Thế nào là tai nạn lao động trong thời gian làm việc. Trong giờ làm nhưng lao động xin ra ngoài, bị tai nạn thì có được chế độ gì không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chồng tôi đang làm việc tại một công ty cơ khí, thời giờ làm việc của công ty là 8h từ 8h sáng đến 5h30 chiều, có bao gồm thời gian nghỉ trưa. Tuy nhiên, do hôm đó con trai tôi bị bạn cùng lớp đánh nên chồng tôi có xin quản lý ra ngoài 1 tiếng để đến gặp cô chủ nhiệm. Do vừa đi vừa nghĩ ngợi nên chồng tôi có bị tai nạn. Vậy sự việc của chồng tôi có được coi là tai nạn lao động không, vì cũng là trong thời gian đi làm.
Luật sư tư vấn:
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Luật sư
Theo quy định trên và chiếu theo sự việc của bạn thì tai nạn lao động mặc dù phát sinh trong khoản thời gian bạn đang làm việc tại công ty, tuy nhiên thời gian đó là khoảng thời gian xin nghỉ giải quyết việc riêng không liên quan đến công việc, cũng không phải là khoảng thời gian đi từ nơi ở đến nơi làm việc nên không đáp ứng điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật. Như vậy, chồng bạn chưa đủ điều kiện để hưởng tai nạn lao động.
Mục lục bài viết
- 1 1. Trách nhiệm chi trả viện phí khi xảy ra tai nạn lao động
- 2 2. Tai nạn trên đường giao hàng có được coi là tai nạn lao động?
- 3 3. Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động khi thuê lại lao động
- 4 4. Chế độ tai nạn lao động đối với giáo viên
- 5 5. Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho đối tượng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- 6 6. Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động khi không có hợp đồng lao động
1. Trách nhiệm chi trả viện phí khi xảy ra tai nạn lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Này 25/4 vừa qua, tôi bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, chi phí điều trị hết 20 triệu; nhưng phía công ty không chi trả cho tôi với lý do vụ tai nạn là do tôi gây ra. Vậy luật sư cho hỏi phía công ty làm như vậy có đúng không? Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Tại Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như quyền của người lao động khi bị tai nạn lao động như sau:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
“1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;”
Như vậy trong trường hợp tai nạn lao động người sử dụng lao động có trách nhiệm hanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, 20 triệu tiền viện phí sẽ do bảo hiểm y tế và phía công ty đồng chi trả mà không cần xét đến yếu tố lỗi thuộc về ai. Bên cạnh đó, công ty cũng phải trả cho bạn số tiền lương tương ứng trong thời gian bạn điều trị.
2. Tai nạn trên đường giao hàng có được coi là tai nạn lao động?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho cháu hỏi cháu bị tai nạn khi đi giao nhận hàng hóa với khách hàng. Với trường hợp này của tôi có được coi là tai nạn lao động hay không? Cảm ơn luật sư nhiều.
Luật sư tư vấn:
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động (kể cả thời gian giải quyết các nhu cầu cần thiết trong thời gian làm việc theo Bộ Luật Lao động quy định như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc).
Tai nạn được coi là tai nạn lao động trong các trường hợp sau:
– Tai nạn xảy ra trên tuyến đường đi và về trực tiếp giữa nơi làm việc và:
+ Nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người lao động.
+ Nơi người lao động đến nhận tiền lương, tiền công.
– Tai nạn xảy do những nguyên nhân khách quan như: thiên tai, hoả hoạn và các trường hợp rủi ro khác gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động hoặc không xác định được người gây ra tai nạn xảy ra tại nơi làm việc.
Tất cả những trường hợp trên phải được thực hiện ở địa điểm và thời gian hợp lí.
Như vậy, xem xét đối với trường hợp mà bạn nói, bạn bị tai nạn lao động khi đang thực hiện công việc. Khi bạn bị tai nạn thì trường hợp của bạn sẽ được coi là tai nạn lao động và được hưởng các quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động.
3. Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động khi thuê lại lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty A là doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động. Công ty B ký hợp đồng với công ty A thuê lại lao động trong 1 năm. Khi làm việc cho công ty B, 1 người lao động bị tai nạn lao động. Vậy việc bồi thường tai nạn lao động thuộc về bên nào? Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Điều 55 Bộ luật lao động 2019 quy định:
1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản, lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản.
2. Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nơi làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
b) Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động;
c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
d) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
3. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với người lao động
Như vậy, giữa Công ty A và công ty B đã ký với nhau bản hợp đồng về việc thuê lại lao động. Hợp đồng cho thuê lại lao động được ký kết bằng văn bản và phải có thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động cho người lao động được thuê lại.
Do đó, trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động cho người lao động bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc tại công ty B được xác định theo căn cứ tại nội dung thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao đông giữa Bông ty A và công ty B.
Theo đó, trách nhiệm này có thể thuộc về Công ty A, có thể thuộc về công ty B hoặc cả hai bên cùng chịu trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động cho người lao động.
4. Chế độ tai nạn lao động đối với giáo viên
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi: Công ty Luật Dương Gia Tôi kính nhờ Luật sư tư vấn vấn đề có liên quan Lao động như sau: Tôi có con đẻ là giáo viên (trong biên chế) từ tháng 01/2013. Đến ngày 13/11/2016, sau khi dạy tiết 1 (buổi chiều) xong, con tôi trên đường đi dạy về thi không may bị tai nạn giao thông. Đến nay, cơ quan Công an có thông báo là con tôi sai. Vậy cho tôi được hỏi:
1. Trong trường hợp này, con tôi trên đường đi dạy về, trong thời gian hợp lý nhưng lỗi do con tôi thì con tôi có được xem như là bị tai nạn lao động không?
2. Thân nhân của con tôi (đủ điều kiện) có được hưởng các chế độ tuất do bảo hiểm xã hội chi trả không? Tôi xin trân trọng cảm ơn Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Về vấn đề tai nạn lao động.
Căn cứ vào khoản 8 Điều 3
“Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
Như vậy, như thông tin bác đã cung cấp, con bác trên đường đi dạy về và trong thời gian hợp lý có xảy ra tai nạn thì nếu vụ tai nạn đó gây tổn thương cho bất ký bộ phận, chức năng nào của cơ thể con bác hoặc khiến con bác tử vong mặc dù do lỗi của con bác nhưng trường hợp này của con bác sẽ được coi là tai nạn lao động.
Thứ hai, Về hưởng chế độ trợ cấp
+ Trợ cấp tai nạn lao động do người sử dụng lao động chi trả:
Căn cứ khoản 4 và khoản 5 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, trường hợp người lao động bị tai nạn lao động do chính lỗi của người lao động gây ra thì người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 12 tháng tiền lương cho thân nhân người lao động.
+ Trợ cấp do bảo hiểm xã hội chi trả:
Thứ nhất: Trợ cấp mai táng theo Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội 2014: Khi viên chức chế thì trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đó chết.
Thứ hai: Thân nhân của người lao động chết do tai nạn lao động được hương trợ cấp tuất hàng tháng được quy định tại Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014, và mức trợ cấp tuất hàng tháng được quy định tại Điều 68 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“Điều 68. Mức trợ cấp tuất hằng tháng
1. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợpthân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
2. Trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người; trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.”.
5. Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho đối tượng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Sau khi bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, sức khỏe và khả năng lao động của người lao động sẽ bị suy giảm một phần nhất định, dẫn tới không còn đủ khả năng thực hiện tiếp công việc trước đó. Do vậy, người sử dụng lao động có thể sẽ điều chuyển người lao động sang một vị trí công việc mới. Trường hợp vị trí công việc mới này cần phải trải qua quá trình đào tạo, người lao động sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo nghề. Việc hỗ trợ kinh phí được quy định tại Nghị định 37/2016/NĐ-CP.
Điều kiện để được hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm:
– Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên;
– Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi công việc.
Mức hỗ trợ là không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở và do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định. Mức học phí quy định được tính trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo nghề theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.
Để nhận được hỗ trợ, người lao động cần phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ theo quy định. Hồ sơ đề nghị bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
– Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.
Về trình tự giải quyết hỗ trợ chi phí đào tạo:
– Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.
6. Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động khi không có hợp đồng lao động
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư. Ở chỗ tôi đang xây dựng công trình Nhà văn hóa xã, chủ doanh nghiệp xây dựng sử dụng lao động để phụ vữa, lắp rắp giàn giáo không may ngã từ tầng II xuống bị gãy cổ. Không có hợp động lao động. Vậy tôi xin hỏi chủ sủ dụng lao động có phải chi phí phẫu thuật, điều trị, bồi thường cho người lao động không?
Luật sư tư vấn:
Khoản 2 Điều 13 Bộ luật lao động 2019 quy định:
“2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
Tại khoản 8 Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định:
“Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
Theo quy định này thì người lao động bị tai nạn khi đang trực tiếp lao động tại công trình Nhà văn hóa xã do Doanh nghiệp là chủ xây dựng, do vậy người lao động được hưởng các chế độ bồi thường, trợ cấp theo luật lao động. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Như vậy, ngoài chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với tai nạn lao động của người lao động, người lao động không tham gia bảo hiểm y tế của công ty thì công ty còn phải trả trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nếu người lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà công ty chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Nếu người lao động chứng minh được giao kết hợp đồng miệng với công ty thì vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động.