Khái quát về hành vi tàng trữ dao, kiếm trong người? Hành vi tàng trữ dao, kiếm trong người có bị xử phạt không?
Tình hình trật tự an ninh xã hội ở nước ta ngày càng phức tạp, đặc biệt là các thành phố lớn, khi các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng nhiều, trong khi đó, việc phát hiện và xử lý còn có nhiều hạn chế. Chính vì vậy, để ngăn ngừa tội phạm có thể xảy ra, một số hành vi trước đó có thể sẽ bị xử lý hành chính, chẳng hạn như hành vi tàng trữ dao, kiếm trong người. Lấy câu hỏi: Hành vi tàng trữ dao, kiếm trong người có bị xử phạt không? làm vấn đề chính trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ có những phân tích, bình luận xoay quanh vấn đề này, từ đó mang đến cho người đọc những cái nhìn cụ thể và chính xác hơn.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về hành vi tàng trữ dao, kiếm trong người?
Trước khi đi vào trả lời cho câu hỏi hành vi tàng trữ dao, kiếm có bị xử phạt hay không, trước hết, phải trả lời được câu hỏi, dao, kiểm có phải là vũ khí hay không? Theo quy định của pháp luật hiện hành, kiếm được xác định là vũ khí thô sơ, tức là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp (Khoản 4, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017). Tuy nhiên, dao không phải là vũ khí, trừ giao găm được xác định là vũ khí thô sơ. Việc xác định dao, kiếm có phải vũ khí hay không có ý nghĩa trong việc xác định chính xác căn cứ pháp lý áp dụng, đồng thời cũng là cách để phân biệt tính chất nguy hiểm của các loại hành vi, bởi dao (trừ dao găm) và kiểm có mục đích sử dụng khác nhau trong thực tế.
Tàng trữ là hành vi cất giấu “vật” tại một địa điểm mà người khác không biết. Tàng trữ có thể được thực hiện trong nhà, phòng làm việc, trụ sở cơ quan, phương tiện giao thông, túi xách,…Khi xem xét đến hành vi tàng trữ không tính đến nguồn gốc của vật tàng trữ và nếu xét tính độc lập thì hành vi tàng trữ không nhằm mục đích mua bán, chế tạo hay vận chuyển.
Tàng trữ dao, kiếm trong người là hành vi do cá nhân thực hiện việc cất giấu dao, kiếm trong người khi đi ra ngoài hoặc trong bất kỳ tình huống nào. Hành vi tàng trữ dao, kiếm thực hiện với lỗi cố ý (nhận thức rõ được hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện) nhưng cá nhân thực hiện sẽ có các mục đích khác nhau.
2. Hành vi tàng trữ dao, kiếm trong người có bị xử phạt không?
Khi xem xét đến việc tàng trữ dao, kiếm trong người có bị xử phạt hay không phải xem xét đến mục đích của việc tàng trữ. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;“
Như vậy, mục đích là yếu tố bắt buộc để quyết định cá nhân tàng trữ, cất giấu dao trong người có bị xử phạt hành chính hay không, đó là nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác. Thực tế, hành vi tàng trữ, cất giấu dao luôn được cá nhân cố ý thực hiện, nhưng việc xác định được mục đích để xử lý chỉ có thể xảy ra khi có những biểu hiện hoặc cá nhân đó đã thực hiện hành vi gây rối hay cố ý gây thương tích, về nguyên tắc người xử phạt phải chứng minh được hành vi vi phạm, nhưng nếu cá nhân không chứng minh được mục đích mang dao thì gần như cá nhân đó sẽ bị áp dụng chế tài hành chính.
Giải thích rõ hơn về mục đích, có thể nhìn nhận gây rối trật tự công cộng được biểu hiện dưới các hành vi gây rồi như đánh lộn, đáp phá, hủy hoại tài sản, gây lộn xộn nơi đông người, gây huyên náo đường phố,…mà các hành vi đó được thực hiện bằng dao, kiếm,…; còn cố ý gây thương tích cho người khác là mục đích nhưng trong đó cũng biểu thị lỗi, hành vi của cá nhân tàng trữ dao, đó là để lại vết thương trên cơ thể con người, gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
Đánh giá về mức xử phạt, tác giả nhận thấy đây là mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe và có khả năng điều chỉnh hành vi của cá nhân đó và của các cá nhân khác trong xã hội. Đây cũng được đấy giá là mức xử phạt cao so với các hành vi khác do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi này là khá lớn.
Đối với hành vi và mức xử phạt này, thẩm quyền xử phạt thuộc về Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát phản ứng nhanh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động,..(Khoản 4, Điều 66 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Bên cạnh bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, thì hình phạt bổ sung được áp dụng là “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính “.
Đối với hành vi tàng trữ kiếm, dao găm trong người, như đã nói ở phần một, kiếm được xác định là vũ khí thô sơ, theo đó, cần chú ý quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:…c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;“. Đối với hành vi này không xét đến mục đích tàng trữ như hành vi tàng trữ dao, bởi tính “ứng dụng” của kiếm không cao, việc tàng trữ kiếm thông thường được sử dụng với mục đích vi phạm pháp luật và việc chứng minh mục đích không có ý nghĩa. Mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ kiếm cao hơn so với tàng trữ dao, bởi mức độ và tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Đối với mức xử phạt này, pháp luật quy định thẩm quyền thuộc về Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,…
Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5,
Nghiên cứu sâu hơn về hành vi tàng trữ dao, kiếm thì người tàng trữ dao, kiếm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 306 Bộ luật hình sự, theo đó: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.“. Tuy nhiên, hành vi tàng trữ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì trước đó, cá nhân phải có hành vi “tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép” và đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Nhìn chung, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính khá rõ ràng, cụ thể, tùy vào tính chất của hành vi, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi tàng trữ dao, kiếm có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Điều này cho thấy được những tính toán, dự trù nhất định trong thực tiễn đời sống đang được được vào văn bản pháp luật một cách triệt để. Thực tế, hành vi tàng trữ dao kiếm trong người diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các thành phố lớn với lứa tuổi vị thành niên, công tác rà soát, kiểm tra của lực lượng cơ động hàng đêm đã cho thấy được thực trạng này.
Mặc dù đã có chế tài cụ thể và mức xử phạt cao nhất có thể là 20 triệu đồng, nhưng tại sao việc tàng trữ dao, kiểm vẫn còn diễn ra khá nhiều, điều này xuất phát từ nhiều lí do, trong đó có thể kể đến công tác kiểm soát còn nhiều hạn chế, đồng thời do ý thức của người dân không thực sự sâu sắc và việc nhận định cảm quan sẽ dẫn đến việc có khả năng bị áp dụng chế tài mà không thể chối cãi được. Vì vậy, thông qua bài viết này, mong rằng, người đọc sẽ có những hiểu biết rõ hơn trong việc tàng trữ dao để phục vụ cho nhu cầu cá nhân mà không bị xử phạt “oan”