làm phát sinh nhiều vụ việc, làm tốn kém chi phí của xã hội, nhưng hiệu quả lại ít và không như mong muốn của các nhà làm luật.
Tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện
Tóm tắt câu hỏi:
Sự việc này sảy ra với gia đình tôi cách đây khoảng 2 tháng, nhà bên cạnh họ xây nhà, họ đã xây theo hàng rào ranh giới 2 nhà, nhưng hàng rào này trước đây tôi xây thụt lại 20 cm ( có nghĩa là theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 7,8m chiều rộng nhưng tôi xây hàng rào là 7,6m chiều rộng có nghĩa là tôi chừa lại 20cm, để sau này đặt ống thoát nước) nhưng họ lại xây sát vào tường của tôi xây, vì họ nói đất đấy là đất của họ, họ cũng vừa được cấp quyền sử dụng đât năm 2013 với chiều rộng là 5m. Còn nhà tôi được cấp giấy chứng nhận năm 1995. Nói tóm lại là theo bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất thì họ xây cũng đúng chiều rộng là 5m. Tình hình lô đất là nhà tôi rồi đến nhà bên cạnh đang tranh chấp và tiếp theo là con đường. Tôi đã gữi đơn kiến nghị lên UBND huyện đề nghị được giải quyết, nhưng họ không thèm trả lời hay giải quyết. Tôi xin hỏi như vậy tôi phải làm sao để lấy lại 20cm ấy, trước khi họ xây dựng tôi cũng đã gửi đơn lên địa chính UBND thị trấn nhưng họ cũng không giải quyết vì cán bộ địa chính lại là cháu chủ đất tôi đang tranh chấp. Tôi không biết phải làm sao, gửi đơn đi đâu? Hay kiện như thế nào, rất mong luật sư tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại BLTTDS quy định như sau:
Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
1. Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
3. Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 29 của Bộ luật này.
5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
7. Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
8. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
9. Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trước hết chị phải làm đơn khởi kiện gửi ra Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh nơi có bất động sản đó để Tòa án thụ lý đơn và giải quyết.
Điều 33. Thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này.
2. Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 28 của Bộ luật này.
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Đinh Thị Hoài Thu
Thành phần hồ sơ trong vụ án giải quyết tranh chấp đất đai
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi mua đất năm 1993 là 224m2, gia đình bên cạnh nhà mua đất năm 1995 là 182m2, gia đình họ mua xong thì xây bờ rào. Hiện hai gia đình đã có bìa đỏ. Khi làm đường nông thôn mới thì địa chính xã về đo đất của 2 gia đình thì gia đình tôi chỉ còn có 208m2 thiếu 15,02m2. Còn gia đình bên thì đo được 252m2 thừa 70.77m2. Gia đình tôi làm đơn lên xã, xã gọi 2 gia đình lên hòa giải 2 lần nhưng không thành. Gia đình tôi đã viết đơn khởi kiện lên tòa . Nạp 1 đơn tranh chấp đất đai, 1 bản phô tô công chứng bìa đất, 1 biên bản hòa giải không thành giữa hai gia đình . Xin hỏi Luật Dương Gia có còn thiếu giấy tờ gì nữa không để gia đình tôi bổ sung cho tòa án.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 23 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (Sửa đổi bổ sung 2011): Điều 164 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 164. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.
2. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;
e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
Trường hợp người khởi kiện không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.”
Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự 2004: Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện
“Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.”
Như vậy, thành phần hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án bao gồm:
- Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( bản gốc + bản pho to có chứng thực).
- Biên bản hòa giải không thành của cơ quan ủy ban nhân dân xã.
- Chứng minh thư nhân dân người khởi kiện ( bản gốc + bản pho to có chứng thực).
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản gốc + bản pho to có chứng thực).
- Giấy tờ chứng minh việc đo đạc đất đai của chính quyền địa phương.
Về mặt hồ sơ giấy tờ như trên là tương đối đầy đủ. Bạn phải thực hiện nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự. Sau đó mang biên lai thu tiền về nộp tại Tòa án để Tòa án tiến hành thụ lý hồ sơ vụ án. Tòa án sẽ có giấy triệu tập gửi tới hai bên tranh chấp yêu cầu có mặt tại tòa để lấy lời khai. Sau đó Tòa sẽ xác minh làm rõ vấn đề tranh chấp đất đai của hai bên.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Có bắt buộc hòa giải tranh chấp đất đai tại ủy ban xã không?
Có bắt buộc hòa giải tranh chấp đất đai tại ủy ban xã không? Thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 05/8/2016 tôi có gửi câu hỏi về việc tranh chấp nguồn nước sử dụng chung của 03 hộ. Xin cám ơn quý luật gia đã giải đáp thắc mắc của tôi. Nay tôi cũng xin hỏi thêm: 1. Tôi đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ của hộ Ông Khắc (vì hiện tại thì đã có tổ đo đạc tiến hành đo lại giấy chứng nhận khác) nhưng vẫn chưa cấp lại giấy chứng nhận mới. Vậy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ của Ông Khắc vẫn còn giá trị pháp lý phải không? 2. Bây giờ tôi làm đơn gửi ra UBND xã nhưng UBND xã không nhận đơn của tôi (do tại buổi hòa giải ở ấp, tôi không đồng ý và bỏ về, không ký tên vào biên bản). Vậy tôi có thể gửi đơn yêu cầu UBND xã nhận đơn của tôi lại được không vì tại khoản 2, Điều 202, Luật đất đai 2013 về việc Hòa giải trang chấp đất đai thì không cần hòa giải ở ấp? 3. Nếu UBND xã không chịu nhận đơn của tôi, tôi có thể gửi đơn trực tiếp ra UBND huyện hay ra Tòa án huyện?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, bạn đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chưa được cấp thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ vẫn có giá trị pháp lý.
Thứ hai, về vấn đề hòa giải tranh chấp đất đai, Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định như sau:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
>>>
Như vậy, theo quy định trên, nếu tranh chấp đất đai không hòa giải được ở Ấp thì bạn có quyền gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Việc Ủy ban nhân dân xã không nhận đơn của bạn là không đúng quy định của pháp luật và bạn có quyền làm đơn khiếu nại để yêu cầu giải quyết.
Thứ ba, nếu UBND xã không nhận đơn của bạn thì bạn không thể gửi đơn trực tiếp đến UBND huyện hoặc Tòa án nhân dân Huyện được. Vì theo quy định tại Điều 202 thì tranh chấp đất đai phải được tiến hành hòa giải ở UBND xã. Nếu tranh chấp được hòa giải ở UBND xã không thành thì được giải quyết theo Điều 203 Luật đất đai 2013 như sau:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Như vậy, trường hợp bạn có một trong những giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 thì bạn làm đơn đến Tòa án nhân dân Huyện để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Nếu trường hợp đất đang tranh chấp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 thì bạn có thể lựa chọn gửi đơn đến Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện để giải quyết.
Giải quyết tranh chấp đất đai và điều kiện thụ lý vụ án dân sự
Giải quyết tranh chấp đất đai và điều kiện thụ lý vụ án dân sự. Hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định hiện hành.
Tóm tắt câu hỏi:
Cha chúng tôi (đã mất năm 2010) có miếng đất được thừa kế từ ông bà.
Miếng đất này chia thành 2 phần: Phần đất thứ nhất (đã có GCNQSDĐ, số sổ: 1024, ký ngày 23/04/2002) có diện tích 4250 m2. Phần đất thứ 2 (chưa cấp GCNQSDĐ) số thửa: 220, 219, 189, 190, 191, 192 (Theo tài liệu 2003) với diện tích khoảng hơn 10000 m2.Trải qua thời kì hợp tác hóa nông nghiệp những năm 80 cho đến thời gian gần đây, phần đất này có giai đoạn bị bỏ trống, do điều kiện khó khăn nên gia đình chưa thể làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ.
Mẹ chúng tôi bảo 7 chị em trong gia đình tiến hành dọn dẹp lại đất, đo đạc lại và chuẩn bị lập thủ tục xin cấp GCNQSDĐ để chia lại quyền thừa kế sử dụng hợp lý cho con cái về sau khi tôi về tuổi già và phân công cho người chị thứ Hai.
Nhưng trong quá trình thực hiện sự phân công của gia đình, người chị thứ Hai của chúng tôi cùng với chồng là Hà Lâm Sơn đã lợi dụng sự phân công của mẹ (dọn dẹp lại mãnh đất này) âm thầm và tự ý tiến hành đo đạc và làm thủ tục xin cấp GCNQSĐ cho riêng mình trên phần đất có số thửa 198, 190, 191, 192 trong tổng số diện tích đất mà chúng tôi dự kiến làm hồ sơ. Bà chị Hai cho rằng thửa 198, 190, 191, 192 là đất vô chủ (?), chị có công khai phá nên nên có quyền xin cấp GCNQSDĐ. Điều này khiến cho gia đình xảy ra tranh chấp, gây bất bình và mất đoàn kết nội bộ dù đã tổ chức thương thuyết vài lần nhưng không thành.
Khi phát hiện sự việc trên của người con thứ Hai, chúng tôi đã gửi đơn xin ngăn chặn thủ tục xin cấp GCNQSDĐ của chị ta và đơn xin giải quyết tranh chấp.
Sau 3 lần hòa giải không thành ở xã, chúng tôi nhờ người em họ (làm luật sư) làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân huyện. Khi tòa án thụ lý hồ sơ thì báo chúng tôi rằng hồ sơ chúng tôi không đủ điều kiện xem xét với lý do duy nhất là trong biên bản hòa giải tranh chấp không thể hiện rõ phần đất đang tranh chấp. Vì vậy thẩm phán dọa sẽ đình vụ kiện nhưng sau đó yêu cầu bên nguyên phải về bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày.
Về xem lại thì rõ ràng thư kí các buổi hòa giải đã ghi nhận không đầy đủ, sai ý, sai số liệu mà chúng tôi đã cung cấp như trong đơn xin giải quyết tranh chấp. Chúng tôi đã chủ quan không nghe và xem kĩ phần đọc biên bản nên đã đồng kí tên.
Thẩm phán yêu cầu như thế để bác đơn chúng tôi có đúng luật không trong khi đơn xin giải quyết tranh chấp đã nêu rõ phần đất đang tranh chấp?
Làm sao bổ sung theo yêu cầu của tòa là thể hiện phần đất tranh chấp vào biên bản hòa giải đã kí ở xã?
Nếu không bổ sung theo yêu của tòa thì chúng tôi làm gì tiếp theo?
Xin trân trọng và biết ơn Quý Luật sư và mong nhận được sự tư vấn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Khoản 2 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định nội dung của biên bản hòa giải. Theo đó, nội dung biên bản hòa giải đã không đảm bảo, nội dung tranh chấp không thể hiện rõ phần đất tranh chấp – nội dung cơ bản nhất trong biên bản. Vì vậy, áp dụng khoản 3 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã sẽ có trách nhiệm lập một biên bản hòa giải không thành khác:
“Điều 88. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai
(…)
2. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.
Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
(…)
4.(…)
Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Việc thẩm phán yêu cầu bổ sung điều kiện khởi kiện do tranh chấp đất đai có yêu cầu trình tự phải có hòa giải tại UBND xã là đúng bởi Thẩm phán có quyền trả lại đơn kiện, căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 192 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:
“Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện
1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
(…)
b) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;”
Nếu không bổ sung theo yêu cầu của tòa thì tranh chấp sẽ không được giải quyết, để giải quyết tranh chấp đất đai thuộc trường hợp phái hòa giải trước khi khởi kiện thì bên bạn phải thực hiện đúng thì hồ sơ mới có thể đủ điều kiện khởi kiện.