Tội phạm về ma túy có lẽ đã trở thành thảm họa chung của toàn nhân loại, gia tăng bạo lực và gia tăng nhiều tệ nạn khác trong xã hội. Ma túy kéo theo sự hủy hoại về sức khỏe lao động và sự phát triển bình thường của giống nòi. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì hành vi tàng trữ, vận chuyển bao nhiêu gam heroin thì bị xử lý tử hình?
Mục lục bài viết
1. Tàng trữ, vận chuyển bao nhiêu gam heroin thì bị xử tử hình?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Luật phòng chống ma túy năm 2021 có quy định về chất ma túy. Theo đó, chất ma túy là các loại chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định cụ thể trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành. Trong đó, danh mục chất ma túy được quy định cụ thể tại Điều 1 của Nghị định 73/2018/NĐ-CP. Bao gồm:
– Danh mục I: Danh mục này bao gồm các loại chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y học và đời sống xã hội, quá trình sử dụng các chất ma túy trong danh mục này phục vụ cho hoạt động phân tích, nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm và điều tra tội phạm cần phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền;
– Danh mục II: Danh mục này bao gồm các chất ma túy được dùng hạn chế trong quá trình phân tích, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm, kiểm nghiệm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
– Danh mục III: Danh mục này bao gồm các chất ma túy được sử dụng trong hoạt động phân tích, nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm, điều tra tội phạm, trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Các tổ chức và cá nhân tàng trữ ma túy dưới hình thức cất giấu, lưu trữ bất hợp pháp thì sẽ được xem là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Vì vậy, hành vi tàng trữ và vận chuyển trái phép chất ma túy, trong đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào khối lượng khác nhau.
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 250 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Theo đó, phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
– Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca với khối lượng 05 kilôgam trở lên;
– Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 với khối lượng 100 gam trở lên;
– Lá cây côca; lá khát; lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định cụ thể có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
– Quả thuốc phiện khô với khối lượng 600 kilôgam trở lên;
– Quả thuốc phiện tươi với khối lượng 150 kilôgam trở lên;
– Các chất ma túy khác ở thể rắn với khối lượng 300 gam trở lên;
– Các chất ma túy khác ở thể lỏng với thể tích 750 mililít trở lên.
Theo đó thì có thể nói, hành vi tàng trữ/vận chuyển với số lượng từ 100 gam heroin trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án tử hình.
Ví dụ: Vào 05/02/2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an tỉnh Cao Bằng phối hợp với Đội kiểm soát hải quan Cao Bằng bắt quả tang đối tượng Triệu Đức Hanh, sinh năm 1969, trú tại huyện ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng tại km17, quốc lộ 3 tuyến Cao Bằng – Hà Nội, vật chứng thu giữ là 156 bánh heroin với khối lượng 54.7 kilôgam. Mở rộng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra xác định đối tượng cùng đồng bọn liên quan trực tiếp đến đường dây buôn bán ma túy. Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng 22/09/2015 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt đối tượng mức án tử hình.
2. Dấu hiệu chủ thể của tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo Điều 250 của Bộ luật hình sự 2015:
Chủ thể của tội vận chuyển trái phép chất ma túy là bất kỳ người nào trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên, các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự, đã thực hiện hành vi phạm tội. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì cần phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy trong trường hợp đó là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về phân loại tội phạm thành bốn loại, bao gồm tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng căn cứ theo quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015 thì mức cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù, như vậy, trường hợp này thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, khoản 2 có mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù, trường hợp này thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, khoản 3 có mức cao nhất của khung hình phạt tù 15 năm đến 20 năm, khoản 4 có mức cao nhất của khung hình phạt là tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, và như vậy khoản 3 và khoản 4 thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định của Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015, và người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy, chủ thể của tội vận chuyển trái phép chất ma túy phải là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 và có năng lực trách nhiệm hình sự, tức là họ không ở trong tình trạng được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015. Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang trong thời gian mắc bệnh tâm thần, mắc một chứng bệnh khác dẫn tới hiện tượng làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiến hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo Bộ luật hình sự 2015:
Tội phạm là một thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan. Nếu mặt khách quan là biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của tội phạm, bao gồm: Lỗi, động cơ, mục đích phạm tội.
(1) Về dấu hiệu lỗi. Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do mình gây ra, được biểu hiện dưới hình thức cố ý và vô ý. Lỗi được chia thành 02 loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong mỗi cấu thành tội phạm cơ bản, dấu hiệu lỗi nói chung chỉ có thể là một loại lỗi đó là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Lỗi cố ý gồm lỗi cổ ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý cũng gồm lỗi vô ý do cẩu thả và lỗi vô ý do quá tự tin. Mặc dù các nhà làm luật không mô tả trực tiếp dấu hiệu lỗi trong cấu thánh tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tuy nhiên căn cứ vào hành vi đã phản ánh trong cấu thành tội phạm cơ bản có thể xác định được dấu hiệu lỗi của tội phạm này là lỗi cố ý trực tiếp. Khoản 1 Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hâu quả xảy ra.
(2) Về dấu hiệu động cơ, mục đích phạm tội trong tội vận chuyển trái phép chất ma túy không phải là dấu hiệu bắt buộc trong việc định tội. Tuy nhiên, việc nghiên cứu động cơ, mục đích của người phạm tội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khi tòa án ra quyết định hình phạt.
Nói tóm lại, lỗi của người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Hay nói cách khác, người phạm tội nhận thức rõ hành vi vận chuyển ma túy của mình từ nơi này đến nơi khác và chất ma túy là chất thuộc danh mục Nhà nước quy định cấm vận chuyển, lưu thông, là chất mà Nhà nước thống nhất quản lý là nguy hiểm cho xã hôi nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phòng chống ma túy 2021;
– Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định 73/2018/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
THAM KHẢO THÊM: