Nghị định thư Luân Đôn 1996 (Nghị định thư 1996 liên quan đến Công ước 1972 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác) về cơ bản được xây dựng trên tinh thần của Công ước năm 1972.
Mục lục bài viết
1. Công ước Luân Đôn năm 1972:
Thỏa thuận quốc tế đầu tiên đặt nền móng cho việc kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển là Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển do nhận chìm từ tàu và tàu bay 1972 (Công ước Oslo 1972). Đây là điều ước quốc tế khu vực đầu tiên trên thế giới quy định về nhận chìm chất thải ở vùng biển đã được thỏa thuận. Công ước này được thông qua ngày 15 tháng 2 năm 1972, bởi các quốc gia ven bờ đông bắc Đại Tây Dương và có hiệu lực thực thi kể từ ngày 7 tháng 4 năm 1974.
Phạm vi của Công ước Oslo bao gồm Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, ngoại trừ Biển Baltic và Địa Trung Hải. Công ước Oslo 1972 được sửa đổi một lần vào tháng 12 năm 1981, sửa đổi có hiệu lực vào tháng 02 năm 1982.
Do đây chỉ là một điều ước khu vực, lại thêm chỉ áp dụng trên một vùng biển nhất định do các quốc gia thành viên chỉ định nên Công ước Oslo 1972 đã không thể đáp ứng được yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ là ngăn chặn ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển và đặc biệt là vấn đề ô nhiễm biển gây ra bởi hoạt động nhận chìm ở biển, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã và đang nỗ lực xây dựng các quy định toàn cầu nhằm điều chỉnh về vấn đề này. Điều ước quốc tế đầu tiên là Công ước Luân Đôn năm 1972
Công ước Luân Đôn năm 1972 là tên gọi tắt của Công ước về ngăn chặn ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác, được các nước thành viên ký và thông qua tại Luân Đôn – Vương quốc Anh vào tháng 11 năm 1972. Công ước này đề cập tới vấn đề chất thải một cách tổng quát và là một trong những công cụ quốc tế đầu tiên để bảo vệ môi trường biển.
Điều 4 Công ước Luân Đôn 1972, quy định nghiêm cấm đổ bất kỳ chất thải nào hoặc các chất khác ngoại trừ những chất thải được liệt kê trong Phụ lục 1. Như vậy rõ rang Công ước Luân Đôn 1972 nghiêm cấm với nhựa khó phân huỷ và các vật liệu tổng hợp khó phân huỷ, ví dụ lưới và dây thừng, có thể trôi nổi hoặc bị treo lơ lửng trên biển theo cách gây cản trở vật chất cho việc đánh bắt cá, hàng hải hoặc mục đích sử dụng biển hợp pháp khác. Điều 12 Công ước liệt kê các chất gây ô nhiễm mà các quốc gia nên ngăn chặn nhưng không có nhựa. Điều này dễ hiểu bởi xét theo góc độ lịch sử, lúc này nhựa đang là sản phẩm cấp tiến tại thời điểm đó.
Về hậu quả của việc không tuân thủ, Công ước thiết lập các thủ tục đánh giá trách nhiệm và giải quyết tranh chấp (Điều 10) và khuyến nghị các bên “tại cuộc họp tham vấn đầu tiên của họ xem xét các thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước (Điều 11).
Thành viên Công ước cùng nhất trí kiểm soát nhận chìm bằng cách thực hiện các chương trình định kỳ để đánh giá nhu cầu và kiểm soát các nhân tố môi trường tiềm ẩn liên quan đến nhận chìm chất thải và các chất khác ở biển. Các quốc gia đã cấm nhận chìm một số loại chất thải nhất định và tiến tới xây dựng một chế định nghiêm ngặt cho Công ước bằng cách khuyến khích các nội dung về ngăn chặn ô nhiễm và tăng cường các chiến lược quản lý nhận chìm. Thành tựu nổi bật của Công ước là đã dừng được hoạt động nhận chìm vô kiểm soát chất thải và các chất khác ở biển.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi của thời cuộc, sự phát triển như vũ bão của nhiều nghành nghề, đặc biệt là các ngành công nghiệp hạt nhân hiện đại, các quy định của Công ước Luân Đôn năm 1972 đã bộc lộ nhiều những hạn chế và thiếu tính khả dụng và điều tất yếu là cộng đồng quốc tế sẽ nghĩ ngay đến một sự sửa đổi, thay thế mới.
2. Nghị định thư Luân Đôn 1996:
Nghị định thư Luân Đôn 1996 có tên gọi đầy đủ là Nghị định thư 1996 liên quan đến Công ước 1972 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác.
Về cơ bản, Nghị định thư năm 1996 được xây dựng trên tinh thần của Công ước năm 1972 và về nguyên tắc, Nghị định thư này đã đưa ra một cách tiếp cận mang tính phòng ngừa, yêu cầu các quốc gia thành viên bảo vệ và gìn giữ môi trường biển khỏi tất cả các nguồn gây ô nhiễm và thực hiện mọi biện pháp có hiệu quả dựa trên khả năng về khoa học, kỹ thuật và kinh tế của chính quốc gia mình để ngăn chặn, giảm thiểu và thậm chí là loại bỏ ô nhiễm do nhận chìm hoặc thiêu hủy chất thải và các chất khác ở biển.
Ngày 07/11/1996, một phiên họp đặc biệt giữa các quốc gia thành viên Công ước 1972 do IMO triệu tập đã nhất trí thông qua một Nghị định thư mới – Nghị định thư Luân Đôn 1996. Nghị định thư Luân Đôn được thông qua để khắc phục những bất cập của Công ước Luân Đôn 1972 sau hơn 20 năm đi vào thực tiễn.
Nghị định thư Luân Đôn 1996 ra đời là sự thay thế hoàn hảo cho Công ước năm 1972. Về cơ bản, Nghị định thư được xây dựng trên tinh thần của Công ước 1972 và về nguyên tắc, Nghị định thư này đã đưa ra một cách tiếp cận mang tính phòng ngừa, yêu cầu các quốc gia thành viên bảo vệ và gìn giữ môi trường biển khỏi tất cả các nguồn gây ô nhiễm và thực hiện mọi biện pháp có hiệu quả dựa trên khả năng về khoa học, kỹ thuật và kinh tế của chính quốc gia mình để ngăn chặn, giảm thiểu và thậm chí là loại bỏ ô nhiễm do nhận chìm hoặc thiêu hủy chất thải và các chất khác ở biển.
Nghị định thư đã có nhiều điểm tiến bộ so với Công ước. Nghị định thư đã đưa ra một danh mục duy nhất các chất được xem xét để nhận chìm thay vì 02 phụ lục về chất cấm, chất được nhận chìm với giấy phép đặc biệt và các chất khác được nhận chìm với giấy phép thông thường như trong Công ước. Với phương pháp tiếp cận ngược này, Nghị định thư đã kiểm soát tốt hơn về loại chất được nhận chìm ở biển.
Bên cạnh đó, Nghị định thư đưa ra định hướng thực tế hơn vì nó tập trung hướng vào việc quản lý nhận chìm các chất thải được sản sinh thông thường thay vì các chất gây ô nhiễm. Nghị định thư còn đưa ra một phương thức đánh giá tiêu chuẩn các chất được và không được nhận chìm tại Phụ lục II, điều này làm cho việc áp dụng dễ dàng hơn. Đây cũng là điểm tiến bộ của
Nghị định thư do các quy định của Công ước chỉ dừng lại ở việc liệt kê các tiêu chí đánh giá cho việc cấp phép nhận chìm tại Phụ lục III mà không giải thích được tính phù hợp của các tiêu chí đó.
Ngoài ra, Nghị định thư đã đưa ra một cách tiếp cận mang tính phòng ngừa, yêu cầu các quốc gia thành viên bảo vệ và gìn giữ môi trường biển từ các nguồn gây ô nhiễm và thực hiện mọi biện pháp hiệu quả dựa trên khả năng về khoa học, kỹ thuật và kinh tế của chính quốc gia mình để ngăn chặn, giảm thiểu và thậm chí là loại bỏ ô nhiễm do nhận chìm hoặc thiêu hủy chất thải và các chất khác ở biển.
Như vậy, Nghị định thư Luân Đôn 1996 đã sửa chữa toàn diện, cơ bản “công ước mẹ”. Theo nhiều nhận định thì Nghị định thư này cuối cùng sẽ thay thế Công ước. Hiện nay, cả Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư Luân Đôn 1996 đều là những điều ước quốc tế có hiệu lực và đều đang để ngỏ để các quốc gia gia nhập. Song vì tính ưu việt của Nghị định thư Luân Đôn, IMO khuyến khích các quốc gia nên tham gia Nghị định thư thay vì Công ước.
Nghị định thư Luân Đôn năm 1996 đã đưa ra một danh mục duy nhất các chất được xem xét để nhận chìm, bao gồm: “Chất nạo vét; Bùn thải; Các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản; Tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển; Các chất địa chất trợ và chất vô cơ Các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên; Các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê–tông và các chất tương tự không độc hại mà trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhận chìm; Dòng khí carbon dioxide từ các quá trình thu carbon dioxide để cô lập.
– Chất nạo vét:
Chất nạo vét bao gồm các chất lắng đọng có thành phần chủ yếu từ tự nhiên như đá, cát, sỏi, phù sa, và các chất hữu cơ tự nhiên. Chất lắng đọng là một thành tố quan trọng của nước ngọt, cửa sông và hệ sinh thái biển. Quá trình lắng đọng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các cấu trúc và chức năng của hệ thủy sinh.
Như vậy, chất nạo vét là chất được đưa lên từ đáy biển và việc đưa nó trở lại biển là một việc rất tự nhiên nếu nó không chứa những chất độc hại có khả năng làm môi trường biển thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
– Bùn thải:
Bùn thải là các chất cặn bã lắng đọng từ việc xử lý nước thải. Nó là một loại chất thải chứa nhiều chất hữu cơ được sản sinh chủ yếu từ quá trình vật lý, quá trình xử lý sinh học và hóa học.
Nước thải là nước thải nội địa như nước mặt và trong nhiều trường hợp nhiều thành phần độc hại từ hoạt động công nghiệp chưa được xử lý. Bùn thải thường bao gồm rất nhiều chất khác nhau. Nó có nhu cầu oxy hóa sinh cao (BOD) và có thể trung chuyển nhiều mầm bệnh và khuẩn ký sinh trùng.
– Các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản:
Các chất thải từ cá hoặc các vật chất phát sinh từ hoạt động chế biến cá công nghiệp từ cá hoang dã hoặc từ nuôi trồng thủy sản bao gồm các thành phần da cá, đuôi cá, vảy, xương và chất lỏng từ cá. Các thành phần hữu cơ của chất thải này có nhu cầu ô xy sinh học cao, nếu không được quản lý tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Nhìn chung, các chất cứng tùy thuộc vào quá trình chế biến. Hầu hết chất thải từ cá phân hủy nhanh trong thời tiết ấm có thể gây ra các vấn đề về mỹ quan và bốc mùi từ quá trình phát triển của vi khuẩn nếu không được lưu trữ phù hợp hoặc vứt bỏ nhanh chóng.
– Tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển:
Tàu thuyền là phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ.
Giàn nổi là cấu trúc nổi chuyên dùng phục vụ thăm dò, khai thác và hoạt động trên biển.
Công trình nhân tạo ở biển là các cấu trúc do con người tạo ra nhằm mục đích khai thác, sử dụng biển hoặc phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển. Công trình nhân tạo trên biển có thể là nhà giàn, công tông, giàn khoan, kho chứa nổi, ụ nổi, cảng dầu khí ngoài khơi, hệ thống báo hiệu hàng hải...
Việc nhận chìm các vật thể này có thể được xem xét cấp phép với điều kiện là các chất có khả năng sản sinh ra các mảnh vụn trôi nổi hoặc làm ô nhiễm môi trường biển đã được loại bỏ ở mức tối đa, đồng thời chất nhận chìm tại biển đó không tạo thành các chướng ngại nguy hiểm cho đánh cá hoặc hàng hải.
– Các chất địa chất trơ và chất vô cơ: Các vật liệu trơ, vật liệu địa chất vô cơ là các chất hầu như không ảnh hưởng đến môi trường.
– Các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên: Các chất hữu cơ có nguồn gốc từ tự nhiên hầu như không ảnh hưởng đến môi trường.
– Các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê–tông và các chất tương tự không độc hại mà trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhận chìm:
– Dòng khí carbon dioxide từ các quá trình thu carbon dioxide để cô lập: Việc nhận chìm các dụng khí này đồng nghĩa với việc lưu trữ chúng trong cấu trúc địa chất ở dưới đáy biển ngoài khơi và cô lập lâu dài khỏi không khí nhằm làm giảm lượng khí nhà kính”
Như vậy, rác thải nhựa không nằm trong danh mục các chất mà Nghị định thư Luân Đôn 1996 cho phép xem xét để nhận chìm ở biển.
Về hiệu quả của Công ước và Nghị định thư Luân Đôn, nó chủ yếu phụ thuộc vào khả năng thu hút sự tham gia vào công ước, nhằm nâng cao nhận thức về môi trường. Một trong những vấn đề chính đối với khả năng áp dụng Công ước là thiếu các điều khoản để giải quyết các khó khăn, thách thức về kỹ thuật, khoa học và chủ yếu là tài chính để thay đổi hành vi nhận chìm ở biển.
Nhìn chung, xét về giá trị pháp lý công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư Luân Đôn được coi là một thành tựu tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên nếu xét về giá trị pháp lý điều chỉnh vấn đề cụ thể về ô nhiễm biển do rác thải nhựa thì công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư Luân Đôn còn bị giới hạn điều này cũng dễ lý giải bởi lúc này nhựa chưa phải là vấn đề toàn cầu nghiêm trọng, trong khi đó Công ước Luân Đôn ra đời từ rất sớm.