Thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón vô cơ. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất phân bón vô cơ.
Thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón vô cơ. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất phân bón vô cơ.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào các anh chị trong Công ty Luật TNHH Dương Gia. Tôi muốn thành lập Công ty Sản xuất Phân bón vô cơ trung vi lượng và phân bón lá, đã được UBND cấp huyện chấp thuận địa điểm đầu tư. Vậy nay tôi muốn xin phép sản xuất thì tôi phải xin ở đâu? Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón;
– Điều 6 Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công thương quy định và hướng dẫn thực hiện về phân bón vô cơ; hướng dẫn cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại
– Quyết định 8873/QĐ-BCT ngày 24 tháng 8 năm 2015 của Bộ công thương về danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương đã chuẩn hóa về nội dung.
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại Danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ công thương đã chuẩn hóa về nội dung ban hành kèm Quyết định 8873/QĐ-BCT, thủ tục cấp giấy phép sản xuất phân bón vô cơ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Hóa chất thuộc Bộ công thương.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ xin cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ được quy định tại Điều 6 Thông tư
– Hồ sơ đề nghị cấp phép gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Bản thuyết minh về quy trình sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật (nhà xưởng, kho), máy móc thiết bị (bản kê danh mục và công suất máy móc, thiết bị phù hợp với các công đoạn và quy mô sản xuất của cơ sở; thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng phân bón). Bản kê diện tích, mặt bằng nhà xưởng, kho tàng, văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ;
+ Bản sao Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy hoặc Bản sao quyết định phê duyệt phương án chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Danh sách đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất. Bảng thống kê tổng số lao động và số lượng các ngành nghề của lao động trực tiếp sản xuất phân bón theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này; Bản sao Giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài (nếu có);
+ Bản sao hợp đồng thử nghiệm với tổ chức thử nghiệm được chỉ định (nếu có);
>>> Luật sư tư vấn thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón vô cơ: 1900.6568
+ Bản sao bản công bố tiêu chuẩn áp dụng cho các loại nguyên liệu chính, phụ gia đầu vào tương ứng với từng loại phân bón sản xuất (nếu có);
+ Bản sao chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 hoặc tương đương (nếu có);
+ Hợp đồng thuê gia công (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thuê tổ chức, cá nhân khác sản xuất phân bón vô cơ);
– Trình tự cấp phép thực hiện như sau:
+ Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón vô cơ lập 1 (một) bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu như quy định tại Khoản 1 Điều này gửi Cục Hóa chất qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;
+ Trong thời hạn không quá 3 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hóa chất phải thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điểm c Khoản này;
+ Trong thời hạn không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hóa chất có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế và cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện. Trường hợp không cấp Giấy phép, Cục Hóa chất phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.