Chính sách thuế có tác động tới giá cả, tính thanh khoản và các giao dịch, cung - cầu tín dụng và lãi suất việc thu hút đầu tư trong kinh doanh chứng khoán và tác động đến cả hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thuế tác động đến giá cả:
- 2 2. Thuế tác động đến tính thanh khoản và các giao dịch:
- 3 3. Thuế tác động đến cung – cầu tín dụng và lãi suất:
- 4 4. Thuế tác động đến việc thu hút đầu tư trong kinh doanh chứng khoán:
- 5 5. Chính sách thuế tác động đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán:
- 6 6. Quy định pháp luật thuế của một số quốc gia trong hoạt động kinh doanh chứng khoán:
1. Thuế tác động đến giá cả:
Giá cả trên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, uy tín của tổ chức phát hành chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư, chính sách tài khóa của nhà nước, sự tăng trưởng của nền kinh tế. Là một công cụ của nhà nước, chính sách thuế có nhiều tác động đến giá cả trên thị trường chứng khoán . Các thay đổi về quy định thuế chuyển nhượng chứng khoán, thuế từ cổ tức, lợi tức cổ phần, trái tức, lãi tiền vay,... tác động trực tiếp đến tỷ suất sinh lời của các công cụ tài chính. Qua đó ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường chứng khoán . Để tăng tính hấp dẫn cho các công cụ đầu tư trên thị trường chứng khoán , nhà nước thường áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán để làm tăng tỷ suất sinh lời từ hoạt động đầu tư khiến giá cả tăng. Ngược lại, tăng các khoản thuế này sẽ khiến dòng tiền thay đổi đổ vào những nơi có khả năng sinh lời cao hơn, làm cho giá cả thấp đi.
2. Thuế tác động đến tính thanh khoản và các giao dịch:
Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán thể hiện ở chủ sở hữu chứng khoán có thể chuyển nhượng chứng khoán cho người khác hoặc chuyển đổi thành tiền mặt theo nhu cầu bản thân. Tính thanh khoản giúp thị trường chứng khoán ổn định, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, tránh nguy cơ biến động lớn trên thị trường. Đây cũng là công cụ để đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sức khỏe tài chính của nền kinh tế và tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán . Các chính sách thuế có tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán . Các chính sách ưu đãi thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán . Từ đó giúp thị trường giao dịch chứng khoán trở lên sôi động, tính thanh khoản của thị trường tăng cao, tránh được các giao dịch bị thao túng, làm giá trên thị trường và phản ánh thực chất giá chứng khoán đúng hoạt động cung – cầu.
3. Thuế tác động đến cung – cầu tín dụng và lãi suất:
Chính sách thuế thay đổi tác động đến cung – cầu tín dụng. Từ đó dẫn đến tác động đến lãi suất. Nếu lãi vay phải trả được tính vào chi phí doanh nghiệp trước khi tính thuế sẽ làm doanh nghiệp được hưởng lợi về thuế, tạo nên sức hấp dẫn của hoạt động vay, khiến cho cầu tín dụng tăng. Ngược lại, nếu chính sách thuế quy định tính thuế dựa trên thu nhập trước lãi vay phải trả sẽ khiến nhu cầu tín dụng giảm.
Đối với khoản thu nhập là lãi vay, nếu luật thuế quy định việc đánh thuế dựa trên thu nhập mà không được trừ các khoản chi phí khác thì lượng cung tín dụng sẽ giảm do các doanh nghiệp cho vay không được hưởng lợi về thuế khi cho vay. Ngược lại, nếu luật thuế quy định thuế trên thu nhập lãi bị triệt tiêu sẽ khiến việc cho vay trở lên hấp dẫn hơn, từ đó làm cung tín dụng tăng. Cung tín dụng tăng sẽ khiến lãi suất giảm.
Khi mức cung – cầu tín dụng trên thị trường đáp ứng được nhau sẽ tạo ra sự cân bằng về lãi suất. Lãi suất có ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của chứng khoán, từ đó cũng gây ảnh hưởng đến giá chứng khoán.
4. Thuế tác động đến việc thu hút đầu tư trong kinh doanh chứng khoán:
Giá chứng khoán bị tác động bởi chính sách thuế. Các khoản thu nhập của doanh nghiệp đều bị đánh thuế lần đầu theo chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp . Phần lợi nhuận còn lại được chia cho các cổ đông hoặc được tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Lợi nhuận chia cho các cổ đông là cổ tức bị đánh thuế thu nhập. Lợi nhuận đem đi tái đầu tư sẽ làm tăng giá trị cổ phiếu, dẫn đến chịu mức thuế cao hơn trên khoản chênh lệch khi cổ phiếu bị bán đi. Tăng hoặc giảm các mức thuế này đều kéo theo giảm hoặc tăng giá trị của cổ phiếu.
Chính sự tác động của chính sách thuế làm ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của các chủ thể có liên quan. Nếu mức thuế phải chịu thấp, giá cổ phiếu sẽ tăng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Sự tăng cầu đầu tư thúc đẩy giá cổ phiếu tăng và tăng tỷ suất lợi nhuận cho các nhà đầu tư khi nắm giữ chúng. Sự tăng lên của tỷ suất sinh lời giúp các công ty chứng khoán có thể tồn tại, phát triển bền vững hơn. Các chứng khoán được phát hành có chất lượng và phong phú, có thanh khoản cao. Từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức. Sự sôi động của thị trường chứng khoán và các chính sách ưu đãi về thuế chính là động lực thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
5. Chính sách thuế tác động đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán:
Tùy thuộc vào mục tiêu của nhà nước mà quy định thuế áp dụng cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán là khác nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc thuế suất phổ thông, cơ sở tính thuế,... của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán,... là như nhau. Mặc dù có sự khác biệt về các tính doanh thu, chi phí nhưng không có sự khác biệt đáng kể giữa công ty tài chính và công ty phi tài chính.
Với các doanh nghiệp tài chính không phải công ty cổ phần, lợi nhuận của công ty chỉ bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp . Do đó, lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ thay đổi khi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp thay đổi. Thuế càng cao thì lợi nhuận sau thuế sẽ giảm, làm giảm cơ cấu phân chia lợi nhuận và tái đầu tư của công ty.
Với các doanh nghiệp tài chính là công ty cổ phần, thu nhập của công ty bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp . Phần lợi nhuận còn lại được chia cho các cổ động hoặc đem đi tái đầu tư. Phần lợi nhuận chia cho các cổ đông bị đánh thuế cổ tức. Phần lợi nhuận đem tái đầu tư làm tăng giá trị cổ phần, từ đó làm tăng thuế khi chuyển nhượng chứng khoán. Việc đánh thuế đều làm giảm giá trị của công ty với cổ đông. Nếu đánh thuế thấp, lợi nhuận của công ty tăng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư. Giá cổ phiếu công ty tăng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
6. Quy định pháp luật thuế của một số quốc gia trong hoạt động kinh doanh chứng khoán:
6.1 Thuế giá trị gia tăng:
Thuế GTGT ở một số quốc gia còn được gọi là thuế tiêu dùng. Thuế GTGT được Pháp đề xướng đầu tiên, sau đó dần được phổ biến trên toàn thế giới. Thuế GTGT đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ được cung cấp. Trong hoạt động kinh doanh chứng khoán , rất nhiều quốc gia hiện nay miễn thuế GTGT. Tại Châu Á hiện nay chỉ có duy nhất Thái Lan hiện áp dụng thuế GTGT trong hoạt động kinh doanh chứng khoán với thuế suất là 7% trên phí dịch vụ mà các tổ chức cung cấp dịch vụ. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính sách của nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán mà mỗi quốc gia đều quy định khác nhau về thuế GTGT.
2.2. Thuế chuyển nhượng chứng khoán:
Thuế chuyển nhượng chứng khoán ở nhiều quốc gia còn được gọi là thuế tem. Đây là khoản thuế phải trả khi mua cổ phiếu để cơ quan có thẩm quyền đóng dấu vào các giấy tờ nhằm hợp thức hóa việc mua bán. Tại Mỹ, thuế giao dịch chứng khoán được đánh với thuế suất 0,2% trên giá giao dịch năm 1914 và được tăng lên 0,4% vào năm 1932. Đây là sắc thuế được đề xuất trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế (1929–1933) để hạn chế giao dịch đầu cơ tài chính ngắn hạn. Năm 1966, thuế chuyển nhượng chứng khoán đã được Mỹ loại bỏ.
Hiện nay, thuế giao dịch chứng khoán vẫn được nhiều quốc gia đang phát triển áp dụng vì có thể gia tăng ngân sách nhà nước mà không tốn kém nhiều chi phí quản lý thuế. Ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Hàn Quốc, Nam Phi,... thường áp dụng mức thuế suất từ 0,1%–0,5% giá trị giao dịch. Tuy nhiên, nhiều quốc gia phát triển đã loại bỏ sắc thuế này trong những thập kỷ gần đây.
6.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Tại Trung Quốc, thuế thu nhập doanh nghiệp đánh vào thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty trong và ngoài nước với mức thuế suất 25%. Các công ty bắt đầu hoạt động kinh doanh chứng khoán từ trước năm 2008 được hưởng thuế suất ưu đãi là 15% và các công ty có vốn ít chịu thuế suất 20%. Đối với các quy đầu tư mạo hiểm thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp kỹ thuật cao quy mô vừa và nhỏ chưa niêm yết được phép nghi nợ 70% số thuế phải nộp trong tối đa 2 năm. Việc khấu trừ thuế tại nguồn đối với các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc có thu nhập từ cổ tức, lãi vay,... thì có thuế suất khấu trừ tại nguồn là 20%.
Tại Malaysia thuế thu nhập doanh nghiệp được tính linh hoạt trong việc điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế. Cụ thể như điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 26% xuống 25% trong năm 2008 cho các công ty, trong đó có các công ty kinh doanh chứng khoán . Đối với các tổ chức tài chính đặc biệt với mục đích phát hành chứng khoán Hồi giáo không vị tinh thuế và không bị bắt buộc tuân theo các thủ tục quản lý hành chính thuế. Các công ty quản lý quỹ thuộc về Hồi giáo phải được Ủy vụ chứng khoán Malaysia chấp thuận cho phép hoạt động cũng được miễn trừ nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp .