Pháp luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm tiến hành xét xử độc lập như thế nào?
Độc lập với yếu tố chủ quan (độc lập giữa các thành viên hội đồng xét xử)
Việc xét xử của tòa án nhân dân có hội thẩm nhân dân tham gia khi xét xử, ngang quyền với thẩm phán. Việc đánh giá chứng cứ, kết luận được thực hiện một cách độc lập, thẩm phán không được phép chỉ đạo cho hội thẩm trong việc định tội danh, quyết định hình phạt.Hội thẩm cũng không được ỷ lại thẩm phán mà phải tích cực, chủ động có trách nhiệm trong hoạt động chứng minh tội phạm.Tại phiên tòa thẩm phán điều khiển phiên tòa trong việc xét hỏi tranh luận, nghị án để đảm bảo hoạt động xét xử đi đúng trọng tâm, xác định những việc cần làm để chứng minh tội phạm nhưng không được hạn chế việc xét hỏi của hội thẩm nếu nhưng câu hỏi đó nhằm làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án.
Để đảm bảo cho thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án, các thành viên của hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số từng vấn đề, thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án". . Những quyết định trên đã loại trừ việc thẩm phán lạm quyền, tác động tới hoạt động của hội đồng xét xử.
Có thể thấy, Thẩm phán là người đại diện cho nhà nước, hội thẩm là người đại diện cho tầng lớp nhân dân.Chính nhờ có cơ chế độc lập giữa các thành viên trong hội đông xét xử mà việc đưa ra các quyết định được bao quát và toàn diện hơn.Mỗi tiếng nói đóng vai trò như một lá phiếu ngang bằng nhau về thẩm quyền.Thể hiện được vị trí của các thành viên trong hội đồng xét xử được đảm bảo. Nhờ vậy mỗi một bản án được đưa ra đã dung hòa được lợi ích của cả nhà nước lẫn lợi ích của người dân. Nó là sự phán ánh ý chí của cả nhà nước và nhân dân thông qua việc đưa ra các quyết định của từng thành viên trong hội đồng xét xử. Đảm bảo được tính hài hòa và dung hòa về mọi mặt của công tác xét xử.
Điểm quan trọng nữa cần lưu ý, Thẩm phán và hội thẩm là những người được chọn lựa theo tiêu chuẩn nhất định và theo quy định của pháp luật. Nhưng không vì thế mà năng lực hay chuyên môn của họ là ngang nhau. Thông thường giữa thẩm phán và hội thẩm ít nhiều sẽ có sự chênh lệch nhau về khả năng nghiệp vụ.Vì vậy rất dễ xảy ra hiện tượng hội thẩm ỷ lại cho thẩm phán và ngược lại.Điều đó làm biến đổi đi bản chất của công tác xét xử.Với cơ chế các thành viên của hội đồng xét xủ độc lập với nhau sẽ là khung pháp lý để đảm bảo cho vấn đề này khó có thể xảy ra. Mặt khác để đưa ra hay đóng góp ý kiến của mình vào việc đưa ra phán quyết buộc hội thẩm và thẩm phán phải làm việc độc lập và cật lực. Có nghĩa họ sẽ phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu và nâng cao trách nhiệm bản thân hơn. Điều đó vô hình dung đã nâng cao tính trách nhiệm và cải thiện kinh nghiệm thông qua thực tiễn xét xử của các thành viên trong hội đồng xét xử. giảm tải được áp lực không bị gò bó hay tập trung vào bất cứ ai. Là bước đệm để một vụ án được xem xét theo nhiều góc cạnh, cách nhìn, bóc tách được nhiều phương diện và hạn chế đi sai sót cũng như là sự bổ sung hợp lý cho nhau khi đưa ra một phán quyết nào đó.
Độc lập với các yếu tố khách quan
Độc lập với các chủ thể khác của tòa án: Mối quan hệ giữa Thẩm phán, Hội thẩm và nội bộ ngành Tòa án được thể hiện ở mối quan hệ giữa Thẩm phán với Chánh án và các đồng nghiệp khác trong Tòa án, giữa Thẩm phán và Tòa án cấp trên, giữa Thẩm phán và Chánh án TANDTC, giữa Hội thẩm và Chánh án nơi Hội thẩm tham gia xét xử. Ở đây có sự đan xen giữa quan hệ hành chính và quan hệ tố tụng, không có sự tách bạch rõ ràng. Có thể thấy rằng, Chánh án có tác động đến hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Chính vì vậy, khi xét xử, để đưa ra được phán quyết một cách chính xác và khách quan phải cần có sự độc lập ý kiến của riêng mình trong việc xem xét giải quyết vụ án, tuy nhiên, cần phải tiếp thu những ý kiến để áp dụng chính xác, hạn chế những sai sót có thể xảy ra.Với đặc thù này sẽ tạo ra tính khách quan và dân chủ cho quá trình xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Họ sẽ không bị lệ thuộc hay bị chi phối các quyết định của mình bởi một chủ thể nào khác trong tòa án.Họ phải thực sự là những người chí công vô tư,tuân thủ pháp luật.Điều đó góp phần giảm tài các hiện tượng tiêu cực trong khi xét xử, đảm bảo nạn tham nhũng, lạm quyền được ngăn chặn trong quá trình xét xử. Đồng thời cũng nâng cao tầm quan trọng của những con người cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý để qua đó vai trò và trách nhiệm của họ được nâng cao hơn.
Độc lập với những tài liệu hồ sơ có trong vụ án: Độc lập với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án là việc thẩm phán và hội thẩm nhân dân trên cơ sở đánh giá tính chính xác của các thông tin, kiểm tra lại tính xác thực, đúng đắn của quyết định truy tố, từ đó đưa ra quan điểm chứng minh tội phạm của hội đồng xét xử, các tình tiết, thông tin thu thập được phải phù hợp với hiện thực khách quan. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chỉ là mô hình để hội đồng xét xử triển khai hoạt động xét xử tại phiên tòa thông qua việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đánh giá tính xác thực của các thông tin tài liệu đóđúng hay sai, giữa các tài liệu trong hồ sơ vụ án có mối quan hệ với nhau như thế nào, có mô tả đúng những hành vi đã xảy ra trên thực tế hay không để tận dụng được tối đa kết quả của quá trình điều tra đã được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tổng hợp đưa ra kết luận.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Với cơ chế này, nó hướng tới hai mục đích chính:
Thứ nhất: Tuyệt đối không được vội vàng ra quyết định mà chỉ dựa trên hồ sơ vụ án, việc đưa ra quyết định phải là quá trình làm việc, điều tra, xác thực … trong đó việc xem xét hồ sơ vụ án chỉ là một khâu trong quá trình đó và hồ sơ vụ án không là tiêu chí để hội đồng xét xử soi vào đó để đưa ra phán quyết. Tránh được sự thiếu sót, cách nhìn phiến diện và đánh mất tính xác thực của vụ án.
Thứ hai: Nó là cơ sở để thẩm phán và hội thẩm đưa ra những giả định cho mình và chứng minh giả định nào là chính xác, một khi càng nhiều giả định được đưa ra có nghĩa là vấn đề được nghiên cứu chặt chẽ hơn.Các tình tiết được bóc tách trên nhiều phương diện và được xử lý kịp thời.Góp phần đảm bảo quá trình nghiên cứu được toàn diện và các phán quyết đưa ra cũng chính xác hơn.
Độc lập với yêu cầu của những người tham gia tố tụng, với dư luận và báo chí: Phán quyết của tòa án làm xuất hiện những nhóm mâu thuẫn về lợi ích, đó là mâu thuẫn giữa bị cáo và người bị hại, giữa nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự, …Thẩm phán và hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử, thì việc xét xử theo pháp luật hay xét xử theo xu hướng dư luận báo chí yêu cầu, hay xét xử vì lợi ích của người bị hại? Việc xét xử chỉ dựa trên những chứng cứ, những quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào yêu cầu của những người nêu trên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không ai được phép tác động đến hoạt động xét xử của thẩm phán và hội thẩm.Như vậy vấn đề áp lực về dư luận, nguyện vọng, lợi ích của các bên sẽ không làm ảnh hưởng hay tác động đến phán quyết của tòa án.Mặt khác nó đảm bảo cho các phán quyết đưa ra được khách quan, công bằng và đúng đắn nhất.Các phán quyết sẽ là nơi chứa đựng lý trí cao nhất của hội đồng xét xử khi không bị sự chi phối tác động nào vào. Điều đó không có nghĩa độc lập với yêu cầu của những người tham gia tố tụng, với dư luận và báo chí là hoàn toàn không bị tác động bởi các yếu tố trên mà nó chỉ làm hạn chế đi tối đa sự chi phối và áp lực trong việc đưa ra phán quyết của tòa án. Trên cơ sở dung hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân tòa án sẽ biết cân nhắc để đưa ra một phán quyết nào là hợp lý nhất, linh hoạt nhất nhưng vẫn thể hiện được lý trí, sự toàn diện trong từng phán quyết.
Độc lập với sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng: Tất cả các cơ quan nhà nước đều chịu sự lãnh đạo của đảng, hoạt động của tòa án (cụ thể là thẩm phán và hội thẩm nhân dân) cũng là hoạt động của nhà nước, theo đó hoạt động của tòa án cũng chịu sự lãnh đạo của đảng. Thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử tuân theo pháp luật cũng có nghĩa là đã thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của đảng. Đối với những vụ án có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến tình hình an ninh chính trị xã hội ở địa phương thì đảng đề ra đường lối xét xử nghiêm minh, kịp thời và đề nghị tòa án xét xử lưu động nhằm giáo dục chung. Tòa án độc lập xét xử vụ án chỉ tuân theo pháp luật không thoát li khỏi sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, không được bao biện, làm thay, không được lợi dụng quyền lực để can thiệp vào vụ việc cụ thể của hội đồng xét xử.Qua đó đảm bảo cho việc hiện thực hóa các quy định, đường lối chính sách của Đảng được vận hành thực thi đúng đắn trên thực tế. Là biểu mẫu để công tác xét xử chiếu theo.