Súng là một trong những vũ khí gây nguy hiểm trong xã hội, vì thế Nhà nước đã quy định về vấn đề kiểm soát rất chặt chẽ. Vậy sử dụng súng không đúng mục đích bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Sử dụng súng không đúng mục đích bị xử phạt thế nào?
Điều 4 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về các nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, Điều này quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ bao gồm có:
– Phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng với thẩm quyền, đối tượng và bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
– Người quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định.
– Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ sẽ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình.
– Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng với quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường.
– Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng các vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận.
– Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ mà không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn về khả năng sử dụng phải được thu hồi, thanh lý hoặc tiêu hủy.
– Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và những loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ bị mất thì phải được kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
– Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi mà được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, một trong các nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đó chính là sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng với quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường. Mà vũ khí bao gồm có cả các loại súng mà pháp luật quy định. Như vậy, nguyên tắc sử dụng súng đó chính là phải bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng quy định. Nếu cá nhân/tổ chức sử dụng súng không đúng với mục đích thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng lại không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Theo đó, hành vi sử dụng súng không đúng mục đích sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Thêm nữa, khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định về mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (bao gồm cả Điều quy định về vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm) là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, khi đó thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, cá nhân có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, còn đối với tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung đó chính là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (súng sử dụng sai mục đích) và Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng, Giấy xác nhận đăng ký vũ khí (súng) từ 03 tháng đến 06 tháng.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích:
Người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau:
2.1. Tội vô ý làm chết người:
Căn cứ Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 tội vô ý làm chết người có các khung hình phạt sau:
– Khung 1: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích vô ý làm chết người.
– Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích vô ý làm chết 02 người trở lên.
2.2. Tội giết người:
Căn cứ Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội giết người có các khung hình phạt sau:
– Khung 1: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích để thực hiện hành vi giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Giết từ 02 người trở lên;
+ Giết người đang dưới 16 tuổi;
+ Giết phụ nữ mà biết là đang có thai;
+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của chính nạn nhân;
+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của chính mình;
+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện tiếp một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác;
+ Để lấy các bộ phận cơ thể của nạn nhân;
+ Để thực hiện tội phạm một cách man rợ;
+ Bằng cách lợi dụng về nghề nghiệp;
+ Bằng phương pháp mà có khả năng làm chết nhiều người;
+ Thuê giết người hoặc là giết người thuê;
+ Mang tính chất côn đồ;
+ Có tổ chức;
+ Có tái phạm nguy hiểm;
+ Vì do động cơ đê hèn.
– Khung 2: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, nếu người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích để thực hiện hành vi giết người không thuộc các trường hợp được quy định tại khung 1 vừa nêu trên.
2.3. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:
Căn cứ Điều 307 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có các khung hình phạt sau:
Khung 1: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây ra thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, nếu người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có làm chết 02 người;
– Gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Gây ra thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, nếu người có hành vi sử dụng súng không đúng mục đích gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Làm chết từ 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây ra thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.