Sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh. Quy định về nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân.
Sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh. Quy định về nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Tôi có vấn đề này cần tư vấn của luật sư. Năm 2010 tôi có đăng ký hộ kinh doanh sắt thép ở Thạch Thất Hà Nội, tuy nhiên sau khi nộp thuế môn bài thì cũng không đi vào hoạt động. Đến nay tôi có vào Gia Lai mở trại chăn nuôi gia công cho công ty CP. Khi ký hợp đồng tôi đứng tên cá nhân tôi. Nhưng bên công ty nói là tra cứu thông tin thì thấy tôi có đăng ký kinh doanh thì yêu cầu tôi phải xuất hoá đơn. Mà đăng ký kinh doanh sắt thép, lại ở hà nội làm sao xuất hoá đơn cho chăn nuôi ở gia lai được. Công ty CP yêu cầu một là viết hoá đơn, hai là giải thể hộ kinh doanh thì mới chuyển trả tiền thu nhập do chăn nuôi. Trong khi đó Công văn 5055/TCT-TNCN và Công văn 3910/TCT-TNCN nói hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia công thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và miễn thuế TNCN, do không chịu thuế GTGT nên cơ quan thuế cũng không cấp hoá đơn, mà có cấp cho hoá đơn cũng không có ngành nghề trong đăng ký kinh doanh. Vậy xin luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế giá trị gia tăng quy định:
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng nuôi heo với Công ty B theo hình thức nhận tiền công từ Công ty B hoặc bán lại sản phẩm cho Công ty B thì tiền công nuôi heo nhận từ Công ty B và sản phẩm heo bán cho Công ty B thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trường hợp Công ty B bán ra hoặc đưa vào chế biến để bán ra thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định.”
Theo quy định Công văn 5055/TCT-TNCN nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng như sau:
"1. Về nghĩa vụ thuế GTGT và TNCN:
– Tại Điểm 1, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi Khoản 1, Điều 4,Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:
“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng nuôi heo với Công ty B theo hình thức Công ty B giao cho Công ty A con giống, thức ăn, thuốc thú y, Công ty A giao, bán cho Công ty B sản phẩm heo thì tiền công nuôi heo nhận từ Công ty B và sản phẩm heo Công ty A giao, bán cho Công ty B thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Sản phẩm heo Công ty B nhận lại từ Công ty A: nếu Công ty B bán ra heo (nguyên con) hoặc thịt heo tươi sống thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nếu Công ty B đưa heo vào chế biến thành sản phẩm như xúc xích, thịt hun khói, giò hoặc thành các sản phẩm chế biến khác thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định.”
Như vậy việc bạn chăn nuôi gia công cho công ty CP đó thuộc trường hợp sản phẩm chăn nuôi nên không phải chịu thuế GTGT. Do đó, không có hóa đơn GTGT cho sản phẩm chăn nuôi này, và bạn không có hóa đơn để xuất cho công ty đó.
Còn việc bạn đã đăng ký kinh doanh hộ gia đình tại Hà nội và không hoạt động kinh doanh nên không liên quan đến việc chăn nuôi gia công. Trang trại chăn nuôi ở Gia Lai không phải là doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh thì bên công ty cổ phần không có quyền yếu cầu bạn giải thể hộ kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP như sau:
"Điều 67. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký của hộ kinh doanh
1. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này.
2. Cá nhân, hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
3. Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Theo quy định tại Điều 183 Luật doanh nghiệp năm 2014 như sau:
"Điều 183. Doanh nghiệp tư nhân
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh."
Nếu bên công ty không chuyển trả tiền thu nhập do kinh doanh theo hợp đồng giữa hai bên đã kí kết thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nơi có trụ sở của công ty CP đó để được giải quyết.