Kiểu dáng công nghiệp chính là hình dáng bên ngoài của những sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, nó được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc. Vậy tại sao cần phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Tại sao cần phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Khoản 13 Điều 4 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ có giải thích kiểu dáng công nghiệp chính là hình dáng bên ngoài của những sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, nó được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc là sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được ở trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc là sản phẩm phức hợp. Kiểu dáng công nghiệp là một trong các đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp chính là thủ tục hành chính mà được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành, nói cách khác thì đây chính là việc chủ sở hữu tiến hành nộp đơn đăng ký ở tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng. Các lý do cần phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có thể kể đến như:
– Khi một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, chủ sở hữu kiểu dáng sẽ có quyền chống lại việc sao chép trái phép hoặc là giả mạo của các bên thứ ba. Nói cách khác thì chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có quyền thực hiện ngăn cấm các bên thứ ba sản xuất, bán hoặc là nhập khẩu sản phẩm mang hoặc thể hiện kiểu dáng là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ, nếu như không được sự cho phép của chủ sở hữu.
– Vì kiểu dáng công nghiệp là các khía cạnh mang tính thẩm mỹ và mang tính thu hút của một sản phẩm thế nên kiểu dáng công nghiệp bổ sung giá trị thương mại cho sản phẩm và tạo điều kiện cho việc thực hiện tiếp thị và thương mại hoá sản phẩm.
– Theo pháp luật của hầu hết các quốc gia, để được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp sẽ cần phải có tính hấp dẫn về mặt thị giác. Điều này cũng có nghĩa là những yếu tố kỹ thuật của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp.
– Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được hưởng lợi thông qua việc phát triển (khai thác) các sản phẩm của họ và việc bảo hộ bảo đảm cho họ cơ hội thu hồi vốn đầu tư một cách hợp lý.
– Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đưa sự sáng tạo vào lĩnh vực công nghiệp và sản xuất, góp phần mở rộng những hoạt động thương mại và tăng khả năng xuất khẩu cho các sản phẩm quốc gia.
– Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có thể được phát triển và bảo hộ một cách tương đối là đơn giản và không tốn kém. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như là các họa sĩ và thợ thủ công đơn lẻ tại các nước công nghiệp phát triển cũng như các nước đang phát triển đều có thể dễ dàng tiếp cận.
2. Điều kiện chung khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
Căn cứ Điều 63 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ thì những điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ bao gồm có các điều kiện dưới đây:
Điều kiện 1: Có tính mới
– Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu như kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp mà đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ một hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày thực hiện nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
– Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu như mà chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và cũng không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
– Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu mà chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
– Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu mà được công bố trong các trường hợp dưới đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp ở trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
+ Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người đã có quyền đăng ký quy định tại Điều 86, Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ
+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định ở tại Điều 86, Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định ở tại Điều 86, Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc là ở tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Điều kiện 2: Có tính sáng tạo
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu mà căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc là dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày thực hiện nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp là đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể nào được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Điều kiện 3: Có khả năng áp dụng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu mà có thể dùng làm mẫu để chế tạo ra hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng chính phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
3. Những người có quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
Căn cứ Điều 86 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ thì những người dưới đây có quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
– Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng chính công sức và chi phí của mình;
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc hay là tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo như hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp là các bên có thỏa thuận khác hoặc trong trường hợp đăng ký kiểu dáng công nghiệp chính là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Lưu ý rằng:
– Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì khi đó các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó sẽ chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
– Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có quyền thực hiện việc chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác ở dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc là kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Riêng đối với quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà có sử dụng ngân sách nhà nước thì được quy định như sau:
– Đối với kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà có sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.
– Đối với kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần là ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ phần của ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.
– Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được thực hiện như sau:
+ Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, khi đó quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc về Nhà nước (Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký);
+ Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều các nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, khi đó phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ của phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước (Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký).
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ.