Sử dụng nhưng không biết là chứng chỉ giả có phạm tội không? Xử lý hành vi sử dụng chứng chỉ giả.
Sử dụng nhưng không biết là chứng chỉ giả có phạm tội không? Xử lý hành vi sử dụng chứng chỉ giả.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi. Ban Tư vấn – Luật Dương Gia. Tôi gửi email này rất mong công ty Luật Dương Gia ban tư vấn cho tôi vụ việc sau: Năm 2012 tôi có làm bộ hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề: Thiết kế thông gió và điều hòa không khí trong lĩnh vực xây dựng thông qua một đơn vị dịch vụ thực hiện. Đến nay năm 2016 bộ công an phát hiện có người làm chứng chỉ hành nghề sử dụng thông tin cá nhân của tôi, nhưng hành nghề môi giới và kinh doanh bất động sản nên công an đã yêu cầu tôi lên làm việc và công an nghi ngờ chứng chỉ của tôi cũng là giả. Tôi chỉ sử dụng chứng chỉ này hỗ trợ hạng mục nhỏ trong đăng ký kinh doanh, chứng chỉ này chưa mang lại cho tôi thu nhập hoặc làm tổn thất đến cơ quan cá nhân nào. Vậy xin hỏi tôi là nạn nhân sử dụng chứng chỉ giả thì sẽ bị xử lý như thế nào theo luật. Trân trọng cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:
"1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.
Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ khác trong Điều 267 là sử dụng các con dấu, tài liệu, giấy tờ khác được tạo ra từ nguồn gốc không đúng thẩm quyền. Đối với hành vi sử dụng, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi sử dụng các đối tượng trên để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân, không cần xảy ra hậu quả.
Theo đó, việc bạn sử dụng chứng chỉ giả đó với mục đích lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức nếu đủ để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bạn sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, cần phải xác định chính xác thế nào là hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Một người chỉ bị coi là sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả khi người đó biết được đó là văn bằng, chứng chỉ giả hoặc bắt buộc phải biết văn bằng, chứng chỉ mà mình sử dụng là văn băng, chứng chỉ giả. Theo như các thông tin bạn cung cấp thì bạn có làm bộ hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề: Thiết kế thông gió và điều hòa không khí trong lĩnh vực xây dựng thông qua một đơn vị dịch vụ thực hiện. Trong trường hợp này, để được cấp chứng chỉ đó bạn phải trải qua quá trình học luyện, thi tuyển, nộp học phí … nên bạn bắt buộc phải biết chứng chỉ mà mình sử dụng là văn bằng giả hay thật. Như vậy, hành vi của bạn là hành vi sử dụng chứng chỉ giả nên bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.