Những nguyên tắc cơ bản của bộ luật tố tụng dân sự 2015? Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật?
Có thể nói đối với một ngành luật bất kì nào đó việc đề ra những nguyên tắc chung rất quan trọng bởi lẽ có nguyên tắc sẽ đại diện cho những tư tưởng chủ đạo định hướng cho ngành luật đó cách giải quyết và có thể xây dựng, thực hiên các quy định của ngành luật đó tốt hơn, Đối với Bộ luật tố tụng dân sự cũng vậy, pháp luật dân sự đề ra những nguyên tắc chung để có thể giải quyết vụ việc dân sự theo quy định. Một trong số đó là nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vậy cụ thể nguyên tắc này được thực hiện như thế nào? Dưới đây chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Dịch vụ Luật sư
1. Những nguyên tắc cơ bản của bộ luật tố tụng dân sự 2015
Căn cứ dựa trên Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định 23 Nguyên tắc cơ bản được áp dụng trong quá trình tố tụng dân sự, các nguyên tắc cụ thể sau:
+ Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự
+ Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
+ Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
+ Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
+ Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền
+ Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự
+ Bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự
+ Hòa giải trong tố tụng dân sự
+ Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự
+ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
+ Trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự
+ Tòa án xét xử tập thể
+ Tòa án xét xử tập thể vụ án dân sự và quyết định theo đa số.
+ Xét xử công khai
+ Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng dân sự
+ Thực hiện chế độ hai cấp xét xử
+ Giám đốc việc xét xử
+ Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
+ Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự
+ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự
+ Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án
+ Việc tham gia tố tụng dân sự của cá nhân, cơ quan, tổ chức
+ Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự
+ Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự
Như vậy có thể thấy pháp luật dân sự có những nguyên tắc chung áp dụng trong quá trình tố tụng dân sự và nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó tất cả các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự đều phải thể hiện tinh thần và nội dung các nguyên tắc đã được xác định, tất cả các hành vi, hoạt động của các chủ thể đều phải thực hiện trên cơ sở quán triệt các nguyên tắc đã đề ra, bất kỳ hành vi nào vi phạm một trong số các nguyên tắc đều bị coi là trái pháp luật. Việc quán triệt các nguyên tắc có tác dụng ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật và những biểu hiện tiêu cực trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án dân sự. Nguyên tắc của một ngành luật là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho hoạt động xây dựng và thực hiện các quy định của nó.
Như vậy Tòa án có trách nhiệm thực hiện đúng theo các nguyên tắc đề ra theo quy định trong việc tiến hành tố tụng để có thể giải quyết theo đúng thủ tục và đúng quy định mà pháp luật đề ra.
2. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 Vì vậy, bên cạnh ý nghĩa chung là cơ sở, nền tảng để xây dựng và thực hiện những quy phạm khác của pháp luật tố tụng dân sự thì nó còn có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và trong công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN
Thứ nhất, có thể nói nguyên tắc thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một quy định nền tảng của tư pháp trong nhà nước pháp quyền của hệ thống pháp luật nước ta. Nguyên tắc này là công thức pháp lí chứa đựng có giá trị được thừa nhận chung trong nhà nước pháp quyền đối với không chỉ trong hoạt động xét xử các vụ án dân sự mà cả trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự theo quy định. Bởi vì hệ thống tư pháp có độc lập mới đảm bảo được tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật, có khả năng kiểm soát và giới hạn quyền lực cũng như đảm bảo cho quyền con người. Thể hiện việc độc lập xét xử của tòa án là một nhân tố thiết yếu trong việc kiểm chế những hoạt động tùy tiện của các cơ quan nhà nước
Thứ hai, thực hiện nguyên tắc góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự của tòa án, đồng thời khẳng định được vị trí, vai trò và trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử các vụ án dân sự. Ở nước ta, tòa án là cơ quan duy nhất có chức năng xét xử, là nơi người dân đặt niềm tin vào công lí, nơi thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nơi mà ở một mức độ nhất định phản ánh tính dân chủ của một xã hội. Những yêu cầu này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người, cụ thể là ý thức trách nhiệm trình độ vận dụng pháp luật của thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi mỗi thẩm phán và hội thẩm nhân dân cũng như những cán bộ làm trong các cơ quan tư pháp phải tuân theo pháp luật một cách nghiêm chỉnh, chí công, vô tư, không được để tình cảm của các nhân, quyền lợi riêng tư ảnh hưởng đến việc xét xử. Những người có thẩm quyền trong tố tụng dân sự phải có lòng trung thực, dám chịu trách nhiệm, đồng thời chống khuynh hướng phủ nhận tính độc lập trong hoạt động tư pháp; lợi dụng nguyên tắc Đảng lãnh đạo để một số cá nhân có chức, có quyền trong tổ chức Đảng hoặc cơ quan nhà nước tác động hoặc gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xét xử của tòa án
Thứ ba, thực hiện nguyên tắc này góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và ổn định các quan hệ kinh tế- xã hội trong giao lưu dân sự. Có thể nói mục đích của việc thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền là nhằm thực thi công lí và bảo vệ quyền con người. Để đạt được mục đích đó thì hoạt động xét xử của tòa án phải được tiến hành một cách công bằng và nghiêm minh theo những nguyên tắc tố tụng đã đề ra trong đó nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật chiếm một vị trí trung tâm trong hoạt động xét xử của tòa án
Như vậy từ những phân tích như trên có thể thấy sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm là tổng hợp các phương tiện, biện pháp về xã hội, pháp luật, kinh tế, tổ chức nhằm hạn chế và ngăn chặn những tác động vào hoạt động xét xử. Sự độc lập đó được xem là sự độc lập trên thực tế đối với các yếu tố bên ngoài và những yếu tố chủ quan của Hội thẩm và Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ xét xử.
Theo đó nguyên tắc này có những đặc điểm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thể hiện ở nghiên cứu hồ sơ cũng như khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm không bị phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra, không bị lệ thuộc vào cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, không phụ thuộc vào ý kiến của các cơ quan khác hay của Tòa án cấp trên. Bên cạnh đó đối với qua trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập từ việc nhận định vụ án, diễn giải pháp luật, quyết định áp dụng pháp luật và ra bản án. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức không được can thiệp, tác động tới các thành viên của Hội đồng xét xử để buộc họ phải xét xử theo ý chí của mình. Mọi hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án đều bị coi là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tới tính khách quan của hoạt động xét xử.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.