Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường? Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường?
Hiện nay, thuật ngữ đánh giá tác động môi trường đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp. Đây là một trách nhiệm quan trọng mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện như một cam kết bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đánh giá tác động môi trường được cho là công cụ quản lý môi trường quan trọng trong xã hội. Việc đánh giá tác động môi trường sẽ giúp các công tác quy hoạch môi trường được diễn ra hiệu quả, giúp các dự án sớm thực thi, giảm thiểu tình trạng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường trong thời gian dài. Bên cạnh đó, đánh giá tác động môi trường cũng là công cụ gắn kết mối quan hệ giữa Nhà nước, cơ quan chức năng và cộng đồng. Hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng có những vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường:
1.1. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường:
Các dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định bao gồm:
– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định.
– Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định.
– Dự án do Chính phủ giao thẩm định
Các dự án do Bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm thẩm định bao gồm:
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình trừ những dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định theo quy định pháp luật.
Các dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm thẩm định bao gồm:
– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình.
– Các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
Các dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định bao gồm:
Dự án đầu tư trên địa bàn mình trừ các dự án do các cơ quan trên thẩm định.
1.2. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường:
Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định như sau:
– Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định theo đúng quy định pháp luật.
– Thành viên hội đồng thẩm định và cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.
– Đối với các trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
– Trong thời gian thẩm định, đối với trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
1.3. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho chủ dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường:
Trình tự thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ: Chủ dự án nộp hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định (gọi là cơ quan thẩm định).
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ: Cơ quan thẩm định xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, cơ quan thẩm định phải có văn bản thông báo cho chủ dự án.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ:
– Thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua Hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan.
– Trong quá trình thẩm định (trong trường hợp cần thiết), cơ quan thẩm định được tiến hành các hoạt động: kiểm tra, khảo sát thực tế khu vực thực hiện dự án; lấy ý kiến tổ chức, chuyên gia liên quan; tổ chức họp chuyên gia theo chuyên đề.
– Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định với kết quả thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chủ dự án hoàn thiện và gửi cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:
+ Một văn bản đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó giải trình rõ những nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung theo kết quả thẩm định, trừ trường hợp không phải chỉnh sửa, bổ sung.
+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường được đóng quyển gáy cứng, chủ dự án ký vào phía dưới của từng trang hoặc đóng dấu giáp lai báo cáo kể cả phụ lục với số lượng đủ để gửi tới các địa chỉ quy định tại khoản 13 Điều 14
Bước 4: Phê duyệt và gửi kết quả:
– Cơ quan thường trực thẩm định trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do chủ dự án gửi đến. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện phê duyệt hoặc không phê duyệt phải có văn bản nêu rõ lý do.
– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường đến chủ dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban quản lý các khu công nghiệp đối với dự án thực hiện trong khu công nghiệp.
Cách thức thực hiện:
– Nộp hồ sơ: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
– Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Thành phần, số lượng hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Một văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo Phụ lục 1.1 (kèm theo).
– Một bản báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật của dự án đầu tư hoặc các tài liệu tương đương.
– Bảy bản báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với trường hợp số lượng thành viên hội đồng thẩm định nhiều hơn 07 người, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thời hạn giải quyết:
– Thời hạn kiểm tra, trả lời về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định của pháp luật là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
– Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định như sau:
+ Tối đa là ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo
+ Tối đa là hai mươi lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc Phụ lục III nhưng không thuộc Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính Phủ.
+ Tối đa là hai mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với hình thức thẩm định thông qua việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức liên quan đối với các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án quy định tại khoản 4 Điều 14
– Thời hạn phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được pháp luật quy định tối đa là hai mươi ngày làm việc.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Chủ dự án.
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
– Cơ quan được ủy quyền thực hiện: Cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý hồ sơ.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
– Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
– Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Phí, lệ phí:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 56/2018/TT-BTC của Bộ tài chính ngày 25 tháng 6 năm 2018.
Tên các mẫu đơn:
– Phụ lục 1.1: Mẫu văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).
– Phụ lục 1.2: Mẫu trang bìa, trang phụ bìa của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).
– Phụ lục 1.3: Cấu trúc và nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
–
– Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và
– Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
–
– Thông tư số 56/2018/TT-BTC ngày 25/6/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.