Pháp luật hình sự có quy định rõ các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định. Vậy khi tham gia giao thông do sự kiện bất ngờ gây hậu quả thiệt hại có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Mục lục bài viết
1. Sự kiện bất ngờ trong các vụ tai nạn giao thông là gì?
1.1. Quy định sự kiện bất ngờ trong Bộ luật Hình sự:
Sự kiện bất ngờ là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 theo đó có thể hiểu sự kiện bất ngờ là trường hợp hành vi gây thiệt hại được thực hiện bởi những đối tượng hoặc trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định và chính những đối tượng điều kiện hoàn cảnh đó đã làm cho hành vi gây thiệt hại ngay trong bản thân nó không còn mang tính chất nguy hiểm cho xã hội. Do đó, bộ luật hình sự đã quy định về trường hợp người thực hiện hành vi gây thiệt hại khi gặp sự kiện bất ngờ không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
1.2. Sự kiện bất ngờ trong các vụ tai nạn giao thông được hiểu như thế nào?
Sự kiện bất ngờ trong tai nạn giao thông là trường hợp một người đang tham gia giao thông, nhưng do không thể thấy trước hoặc dự liệu được các tình huống bất ngờ có thể xảy ra và trong trường hợp này họ cũng không bắt buộc phải thấy trước được hậu quả của hành vi đó, đồng thời hành vi này hoàn toàn do lỗi vô ý. Vì vậy, trong trường hợp này người tham gia giao thông sẽ thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự. Cần lưu ý sự kiện bất ngờ này xảy ra do nhiều nguyên nhân bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của người bị thiệt hại.
Ví dụ: Trường hợp nạn nhân A có ý định tự sát nên bất ngờ lao vào bánh sau xe tải, bị xe cán dẫn đến tử vong. Khi nạn nhân A bất ngờ lao vào bánh sau xe tải tự sát, người lái xe không biết nên không thể tránh hoặc dừng xe để ngăn chặn thiệt hại. Mặc dù gây thiệt hại nhưng trường hợp này người lái xe không có lỗi đối với việc gây thiệt hại, trường hợp này được coi là sự kiện bất ngờ. Theo luật hình sự Việt Nam, tội phạm phải là hành vi có lỗi. Vì vậy, hành vi gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ không phải là tội phạm (không cấu thành tội phạm), không có trách nhiệm hình sự và đương nhiên người thực hiện hành vi này không phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không phải là được loại trừ trách nhiệm hình sự. Đây là lí do tác giả cho rằng sự kiện bất ngờ Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự . Quan điểm này cũng đã được chia sẻ bởi các nhà nghiên cứu khác.
Ví dụ: Xe ô tô của B đang di chuyển bình thường với tốc độ theo quy định thì bất ngờ bị xe máy phía sau do phóng nhanh và bị đứt phanh nên đã đâm thẳng vào xe ô tô của B gây hậu quả thương tích chấn thương sọ não cho người đi xe máy còn xe ô tô của B thì bị hư hỏng. B thấy vậy đã xuống xe đưa nạn nhân đi cấp cứu, trong trường hợp này do chiêc xe máy đi từ phía sau và bất ngờ lao lên đâm vào đuôi xe ô tô nên B không biết và không thể ngăn chặn được thiệt hại xảy ra. Mặc dù gây thiệt hại nhưng B không có lỗi trong trường hợp này nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Cơ sở của việc loại trừ trách nhiệm hình sự khi có sự cố bất ngờ:
Cơ sở của việc quy định sự kiện bất ngờ xuất phát từ việc người có hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội không có lỗi đối với hành vi này. Bởi người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp này không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Tức là chủ thể không có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm, gây nguy hại cho xã hội. Và theo quy định của bộ luật hình sự thì tội phạm phải là hành vi có lỗi. Vì vậy, hành vi gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ không phải là tội phạm.Tức là hành vi không có đủ các dấu hiệu để cấu thành tội phạm nên không có trách nhiệm hình sự và đương nhiên người thực hiện hành vi này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Tội phạm phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và có lỗi (lỗi cố ý và lỗi vô ý). Lỗi được coi là một trong những cơ sở của trách nhiệm hình sự, là một trong những dấu hiệu bắt buộc của tất cả các cấu thành tội phạm.
Vậy, lỗi là gì? Khi nào một người bị coi là có lỗi đối với hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra? Tại sao tội phạm phải là hành vi có lỗi?
Hành vi phạm tội cũng như những hành vi khác của con người – là kết quả của các hoạt động theo ý thức, ý chí của chính chủ thể. Khi chủ thể có điều kiện lựa chọn thực hiện những hành vi khác nhau để thoả mãn nhu cầu của mình nhưng họ không lựa chọn thực hiện hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội mà lựa chọn thực hiện hành vi gây thiệt hại, trái với đòi hỏi của xã hội thì họ bị coi là có lỗi đối với hành vi của mình.
Do đó, người thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Như vậy, lỗi chính là một trong những cơ sở của trách nhiệm hình sự. Hay nói cách khác chỉ được đặt ra đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và có lỗi. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà mình gây ra nếu họ có lỗi (cố ý hoặc vô ý) đối hành vi và hậu quả đó.
Bộ luật hình sự quy định, người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự quy định trường hợp sự kiện bất ngờ và người thực hiện hành vi gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ không phải chịu trách nhiệm hình sự xuất phát từ cơ sở không có lỗi của hành vi này. Trong trường hợp sự kiện bất ngờ, chủ thể không đủ điều kiện thấy trước (không thể thấy trước) hậu quả thiệt hại mà hành vi của họ đã gây ra hoặc không có nghĩa vụ phải thấy trước (không buộc phải thấy trước) hậu quả thiệt hại đó. Tức là chủ thể không có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội.
3. Vấn đề về lỗi trong việc bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông:
Căn cứ Điều 585, 587 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về vấn đề bồi thường khi có các thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông.
Theo đó, người gây ra tai nạn sẽ không phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho người bị hại trong những trường hợp dưới đây:
– Bên bị thiệt hại là người có lỗi trong việc gây tai nạn giao thông và có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản xảy ra thì người đó sẽ không nhận được tiền bồi thường do lỗi của bản thân gây ra.
– Bên bị thiệt hại không nhận được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không tuân thủ việc áp dụng các biện pháp cần thiết trong khả năng của mình để ngăn chặn, hạn chế tối thiểu thiệt hại cho chính mình.
– Nếu trong trường hợp cả 2 bên đều có lỗi thì người gây ra tai nạn không phải bồi thường phần thiệt hại thuộc về lỗi của người bị hại gây ra. Trách nhiệm bồi thường của mỗi bên được xác định tương ứng với mức độ lỗi của người đó; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Bộ luật Dân sự năm 2015.