Sự khác nhau giữa truy tố và khởi tố trong tố tụng hình sự. Ý nghĩa của khởi tố, truy tố trong tố tụng hình sự.
Truy tố và khởi tố là những hoạt động quan trọng trong quá trình thực hiện tố tụng hình sự. Các giai đoạn này có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình điều tra và xử lý tội phạm. Dưới đây là bài phân tích về sự khác nhau giữa truy tố và khởi tố trong tố tụng hình sự.
Mục lục bài viết
1. Sự khác nhau giữa truy tố và khởi tố trong tố tụng hình sự?
1.1. Về khái niệm:
– Khởi tố là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc khởi tố bị can khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm. Đây là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự.
– Truy tố là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó viện kiểm sát tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm đưa bị can ra trước toà án để xét xử hoặc ra những quyết định tố tụng khác để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Đây là giai đoạn thứ ba trong tố tụng hình sự, sau giai đoạn khởi tố và giai đoạn điều tra. Hay nói cách khác, truy tố được xem là hoạt động độc lập trong quá trình tố tụng của vụ án hình sự, giai đoạn này Viện kiểm sát sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết trong phạm vi thẩm quyền của mình để kiểm tra tính hợp pháp và căn cứ pháp lý của toàn bộ vụ án nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan, truy cứu đúng người đúng tội và đúng pháp luật.
1.2. Về thẩm quyền tiến hành:
– Khởi tố: Nếu chỉ có Viện kiểm sát mới có quyền truy tố bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, thì đối với việc khởi tố, thẩm quyền giải quyết thuộc về nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể như sau: Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; Hội đồng xét xử; Các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền khởi tố. Theo đó, khi tiến hành khởi tố, cơ quan tư pháp hình sự sẽ tiến hành điều tra và xác định các dấu hiệu của tội phạm trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không.
– Truy tố: Đối với việc truy tố một cá nhân có liên quan trong vụ án hình sự, Viện kiểm sát sẽ có thẩm quyền thực hiện công việc này. Về nguyên tắc, Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của
1.3. Về thời hạn ra quyết định:
– Đối với khởi tố: Thời hạn ra quyết định khởi tố là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trong trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trong trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
– Đối với truy tố: Thời hạn ra quyết định truy tố là 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
1.4. Kết quả thực hiện:
– Đối với khởi tố: Sau khi hoàn thành các công việc trong quá trình khởi tố, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể đưa ra các quyết định sau đây:
+ Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
+ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
+ Quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
– Đối với truy tố: Khi tiến hành truy tố, Viện kiểm sát có thể đưa ra một trong các quyết định sau:
+ Quyết định truy tố bị can trước
+ Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
+ Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Trên đây là những điểm khác biệt giữa khởi tố và truy tố trong vụ án hình sự. Có thể thấy, khởi tố và truy tố là hai giai đoạn độc lập trong quá trình tố tụng hình sự. Ở mỗi giai đoạn, cơ quan chuyên trách sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Song, chúng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình tố tụng hình sự được diễn ra một cách khách quan, đảm bảo xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội với hành vi vi phạm. Hơn hết, nó là một trong những công đoạn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Khởi tố, truy tố giúp hoạt động tố tụng, truy cứu trách nhiệm hình sự diễn ra nghiêm minh, không bỏ sót tội phạm. Có thể khẳng định, các giai đoạn này giúp hoạt động điều tra, xử lý tội phạm đạt được hiệu quả cao nhất. Công tác quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước đạt được kết quả tối ưu.
2. Ý nghĩa của khởi tố, truy tố trong tố tụng hình sự:
Khởi tố, truy tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự. Nó giúp quá trình điều tra, phát giác , xử lý tội phạm diễn ra quy củ và đạt được kết quả cao nhất. Xử lý đúng người đúng tội.
– Đối với quá trình khởi tố:
+ Khởi tố là quá trình điều tra, kiểm tra, xác minh các nguồn tin về tội phạm. Tại giai đoạn này, mọi công tác kiểm tra, xác minh thông tin đều phải được tiến hành một cách khẩn trương, nhanh chóng. Khởi tố là giai đoạn quan trọng, đầu tiên của tố tụng hình sự. Nó tránh việc bỏ sót chứng cứ, thông tin. Thông qua giai đoạn khởi tố, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thu thập đầy đủ chứng cứ, từ đó xác định tội phạm. Nó là cơ sở để đưa ra các quyết định sau cho quá trình tố tụng.
+ Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự. Về nguyên tắc, chưa khởi tố vụ án thì không được tiến hành các hoạt động điều tra, trừ một số hoạt động khác. Hoạt động điều tra chỉ được tiến hành sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khởi tố vụ án tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tố tụng tiếp theo.
– Đối với quá trình truy tố:
+ Truy tố là chức năng quan trọng của Viện kiểm sát nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan Điều tra có thẩm quyền đã áp dụng.
+ Trong quá trình truy tố, kiểm sát viên sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết trong phạm vi thẩm quyền của mình để kiểm tra tính hợp pháp và căn cứ pháp lý của toàn bộ vụ án nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan, truy cứu đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Do đó, nhờ quá trình này, những hậu quả tiêu cực, cũng như các sai lầm đã bị lọt trong giai đoạn trước đó sẽ được loại trừ; tránh bỏ lọt tội phạm và hàm oan những người vô tội;
+ Truy tố là một giai đoạn tố tụng hình sự quan trọng để cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi xét xử tại Tòa án.
Trên đây là những ý nghĩa, vai trò của giai đoạn khởi tố và truy tố trong tố tụng hình sự. Thông qua các giai đoạn này, quá trình điều tra, phát giác và xử lý tội phạm sẽ được thực hiện một cách đầy đủ và kín kẽ, tránh trường hợp bỏ sót tội phạm. Hơn hết, nó góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước văn minh, an toàn.