Nhãn hiệu là một trong những dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với các tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, nhãn hiệu có tính độc quyền và tính phân biệt là điều đặc biệt quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ tại sao cần tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký.
Mục lục bài viết
1. Tại sao cần tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ?
1.1. Đảm bảo nhãn hiệu không bị trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn:
Tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký để kiểm tra và đảm bảo rằng nhãn hiệu mà tổ chức, cá nhân dự định đăng ký có bị trùng, tương tự hoặc dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký trước đó hay không. Nếu phát hiện trùng lặp, việc tra cứu sẽ giúp người nộp đơn phát hiện và thực hiện các biện pháp khắc phục để tránh xung đột và tranh chấp về nhãn hiệu trong tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng để đảm bảo tính độc quyền và tính pháp lý của nhãn hiệu được đăng ký.
1.2. Tránh mất thời gian, chi phí:
Theo thống kê ước tính, 30.000 là số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) hàng năm. Vì vậy, việc lựa chọn nhãn hiệu cẩn thận trước khi nộp đơn để tránh trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó là một điều rất quan trọng, giúp cho người nộp đơn tránh mất thời gian chờ đợi Cục SHTT xét duyệt hồ sơ, đồng thời tiết kiệm được chi phí để tiến hành đăng ký.
1.3. Kiểm tra tính chính xác:
Việc này được thực hiện sau khi đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và đã được Cục SHTT chấp thuận. Tra cứu ở giai đoạn này sẽ giúp tổ chức, cá nhân có thể kiểm tra thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được cấp có chính xác với dữ liệu trong hệ thống thông tin của Cục SHTT hay chưa; nếu có phát sinh sai lệch thì chủ đơn đăng ký nhãn hiệu cần kịp thời chỉnh sửa lại.
2. Cách tra cứu nhãn hiệu chi tiết:
Hiện nay, có hai hình thức tra cứu nhãn hiệu đó là tra cứu nhãn hiệu online trên website của Cục SHTT và tra cứu nhãn hiệu trực tiếp với đội ngũ chuyên viên tại Cục SHTT.
2.1. Tra cứu nhãn hiệu online:
Người nộp đơn có thể tự mình thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu bằng cách sau:
Bước 1: Truy cập vào website của Cựu SHTT Việt Nam để tra cứu nhãn hiệu.
– Người tra cứu có thể chọn ngôn ngữ tại hộp thoại ngôn ngữ.
– Chọn các chế độ tra cứu chuyên sâu bằng cách nhấn chuột vào phần chữ “Sáng chế”, “Kiểu dáng”, “Nhãn hiệu” hoặc nhấn vào các số tương ứng ở dưới các chữ này.
– Để đọc hướng dẫn sử dụng Thư viện số, chọn “Trợ giúp”. Ngôn ngữ phần này là tiếng Anh.
Bước 2: Nhập dữ liệu của nhãn hiệu cần tra cứu.
Người dùng có thể chọn tra cứu nhãn hiệu theo hai cách là tra cứu cơ bản và tra cứu nâng cao.
– Đối với tra cứu cơ bản, người dùng nhập từ khóa cần tìm (có thể là nhãn hiệu dự định đăng ký) để kiểm tra xem nhãn hiệu có bị trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó không.
– Đối với tra cứu nâng cao, người dùng nhập lần lượt các trường được hiển thị.
Người dùng có thể lựa chọn để bổ sung thêm các trường tra cứu ở bên lề bên phải, bằng cách tích vào biểu tượng “+/-các trường”, ngay sau khi tích vào ô vuông thì trường tương ứng xuất hiện trên màn hình tra cứu.
Sau khi người dùng đã nhập đầy đủ những thông tin thì nhấp chuột vào ô “Tra cứu”.
Tổ chức cá nhân cần lưu ý nhập đúng thông tin vào các trường để tránh sai sót khi tìm kiếm thông tin nhãn hiệu.
Bước 3: Tổ chức, cá nhân tiến hành tra cứu nhãn hiệu cần tìm.
Màn hình trang chủ lúc này sẽ hiển thị thông tin của những nhãn hiệu liên quan theo như phần thông tin mà cá nhân, tổ chức đã nhập.
2.2. Tra cứu nhãn hiệu trực tiếp cùng với đội ngũ chuyên viên tại Cục Sở Hữu trí tuệ Việt Nam:
Nếu như cá nhân, tổ chức không muốn thực hiện theo cách thức tra cứu online thì có thể thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu trực tiếp cùng với chuyên viên tại Cục SHTT Việt Nam.
Để có thể thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu một cách chi tiết và chuyên sâu, khách hàng có thể ủy quyền cho một tổ chức chuyên nghiệp về quyền sở hữu trí tuệ để cùng hợp tác với chuyên gia trong quá trình nộp hồ sơ tra cứu nhãn hiệu. Chuyên viên sẽ tiến hành tra cứu trực tiếp trên hệ thống dữ liệu của Cục SHTT Việt Nam.Bằng cách ủy quyền cho một tổ chức chuyên nghiệp làm việc với chuyên viên Cục SHTT, cá nhân, tổ chức có thể hoàn toàn tin tưởng vào kết quả thu được sau quá trình tra cứu, với mức độ chính xác lên đến 90%.
3. Người nộp đơn phải làm gì khi nhãn hiệu đã bị người khác đăng ký trước?
Tình trạng nhãn hiệu bị trùng, tương tự hoặc dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được tổ chức, cá nhân khác đăng ký trước đó xảy ra khá phổ biến. Điều này có thể mang lại nhiều rủi ro cho tổ chức, cá nhân muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để tạo thương hiệu độc quyền. Về vấn đề này, tại Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về quyền ưu tiên như sau:
– Nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây, người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng:
+ Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên được nêu rõ trong đơn được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
+ Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam….
+ Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Trong một đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên dựa trên nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn, với điều kiện phải chỉ rõ sự tương ứng về mặt nội dung giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.
– Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.
Theo như quy định trên, nếu đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì nhãn hiệu được hưởng quyền ưu tiên. Vậy, người nộp đơn phải làm gì nếu nhãn hiệu đăng ký đã được đăng ký trước đó?
– Đối với nhãn hiệu chưa được bảo hộ:
Trong trường hợp này, các cá nhân, tổ chức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có quyền nộp đơn yêu cầu phản đối cấp văn bằng của người nộp đơn trước đó. Trong trường hợp muốn phản đối, người nộp đơn phản đối phải chứng minh được những vấn đề sau:
+ Số lượng người biết và thừa nhận nhãn hiệu (số lượng khách hàng, có thể làm khảo sát…);
+ Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
+ Các tài liệu chứng minh chi phí truyền thông, quảng cáo; lợi nhuận, doanh thu thống kê từ sản phẩm sử dụng nhãn hiệu bằng việc cung cấp hoá đơn, chứng từ…
– Đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ:
+ Đàm phán mua lại nhãn hiệu:
Người nộp đơn có thể thỏa thuận với chủ sở hữu (hoặc chủ đơn đăng ký) nhãn hiệu đã được bảo hộ để thực hiện việc chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu.
+ Yêu cầu chấm dứt hiệu lực:
Trong trường hợp nhãn hiệu không được người được chủ sở hữu cho phép sử dụng hoặc chủ sở hữu trong thời hạn 5 (năm) năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể chấm dứt.
Do đó, nếu nhãn hiệu đã được cấp văn bằng nhưng không sử dụng trong thời gian được quy định nêu trên thì người nộp đơn có thể yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
+ Thay đổi nhãn hiệu:
Nếu không đủ căn cứ để yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc không thể thỏa thuận mua lại nhãn hiệu, người nộp đơn có thể tiến hành thiết kế lại nhãn hiệu mà mình dự định đăng ký hoặc thay đổi một số chi tiết và giữ lại thương hiệu ban đầu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2022.