Tổng quan về tên miền? Tên miền có được bảo hộ không?
Tên miền là công cụ thực hiện chức năng định danh địa chỉ của Internet. Do đó, việc sở hữu tên miền không chỉ là phương tiện để hội nhập với sự phát triển của công nghệ thông tin mà còn mang nghĩa thực tiễn trong chiến lược phát triển và quảng bá sản phẩm, dịch vụ, đem lại khả năng nhận diện thương hiệu cho các doanh nghiệp trong môi trường Internet. Tính chất thương mại của tên miền là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chiếm dụng và đầu cơ tên miền vì mục đích lợi nhuận và cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tranh chấp tên miền giữa các bên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thắc mắc liệu rằng pháp luật Việt Nam có bảo hộ cho tên miền không? Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin để giải đáp vấn đề này.
1. Tổng quan về tên miền
Tên miền theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế Giới (WIPO) chính là tên thân thiện của các địa chỉ Internet và thường được sử dụng để tìm kiếm các website ( “Domain names are the human-friendly froms of Internet addressses, and are commonly used to find web sites”). Theo tác giả Froomkin, A.Michael, tên miền là những chỉ bảo độc nhất, giống như địa chỉ trên phố và vẫn được gọi là “địa chỉ máy tính thân thiện với người”. . Cả hai định nghĩa trên đã xác định được chức năng cơ bản nhất của tên miền là một địa chỉ định danh, đại diện tóm gọn cho những con số IP truy cập thông thường.
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, cụ thể là tại Khoản 4, Điều 2 Thông tư 24/2015/TT-BTTT ngày 18/08/2015 Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet đã định nghĩa tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu “.”, bao gồm tên miền dùng các kí tự dựa trên cơ sở bảng mã ASCII (tên miền mã ASCII) và tên miền dùng bảng chữ cái dựa trên cơ sở ngôn ngữ truyền thống của từng quốc gia (tên miền đa ngữ).
Về cơ bản, định nghĩa về tên miền Việt Nam dựa trên khái niệm của WIPO và đặc điểm về cấu trúc của tên miền do RFC đưa ra. Do đó, nếu xét theo góc độ kinh tế và chức năng của tên miền đối với các doanh nghiệp, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có cái nhìn nhận thực chất tên miền như là một tài sản có giá trị, mang tính chất thương mại cao, đặc biệt là xét theo góc độ tên miền trùng hoặc tương tự với tên nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) bảo hộ, đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng.
Tổng quan lại, có thể nhận thấy tên miền là tên gọi nhằm định danh một địa chỉ Internet nhất định, đồng thời là dấu hiệu phân biệt của chủ thể này với chủ thể khác khi cùng tham gia vì mục đích thương mại trong môi trường Internet.
Tên miền phải được đăng ký Quyền đối với tên miền không được tự động xác lập như một số đối tượng sở hữu trí tuệ khác (ví dụ như: Quyền tác giả, nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại….). Muốn được sử dụng tên miền, tổ chức, cá nhân phải tiến hành việc đăng ký. Sau khi được đăng ký, tổ chức cá nhân mới được coi là có quyền sử dụng đối với tên miền. Hiện nay, ở Việt Nam thì Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý trong lĩnh vực tên miền, và đây cũng chính là cơ quan tiến hành đăng ký tên miền.
Tên miền mang tính duy nhất trên hệ thống Internet toàn cầu. Khi một tên miền đã được đăng ký và sử dụng trên Internet bởi một chủ thể nào đó thì không ai có thể sử dụng tên miền đó trên mạng Internet nữa. Đây là một đặc tính vốn có mang tính kỹ thuật của tên miền.
Tên miền có khả năng tìm thấy trên Internet của tên miền Đây là một đặc tính phổ thông trên mạng, khả năng này xuất phát từ tính năng và vai trò của Internet là tìm kiếm thông tin. Khi gõ tên miền vào thanh công cụ trên Internet, người đọc sẽ được dẫn đến các website và từ đó có thể tìm thấy các thông tin về tổ chức, cá nhân đó hoặc các sản phẩm, dịch vụ của họ.
Tên miền không bị giới hạn bởi phạm vi lãnh thổ quốc gia và lĩnh vực hoạt động Với tư cách là một tên gọi định danh địa chỉ website của tổ chức, cá nhân trên Internet, tên miền có thể được sử dụng trong phạm vi toàn cầu. Khi một tên miền được đăng ký thì trên khắp thể giới không thể xuất hiện một tên miền thứ hai trùng với tên miền đó nữa.
Tên miền là công cụ để thực hiện chức năng quảng bá và kinh doanh Với chức năng như là một chỉ dẫn thương mại có thể kết nối đến các website giới thiệu về sản phẩm/ dịch vụ của các tổ chức, cá nhân.
2. Tên miền có được bảo hộ không?
Để trả lời về câu hỏi này, chúng tôi sẽ đi từ các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009 về đối tượng quyền sở hữu trí tuệ:
“1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 7
“1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.
2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Vậy chỉ những đối tượng được xác định là quyền sở hữu trí tuệ thì mới được Nhà nước bảo hộ, những quyền này thường dễ bị xâm phạm và có thể gây nhầm lẫn.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tên miền là tài nguyên quốc gia, chính vì vậy, tổ chức cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Quyền sử dụng này phụ thuộc vào việc nộp phí gia hạn của các chủ thế. Khi tên miền hết hạn mà chủ sử dụng tên miền không tiến hành gia hạn, sẽ có thêm 3 ngày để tên miền được hoạt động bình thường. Các tổ chức, cá nhân khác được đăng ký tên miền một cách thông thường. Sử dụng tên miền xét về mặt kỹ thuật là việc tổ chức, cá nhân gắn tên miền đó với địa chỉ IP của máy chủ đang hoạt động phục vụ các ứng dụng trên mạng. Tổ chức, cá nhân khi được cấp quyền sử dụng tên miền còn được chuyển nhượng tên miền cho tổ chức, cá nhân khác, trả lại tên miền khi không có nhu cầu sử dụng.
Khác với nhãn hiệu, các chủ thể khác nhau có thể đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cho các lĩnh vực và quốc gia khác nhau thì tên miền chỉ được đăng ký nếu đảm bảo không trùng với tên miền đã được đăng ký trong mọi trường hợp. Như ở trên đã viết, tên miền có tính duy nhất, tuy nhiên tính duy nhất của tên miền lại chỉ mang tính tương đối. Thực tiễn về xác lập tên miền cho thấy, tính duy nhất của một tên miền chỉ được công nhận nếu xét trên tổng thể các yếu tố của tên miền (tức là khi xét đến tất cả các cấp của tên miền) đó mà không xét đến các yếu tố riêng lẻ có tính phân biệt trong tên miền (thường là xét đến các yếu tố từ cấp 2 trở xuống). Cụ thể, tên miền chỉ bị coi là trùng nhau nếu giống nhau ở tất cả các cấp. Còn nếu các yếu tố cấp 2, cấp 3, cấp n trùng hoặc tương tự với nhau thì dù chủ sử dụng tên miền có hoạt động cùng lĩnh vực, cùng quốc gia cũng không bị từ chối. Trên thực tế chính các yếu tố này mới làm nên sự nhận diện cho tên gọi của một website nhưng lại không được coi là thành tố chính khi đánh giá tính duy nhất của tên miền. Các yếu tố còn lại trên thực tế không thể là yếu tố quyết định sự duy nhất cho tên miền đó. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu của các tranh chấp tên miền hiện nay. Và điều này cũng không đảm bảo tính duy nhất trên toàn thế giới để có thể bảo hộ cho tên miền.
Khi được cấp, tên miền đó sẽ được sử dụng trong mọi lĩnh vực mà chủ thể đăng ký tên miền mong muốn phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan. Điều này khác với nhãn hiệu vì nhãn hiệu bị giới hạn bởi phạm vi quốc gia và nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký. Tức là tổ chức, cá nhân được đăng ký nhãn hiệu cho nhóm ngành nghề nào và quốc gia nào thì chỉ được sở hữu nhãn hiệu đó trong lĩnh vực tương ứng. Như vậy, với đặc tính này không phù hợp để tên miền trở thành đối tượng của sở hữu trí tuệ.
Tổng kết lại các phần phân tích trên, và xét cả về bản chất của tên miền, thì tên miền những ký hiệu để thể hiện một lượng tài nguyên trên internet, tên này là một mã ký tự duy nhất đại diện và thể hiện một lượng tài nguyên nên sẽ không thể có tên giống nhau và gây nhầm lẫn nên luật sở hữu trí tuệ sẽ không coi đối tượng này là đối tượng cần bảo hộ.