Tham nhũng là hoạt động vi phạm pháp luật vẫn diễn ra tại nước ta. Công tác xử lý hành vi tham nhũng, cũng như thu hồi tài sản tham nhũng đã và đang được Nhà nước đẩy mạnh thực hiện. Vậy thách thức và giải pháp trong thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc xử lý hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018, tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là người được bổ nhiệm, bầu cử, có chức vụ, quyền hạn tại cơ quan, tổ chức nào đó. Những đối tượng này lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng.
Tham nhũng là hành vi trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của quốc gia và người dân. Theo quy định của pháp luật, việc xử lý hành vi tham nhũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Hay nói cách khác, bất kỳ đối tượng nào thực hiện hành vi tham nhũng đều bị răn đe, xử lý.
+ Thứ hai, người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
+ Thứ ba, trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
+ Thứ tư, để thể hiện sự khách quan, khoan hồng trong quá trình thực thi pháp luật, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
+ Thứ năm, người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
+ Thứ sáu, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản tham nhũng là tài sản của Nhà nước, thì sau khi thu hồi, tài sản đó sẽ được nộp lại cho nguồn ngân sách chung của Nhà nước.
+ Thứ bảy, đối với thiệt hại do hành vi tham nhũng, thì người thực hiện hành vi tham nhũng phải khắc phục, bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định của Nhà nước và pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên, một trong những nguyên tắc xử lý của cơ quan Nhà nước đối với hành vi tham nhũng của người dân là thu hồi tài sản tham nhũng.
Xét về khái niệm, có thể hiểu, thu hồi tài sản tham nhũng là việc cơ quan Nhà nước tiến hành tịch thu lại số tài sản mà cán bộ, viên chức, công chứng (người thực hiện hành vi tham nhũng) có được từ hành vi phạm tội của mình. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã và đang được Nhà nước quyết tâm thực hiện nhằm mục đích giải quyết triệt để, sạch sẽ tình trạng tham nhũng tại nước ta, cũng như “cứu vớt” được những thiệt hại vật chất do hành vi tham nhũng gây ra.
2. Thách thức trong thu hồi tài sản tham nhũng:
Thu hồi tài sản tham nhũng là hoạt động pháp lý mà cơ quan Nhà nước cần phải tiến hành thực hiện trong công tác giải quyết, xử lý hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Thực tế, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, gây cản trở đến quá trình giải quyết, cũng như kết quả của hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng. Những thách thức này xuất phát từ phạm trù pháp lý, cũng như điều kiện xã hội. Một số thách thức trong thu hồi tài sản tham nhũng cụ thể mà ta có thể thấy là:
2.1. Thách thức về mặt xã hội:
+ Cán bộ, công chức, viên chức là những cá nhân hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong cơ quan Nhà nước, thực hiện các công việc cụ thể tùy thuộc vào năng lực của mình. Trong mắt người dân, các chủ thể này là những người có quyền lực, nắm trong tay những quyền quyết định về việc giải quyết một hay một số vấn đề nào đó. Vậy nên, ngấm sâu vào tư tưởng của một bộ phận người dân tại nước ta, là khi muốn công việc được giải quyết một cách nhanh chóng, êm xuôi và dễ dàng nhất, luôn cần đến sự “giúp đỡ” của cán bộ. Và “sống chung với tham nhũng” là tâm lý chung của tất cả người dân. Chính tâm lý này đã hình thành nên tâm lý vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
+ Nguồn tiền tại Việt Nam chưa thực sự được kiểm soát một cách chặt chẽ chính là một trong những thách thức về mặt xã hội trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tại đó, khi chủ thể vi phạm có được tài sản do hành vi tham nhũng, họ sẽ sử dụng tài sản này vào các mục đích cá nhân của mình nhằm chuyển hóa dòng tiền. Chính bởi việc kiểm soát nguồn tiền một cách thiếu chặt chẽ mới khiến các chủ thể vi phạm “giải quyết” nguồn tiền bất chính một cách dễ dàng. Có thể thấy, tại nước ta, nếu hành vi vi phạm về tham nhũng không bị phát hiện, thì nguồn tài sản tham nhũng cũng rất khó bị phát giác.
+ Thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn do chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng đã tẩu tán đi tài sản tham nhũng. Dẫu biết khi phát hiện hành vi tham nhũng, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ đưa ra các phương hướng, cách thức để thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả. Song, khi tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, thì phương thức tìm kiếm, xác định nguồn tài sản có được do tham nhũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này gây cản trở cho công tác thu hồi và khắc phục thiệt hại. Đây được xem là một trong những thách thức lớn nhất trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại nước ta.
2.2. Thách thức về mặt pháp lý:
Hệ thống pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng chưa thực sự toàn diện. Công tác, quy trình thu hồi còn máy móc, rườm rà, gây khó khăn trong việc giải quyết nhanh gọn của hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
3. Giải pháp trong thu hồi tài sản tham nhũng:
Theo nội dung phân tích ở trên, việc thu hồi tài sản tham nhũng tại nước ta hiện nay còn gặp rất nhiều thách thức. Để có thể thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thì Đảng và Nhà nước ta cần hướng đến một số giải pháp trong hoạt động xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng.
Một số giải pháp mà ta có thể hướng đến là:
– Đảng và Nhà nước ta cần có chiến lược toàn diện và quyết tâm mạnh mẽ trong thu hồi tài sản tham nhũng. Chỉ khi đưa ra được những chủ trương, chính sách cùng thực tiễn giải quyết vấn đề một cách quyết liệt, dứt khoát, thì mới đủ sức răn đe các chủ thể vi phạm, cũng như các đối tượng có ý định thực hiện hành vi phạm tội này.
– Nhà nước cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nguồn tài sản của người có chức vụ quyền hạn. Một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết tham nhũng tại nước ta còn gặp nhiều khó khăn, là ta không nắm bắt được hoạt động tham nhũng một cách kịp thời. Đến khi phát hiện, thì tài sản tham nhũng đã có sự phân tán. Vậy nên, kiểm tra, kiểm soát nguồn tài sản của người có chức vụ quyền hạn là một trong những phương thức xác nhận tham nhũng một cách tốt nhất.
– Nhà nước cần xây dựng cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án hình sự. Thực tế hiện nay, muốn thu hồi tài sản tham nhũng của một cá nhân, cần có kết luận về việc chủ thể này thực hiện hành vi tham nhũng, và dựa trên kết án hình sự của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Điều này khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng bị kéo dài. Đây cũng chính là cơ sở để chủ thể tham nhũng (cùng người thân) tẩu tán tài sản, gây khó khăn, thách thức trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
– Các quy định về phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có cần được cải thiện. Đồng thời, Nhà nước cần đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về việc phòng chống rửa tiền, để “ngăn” mọi hoạt động “giải quyết” tài sản tham nhũng của chủ thể vi phạm.
– Ngoài những giải pháp pháp lý nêu trên, Đảng, Nhà nước và nhân dân cần nhìn nhận và xác định được hậu quả nặng nề mà hành vi tham nhũng gây ra. Để từ đó, cán bộ, công chức, viên chức hoàn thiện tư tưởng đạo đức của mình, không thực hiện hành vi vi phạm. Và cơ quan Nhà nước sẽ nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước một cách hiệu quả và toàn diện nhất. Sự thống nhất này chính là giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống tham nhũng.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật phòng, chống tham nhũng 2018.