Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông là loại giấy tờ cho phép doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Vậy sửa đổi bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Sửa đổi bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông:
Giấy phép viễn thông bao gồm có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông. Trong đó, giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm:
– Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, giấy phép này có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
– Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, giấy phép này có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
Căn cứ Điều 24 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất các Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định về các trường hợp phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép và phải thực hiện thủ tục thông báo giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Điều này quy định trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp mà đã được cấp phép phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông khi đã có ít nhất một trong những thay đổi sau:
– Thay đổi về tên doanh nghiệp được cấp phép;
– Thay đổi phạm vi thiết lập mạng viễn thông, phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông, thay đổi về loại hình dịch vụ, nhu cầu sử dụng tài nguyên viễn thông mà đã được cấp phép theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Đề nghị được cung cấp các dịch vụ viễn thông chưa quy định ở trong giấy phép và cơ quan có thẩm quyền cấp phép cung cấp dịch vụ đó là cơ quan đã cấp giấy phép đang có;
– Ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông mà đã được cấp phép.
Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định tại Điều 24a Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất các Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, căn cứ Điều này thì thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện như sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Doanh nghiệp thuộc vào các trường hợp phải thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đã nêu ở mục trên chuẩn bị trước ba (03) bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm có những giấy tờ sau:
– Đối với hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông do có thay đổi tên doanh nghiệp bao gồm các tài liệu sau:
+ Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (đơn đề nghị theo mẫu pháp luật quy định);
+ Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao mà đã được cấp từ sổ gốc hoặc là bản sao có chứng thực của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài;
+ Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày đã được cấp giấy phép đến ngày nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép (bản báo cáo thực hiện theo mẫu pháp luật quy định).
– Đối với hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép do có mở rộng phạm vi thiết lập mạng viễn thông công cộng, bổ sung về dịch vụ viễn thông được phép cung cấp bao gồm các tài liệu sau:
+ Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (đơn để nghị theo mẫu pháp luật quy định);
+ Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày mà doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đến ngày nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép (bản báo cáo thực hiện theo mẫu pháp luật quy định);
+
Bước 2: nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đã chuẩn bị nêu ở mục trên tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông bằng một trong các phương thức nộp hồ sơ sau:
– Nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông trực tiếp đến Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.
– Nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông qua đường bưu điện đến Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.
Bước 3: giải quyết hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
– Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thực hiện tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
– Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thẩm định và quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép theo đúng thẩm quyền mà pháp luật quy định trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, bổ sung biết.
2. Điều kiện sửa đổi bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông:
Khoản 5 Điều 24a Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất các Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định việc sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện dựa trên những điều kiện cấp phép tương ứng theo quy định của pháp luật. Theo đó, điều kiện sửa đổi bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm có:
– Có đủ các điều kiện để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông (nếu như sửa đổi bổ sung giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông), bao gồm các điều kiện sau:
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc là Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
+ Có đủ về khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;
+ Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia và các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và các dịch vụ viễn thông;
+ Có các biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
– Có đủ các điều kiện để được cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng (nếu như sửa đổi bổ sung giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng), bao gồm các điều kiện sau:
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc là Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
+ Có đủ về khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;
+ Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia và các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và các dịch vụ viễn thông;
+ Có các biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
+ Vốn pháp định và mức cam kết đầu tư theo quy định của Chính phủ.
3. Nguyên tắc sửa đổi bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông:
Khi thực hiện sửa đổi bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.
– Ưu tiên cấp giấy phép viễn thông cho dự án có khả năng triển khai nhanh ở trên thực tế, có cam kết cung cấp những dịch vụ lâu dài cho đông đảo những người sử dụng dịch vụ viễn thông; dự án cung cấp dịch vụ viễn thông đến những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Trường hợp việc cấp giấy phép viễn thông mà lại có liên quan đến sử dụng tài nguyên viễn thông thì sẽ chỉ được xét cấp nếu việc phân bổ tài nguyên viễn thông là có khả thi, theo đúng quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông.
– Tổ chức được cấp giấy phép viễn thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ đề nghị sửa đổi bổ sung giấy phép viễn thông, về việc triển khai thực hiện về những quy định tại giấy phép và cam kết với cơ quan cấp phép.
– Tổ chức được sửa đổi bổ sung giấy phép viễn thông sẽ phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí sửa đổi bổ sung giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.