Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, khái niệm "tập trung kinh tế" đang dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Vậy tập trung kinh tế là và được thực hiện trong những trường hợp nào? Hãy cùng Luật Dương Gia đi sâu vào tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Tập trung kinh tế là gì?
Tập trung kinh tế là quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp, dẫn đến giảm số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động này có tác động tích cực bằng cách mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường tiềm lực kinh tế, tăng cường kiểm soát thị phần và nguồn cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Tập trung kinh tế có thể tạo ra các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nắm giữ vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường.
2. Các hình thức tập trung kinh tế? Các trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện:
2.1. Hình thức tập trung kinh tế:
Theo quy định tại Điều 29
– Sáp nhập doanh nghiệp: Sáp nhập doanh nghiệp là quá trình một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, tài sản của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại. Sáp nhập doanh nghiệp làm tăng cường quy mô và hiệu quả hoạt động, đồng thời có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường trong ngành.
– Hợp nhất doanh nghiệp: Hợp nhất doanh nghiệp là quá trình hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời các doanh nghiệp bị hợp nhất bị chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại. Hợp nhất doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp tận dụng được điểm mạnh và tạo ra sức cạnh tranh trong ngành.
– Mua lại doanh nghiệp: Mua lại doanh nghiệp là quá trình một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của một doanh nghiệp khác đủ để có thể kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Mua lại doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động và tiếp cận thị trường mới cũng như tăng cường vị thế cạnh tranh trong ngành.
– Liên doanh giữa các doanh nghiệp: Liên doanh giữa các doanh nghiệp là quá trình hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để thành lập một doanh nghiệp mới. Liên doanh được áp dụng để tận dụng cơ hội hợp tác, chia sẻ rủi ro và tăng cường sức cạnh tranh trong ngành.
– Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Các trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện:
Tập trung kinh tế được thực hiện theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 35/2020/NĐ-CP khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp có ý định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% khi xét trên thị trường liên quan;
– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp có ý định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên khi xem xét trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế khi xem xét trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800;
– Thị phần kết hợp khi tham gia tập trung kinh tế của các doanh nghiệp từ 20% trở lên khi xem xét trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần sau tập trung kinh tế của các doanh nghiệp khi xem xét trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần trước và sau tập trung kinh tế của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan thấp hơn 100;
– Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có mối quan hệ với nhau khi xét trong chuỗi phân phối, sản xuất, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có ngành, nghề kinh doanh là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% khi xem xét trên từng thị trường liên quan.
3. Khi nào phải thông báo khi tập trung kinh tế?
Doanh nghiệp cần phải thông báo với Ủy Ban Cạnh tranh quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế, nếu việc tập trung kinh tế của các doanh nghiệp thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Ngưỡng này được xác định dựa trên một trong những tiêu chí sau:
– Tổng tài sản của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường Việt Nam.
– Tổng doanh thu của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường Việt Nam.
– Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế.
– Thị phần kết hợp của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan.
Cụ thể ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được quy định như sau:
Các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế là doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phải thông báo nếu thuộc các trường hợp sau:
– Tổng tài sản của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên, hoặc tổng tài sản của một công ty hoặc một nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên trên thị trường Việt Nam đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; hoặc tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của một tổ chức tín dụng hoặc một nhóm các tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên khi xét trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
– Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào của doanh nghiệp hoặc nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên trên thị trường Việt Nam đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế. Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào của công ty hoặc nhóm các công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên trên thị trường Việt Nam đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế. Tổng doanh thu của tổ chức tín dụng hoặc nhóm các tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên trên thị trường Việt Nam đạt từ 20% trở lên khi xét trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế.
– Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm đạt ngưỡng 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng đạt ngưỡng 20% trở lên khi xét trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế.
– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp có ý định tham gia tập trung kinh tế đạt ngưỡng 20% trở lên khi xem xét trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế.
Các doanh nghiệp còn lại dự định tập trung kinh tế sẽ phải thông báo nếu thuộc các trường hợp sau:
– Tổng tài sản của doanh nghiệp hoặc nhóm các doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên trên thị trường Việt Nam đạt ngưỡng 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế.
– Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào của doanh nghiệp hoặc nhóm các doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên trên thị trường Việt Nam đạt ngưỡng 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế.
– Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế đạt ngưỡng từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp có ý định tham gia tập trung kinh tế đạt ngưỡng từ 20% trở lên khi xem xét trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự định thực hiện tập trung kinh tế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cạnh tranh năm 2018;
– Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.
THAM KHẢO THÊM: