Quy định về người khuyết tật? Người khuyết tật có được phép tham gia giao thông không?
Người khuyết tật cũng giống như những người bình thường khác, họ cũng cần có như cầu đi lại và tham gia giao thông. Tuy vậy việc tham gia giao thông của họ rất khó khăn và gặp nhiều trở ngại vì đa phần các phương tiện giao thông thường sản xuất dành cho người bình thường. Vậy pháp luật Việt Nam quy định về người khuyết tật có được phép tham gia giao thông không? Phương tiện khi tham gia giao thông của người khuyết tật được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia cung cấp nội dung cụ thể:
Cơ sở pháp lý:
– Luật người khuyết tật 2010;
–
-Thông tư liên tịch 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT hướng dẫn đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người tàn tật do Bộ Công an – Bộ Giao thông vận tải ban hành;
– Văn bản hợp nhất 763/VBHN-BLĐTBXH năm 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Người khuyết tật do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
1. Quy định về người khuyết tật
1.1. Người khuyết tật là gì?
Người khuyết tật được hiểu theo nghĩa thông thường là người có một hay có nhiều khiếm khuyết trên cơ thể hoặc tinh thần và những khiếm khuyết ấy ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động hay trí tuệ người mắc bệnh. Sự suy yếu về thể trạng hay trí tuệ của người khuyết tật sẽ làm giảm khả năng vận động, giảm khả năng tư duy vè nhận thức. Năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã chính thức sử dụng cụm từ người khuyết tật thay cho tàn tật trong các bộ luật ban hành có liên quan. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, người khuyết tật được định nghĩa như sau:
Người khuyết tật dưới góc độ pháp lý được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Người khuyết tật có những đặc điểm cơ bản là nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
1.2. Dạng tật
Được quy định tại Điều 2 – Nghị định số 763/2019/VBHN-BLDTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật như sau:
Một là, Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
Hai là, Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
Ba là, Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
Bốn là, Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
Năm là, Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
Sáu là, Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định như khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ.
Theo đó dựa vào những quy định về dạng tật như trên thì sẽ chia thành các dạng như khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ,…mỗi dạng tật khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau.
1.3. Mức độ khuyết tật
Được chia làm ba mức độ như sau:
+ Người khuyết tật đặc biệt: những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
+ Người khuyết tật nặng là nhưng người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
+ Người khuyết tật nhẹ: người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại hai trường hợp trên.
2. Người khuyết tật có được phép tham gia giao thông không?
Theo quy định tại Điều 41 Luật người khuyết tật năm 2010 về Tham gia giao thông của người khuyết tật như sau:
– Phương tiện giao thông cá nhân của người khuyết tật khi tham gia giao thông phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với điều kiện sức khỏe của người khuyết tật. Phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển thì người khuyết tật được học và cấp giấy phép điều khiển đối với phương tiện đó.
– Người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp.
– Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ Luật người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010 Điều 12
“1. Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt.
2. Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau đây:
a) Giảm tối thiểu 15% đối với máy bay;
b) Giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.
3. Đơn vị tham gia vận tải công cộng phát hành vé giảm giá cho người khuyết tật. Để được miễn, giảm giá vé dịch vụ, người khuyết tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.”
– Người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Phương tiện giao thông công cộng phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật. Phương tiện giao thông công cộng để người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Đơn vị tham gia vận tải công cộng phải đầu tư và bố trí phương tiện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận tải theo tỷ lệ do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Phương tiện giao thông công cộng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế khi sản xuất, nhập khẩu.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về những loại phương tiện nào là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dành cho người tàn tật. Và cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định nào về những tiêu chuẩn nào được áp dụng đối với phương tiện dành cho người tàn tật mà mới chỉ quy định về việc đăng ký và quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dành cho các đối tượng này. Theo Thông tư liên tịch số 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT ngày 28/12/2007 của Bộ Công an và Bộ giao thông vận tải hướng dẫn về việc đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người tàn tật thì tại thông tư này xe dùng cho người tàn tật sau thì phải thông qua quá trình kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và người điều khiển đủ các điều kiện, Ngoài ra thì đối với người điều khiển xe cơ giới dùng cho người tàn tật phải đảm bảo độ tuổi, điều kiện sức khỏe theo quy định của Luật giao thông đường bộ và quy định của Bộ Y tế…; Đối với người lái xe gắn máy dưới 50 cm3 phải am hiểu Luật Giao thông đường bộ; Đối với người lái xe mô tô từ 50 cm3 trở lên phải có giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải cấp theo đúng quy định của pháp luật… được đăng ký dùng cho người tàn tật.
Như những quy định của văn bản pháp luật nêu ở trên thì về nguyên tắc, người tàn tật cũng được coi là một trong những đối tượng được điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Đối với trường hợp của người khuyết tật, mặc dù người khuyết tật không đủ điều kiện cấp giấy phép lái xe và điều kiện điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông thường nhưng người khuyết tật vẫn có thể xin cấp giấy phép lái xe và điều khiển phương tiện giao thông cơ giới dành cho người tàn tật theo quy định của pháp luật hiện hành về việc người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ.