Kết hôn là việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai cá thể với nhau. Luật hôn nhân và gia định 2014 đã quy định rất rõ về điều kiện kết hôn. Vậy tại sao Luật lại cấm kết hôn trực hệ trong phạm vi ba đời?
Mục lục bài viết
1. Các nguyên tắc về chế độ hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật:
Hôn nhân và gia đình là một phạm trù quan trọng, không chỉ nằm trong phương diện điều chỉnh khách quan của pháp luật, mà còn cả trong thực tiễn đời sống xã hội, bởi nó gắn liền với đời sống của mỗi cá nhân.
Nhà nước Việt Nam đã đưa ra một luật riêng, mang tính điều chỉnh chung nhất về vấn đề hôn nhân và gia đình, buộc tất cả công dân phải tuân thủ thực hiện.
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
– Nguyên tắc 1: Hôn nhân phải được hình thành và xây dựng dựa trên tinh thần tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Tức các chủ thể tham gia vào quan hệ hôn nhân một cách tự nguyên, không có sự ép buộc, đe dọa nào cả. Khi hình thành quan hệ hôn nhân, giữa vợ và chồng phải bình đẳng với nhau và quyền và trách nhiệm trong việc duy trì hôn nhân.
– Nguyên tắc 2: Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Theo nguyên tắc này, Nhà nước hoàn toàn tôn trọng quyền tự do kết hôn của các cá nhân. Nhà nước hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử giữa các cá nhân thuộc tôn giáo, tín ngưỡng với nhau. Điều này tạo ra sự công bằng, bình đẳng, tự do trong việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa các cá thể.
– Nguyên tắc 3: Khi đăng ký kết hôn (xác lập quan hệ vợ chồng với nhau), các cá nhân phải có nghĩa vụ xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con. Đây được coi là gốc rễ của mỗi cuộc hôn nhân; là cơ sở để duy trì hạnh phúc gia đình toàn diện. Vậy nên, nguyên tắc này được xem là khuôn khổ định hình mà pháp luật quy chụp, buộc tất cả các cá nhân khi tham gia vào quan hệ hôn nhân phải tuân thủ thực hiện. Điều này giúp xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, toàn diện.
– Nguyên tắc 4: Trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được Nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, hỗ trợ thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ, Nhà nước và xã hội sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Gia đình là nền tảng xây dựng, hình thành và phát triển các cá thể cho xã hội chung. Nguyên tắc này giúp Nhà nước bảo vệ các “tế bào” của xã hội.
– Nguyên tắc 5: Khi tham gia quan hệ hôn nhân, các cá nhân phải tuân thủ nguyên tắc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
2. Quy định của pháp luật về điều kiện đăng ký kết hôn:
Đăng ký kết hôn là việc các cá nhân thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về việc xác lập quan hệ hôn nhân. Khi đăng ký kết hôn, các cá nhân sẽ có quyền và nghĩa vụ với nhau trong quan hệ hôn nhân. Hôn nhân nằm dưới sự bảo hộ của pháp luật. Do đó, khi muốn kết hôn với nhau, các cá nhân phải đảm bảo các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.
Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình quy định về các điều kiện kết hôn sau đây:
– Về độ tuổi kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới đảm bảo điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Quy định của Nhà nước về độ tuổi kết hôn giúp đảm bảo sự phát triển toàn diện về sức khỏe cũng như tư duy của các cá nhân. Đây là cơ sở tạo nên độ “chín” của các cá nhân trong quan hệ hôn nhân; hạn chế đến mức tối đa những khuyết điểm, hạn chế có thể xảy ra.
– Chủ thể thực hiện kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác lập quan hệ hôn nhân là do nam và nữ tự nguyện quyết định việc kết hôn với nhau. Tức khi quyết định tiến tới hôn nhân, cả nam và nữ đều được tự do, tự nguyện đăng ký kết hôn, không có sự ép buộc, đe dọa hay ngăn cấm.
– Khi thực hiện kết hôn, nam và nữ phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định sau đây: Không được thực hiện kết hôn giả tạo; không được tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Trên đây là những điều kiện mà các cá nhân cần phải đảm bảo tuân thủ khi đăng ký kết hôn. Các quy định về điều kiện kết hôn mang tính quy chuẩn chung nhất, buộc tất cả các cá nhân phải đảm bảo khi muốn kết hôn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ sở duy trì tính pháp lý trong các quan hệ hôn nhân; hạn chế đến mức tối đa những sai phạm xảy ra. Hơn hết, các điều kiện này nhằm duy trì một cuộc hôn nhân toàn diện, bền vững và hạnh phúc.
3. Tại sao Luật lại cấm kết hôn trực hệ trong phạm vi ba đời?
Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014, kết hôn trực hệ trong phạm vi ba đời là một trong những hành vi vi phạm pháp luật, là điều kiện cấm vi phạm mà Nhà nước đề ra.
Pháp luật cấm công dân kết hôn trực hệ trong phạm vi ba đời bởi các lý do cụ thể sau đây:
Hôn nhân là việc tạo lập một cuộc sống vợ chồng giữa hai cá thể với nhau. Khi đăng ký kết hôn, các cá nhân sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ ngang nhau trong việc bảo đảm hạnh phúc, duy trì sự bền vững, bình đẳng với nhau. Đồng thời, hôn nhân là cơ sở nền tảng trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ các cá thể, nên Nhà nước đã quy định rất cụ thể và rõ ràng về điều kiện kết hôn. Các chủ thể có trực hệ trong phạm vi ba đời có mối quan hệ huyết thống gần gũi với nhau. Nếu kết hôn với nhau, sẽ gây rối loạn vòng luân chuyển về quan hệ huyết thống. Trong một số trường hợp, nó làm mất đi giá trị gắn bó, yêu thương giữa các thành viên trong dòng họ. Bởi lẽ, quan hệ huyết thống là cơ sở để tạo lập nên các thứ bậc giữa các cá nhân với nhau trên nền tảng gia đình. Khi kết hôn trực hệ ba đời, quan hệ huyết thống đó sẽ bị phá bỏ, thay thế bởi quan hệ khác. Điều này là trái với tư tưởng, truyền thống từ bao đời của người dân Việt Nam.
Xét về mặt y học, trực hệ ba đời là việc các cá thể có quan hệ huyết thống gần gũi với nhau. Các cá nhân trong trực hệ ba đời kết hôn với nhau sẽ sinh ra những cá thể khác. Lúc này, huyết thống gần sẽ gây ra tình trạng bệnh lý nhất định cho trẻ: Khuyết tật, tử vong… Đây được xem là hệ lụy lớn nhất của kết hôn trực hệ trong phạm vi ba đời. Nếu pháp luật không cấm, các cá nhân có quan hệ huyết thống gần vẫn kết hôn với nhau, sẽ gây ra tình trạng rối loạn trật tự xã hội, sinh ra những em bé mang trong mình bệnh tật. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề cả về vấn đề thực tiễn y khoa cũng như đạo đức, tính nhân đạo.
Pháp luật được hình thành dựa trên cơ sở thực tiễn đời sống. Một phần nào đó, pháp luật được xây dựng trên khuôn khổ nhận thức, tư duy, truyền thống của người dân. Người dân Việt Nam duy trì và đặt nặng các mối quan hệ ràng buộc ruột thịt. Ở mỗi vị trí trong gia đình, các cá nhân phải duy trì và đảm bảo tính nề lối nhất định, không được vi phạm. Do đó, kết hôn trực hệ sẽ làm trái với truyền thống văn hóa của người Việt Nam; làm mất đi những giá trị ràng buộc giữa các cá nhân với nhau cả về đạo đức, truyền thống văn hóa.
Trên đây được xem là những nguyên nhân lớn nhất để giải thích cho lý do tại sao pháp luật cấm kết hôn giữa các cá thể có trực hệ trong phạm vi ba đời. Việc tuân thủ các quy định, nguyên tắc của pháp luật giúp đảm bảo sự phát triển toàn diện, ổn định của hôn nhân.Đồng thời, đây cũng là cơ sở để xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp. Bởi “Gia đình là tế bào của xã hội”.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Luật hôn nhân và gia đình 2014.