Các hành vi bất hợp pháp bị cấm và xử lý nghiêm khắc bởi pháp luật do xâm phạm và ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà nước hoặc quyền lợi của chủ thể khác trong xã hội. Vậy sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là gì? Và mức xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì việc sử dụng hóa đơn/chứng từ thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ được xác định là hành vi sử dụng hóa đơn/chứng từ bất hợp pháp. Bao gồm 07 hành vi như sau:
(1) Sử dụng hóa đơn/chứng từ giả;
(2) Sử dụng hóa đơn/chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn/chứng từ hết giá trị sử dụng;
(3) Hóa đơn đã bị ngưng sử dụng trong khoảng thời gian bị cưỡng chế bằng các biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, ngoại trừ trường hợp được phép sử dụng hóa đơn đỏ theo thông báo bằng văn bản của Cơ quan thuế;
(4) Hóa đơn điện tử không thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng với các cơ quan thuế;
(5) Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng các loại hóa đơn điện tử bắt buộc phải có mã của cơ quan thuế;
(6) Hóa đơn mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký trước đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(7) Hóa đơn/chứng từ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có ngày lập ghi nhận trên hóa đơn/chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa điểm/chi nhánh đã đăng ký trước đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc chưa có thông báo với cơ quan thuế về việc lập hóa đơn/chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuy nhiên cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác đã đưa ra kết luận đó là loại hóa đơn/chứng từ không hợp pháp.
2. Mức xử phạt hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp bao gồm những hành vi được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP như phân tích nêu trên. Ngoại trừ các trường hợp được quy định cụ thể tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, bao gồm các hành vi:
– Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp với mục đích để hạch toán giá trị các loại hàng hóa và dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp/làm tăng số tiền thuế được hoàn/tăng số tiền thuế được miễn/tăng số tiền thuế được giảm, tuy nhiên khi cơ quan thuế thanh tra kiểm tra phát hiện, người mua đã chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn/chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng, đồng thời người mua đã thực hiện chế độ hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật;
– Sử dụng các loại hóa đơn không hợp pháp, có hành vi sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn với mục đích để kê khai làm giảm số tiền thuế còn phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn/tăng số tiền thuế được giảm/tăng số tiền thuế được miễn.
Ngoài ra, hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là bắt buộc phải hủy hóa đơn đã sử dụng căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trong trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền sẽ được xác định bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm, tối đa trong trường hợp này là 100.000.000 đồng.
3. Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn/chứng từ. Theo đó bao gồm:
– Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn/chứng từ đối với công chức thuế bao gồm:
+ Có hành vi gây phiền hà, nhiều sách, gây khó khăn cho các tổ chức và cá nhân điển mua hóa đơn/chứng từ.,
+ Có hành vi bao che hoặc thông đồng cho các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn/chứng từ không hợp pháp;
+ Có hành vi nhận hối lộ trong quá trình thanh tra kiểm tra các quy định về hóa đơn/chứng từ dưới bất kỳ hình thức nào.
– Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn chứng từ đối với các tổ chức và cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, các tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan bao gồm:
+ Thực hiện hành vi gian dối, sử dụng các loại hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn/chứng từ;
+ Có hành vi cản trở công chức thuế trong quá trình thi hành chức năng và công vụ, cảm trò gây tổn hại đến sức khỏe hoặc danh dự nhân phẩm của công chức thuế đang trong quá trình thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực hóa đơn/chứng từ;
+ Có hành vi truy cập trái phép, làm sai lệch thông tin, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn/chứng từ;
+ Có hành vi đưa hối lộ, thực hiện các hành vi khác liên quan tới hóa đơn, chứng từ nhằm mục đích tư lợi cá nhân.
Đồng thời, pháp luật hiện nay còn quy định cụ thể về vấn đề bảo quản và lưu trữ hóa đơn, chứng từ tại Điều 6 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Hóa đơn/chứng từ cần được bảo quản và lưu trữ theo đúng quy định của pháp luật, trong quá trình bảo quản và lưu giữ hóa đơn, chứng từ cần phải đảm bảo tính an toàn, bảo mật, đầy đủ, toàn vẹn, không bị thay đổi, sai là trong suốt quá trình lưu giữ, đồng thời cần phải lưu giữ hóa đơn/chứng từ theo đúng quy định của pháp luật, lưu giữ đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán;
– Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử cần phải được bảo quản và lưu giữ bằng các phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật. Các cơ quan tổ chức và cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu giữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử sao cho phù hợp với đặc điểm hoạt động và khả năng ứng dụng học công nghệ thông tin của doanh nghiệp mình. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử bắt buộc phải sẵn sàng được in ra giấy/có thể tra cứu được trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ đặt in, tự in trong quá trình bảo quản/lưu trữ cần phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật. Bao gồm: Hóa đơn/chứng từ chưa lập sẽ được lưu giữ và bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ bảo quản đối với các loại chứng từ có giá, hóa đơn/chứng từ đã lập trong các đơn vị kế toán sẽ được lưu trữ và bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với chứng từ kế toán, hóa đơn/chứng từ đã lập cho các tổ chức và cá nhân không phải là đơn vị kế toán sẽ được lưu trữ và bảo quản giống như tài sản riêng của các tổ chức và cá nhân đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
– Công văn 928/TCT-PC của Tổng cục Thuế về việc báo cáo rà soát, đánh giá 03 năm thi hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
– Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định miễn, giảm thuế.
THAM KHẢO THÊM: