Sự đối lập của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình làng chài là một chi tiết đắt giá và đầy ý nghĩa của tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Dưới đây là bài nghị luận về sự đối lập chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình làng chài. Xin mời bạn đọc đón xem.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý nghị luận về sự đối lập chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình:
* Mở đầu: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận:
* Nội dung:
Phân tích sự tương phản, đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực của gia đình làng chài.
– Vẻ đẹp của con thuyền khi nhìn từ xa:
+ Điểm nhìn: từ xa, trong làn sương mù mờ ảo.
+ “Vẻ đẹp của cái đẹp tuyệt đỉnh”, cảnh đẹp nên thơ, đầy thi vị. Tâm hồn người nghệ sĩ tinh tế và nhạy cảm. Nghệ thuật chính là sự đơn giản và tự nhiên.
+ Hình ảnh con thuyền giúp nhân vật Phùng nhận ra rằng “vẻ đẹp là chính đạo đức” giúp cho tâm hồn con người trở nên thánh thiện.
– Cảnh tượng bạo lực của gia đình làng chài khi thuyền cập bến:
+ Điểm nhìn: Con thuyền đâm thẳng ngay trước mặt Phùng, gần và rõ ràng.
+ Hình ảnh: Người đàn bà: cao lớn, khuôn mặt mệt mỏi, áo bạc phếch và rách rưới; Một người đàn ông với tấm lưng cong rộng, mái tóc tổ quạ, đôi lông mày rám nắng và đôi mắt đầy vẻ độc dữ.
→ Những hình ảnh trần trụi, gai góc của cuộc sống.
+ Hành động: người chồng đánh vợ một cách hung hãn, người vợ thì nhẫn nhịn cam chịu; đứa con giằng lấy thắt lưng, quật lại bố để bảo vệ mẹ.
→ Cảnh tượng ấy giống như một vở kịch câm, đầy nghịch lý của hiện thực.
* Kết luận:
Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: có những khoảng trống và mâu thuẫn, người nghệ sĩ phải có tầm nhìn toàn diện.
2. Nghị luận về sự đối lập chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hay nhất:
Khi nhắc đến Nguyễn Minh Châu là ta nói đến một nhà văn hiện thực tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Nguyễn Minh Châu đã từng khoác trên mình bộ áo lính trước những năm 1975 và cho đến khi hòa bình lập lại, ông luôn mang trong mình những cảm hứng thế sự từ cuộc sống, về con người và những triết lý nhân văn vô cùng sâu sắc. Những giá trị ấy đã được thể hiện trực tiếp trong những truyện ngắn tiêu biểu của ông thường như “Mảnh trăng cuối rừng”, “Bến quê”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”. Đặc biệt trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác giả đã thể hiện sự tương phản giữa vẻ đẹp của hình ảnh con thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình của gia đình người làng chài.
Được viết sau năm 1975 và xuất bản trong tuyển tập truyện “Bến Quê”, “Chiếc thuyền ngoài xa” có thể nói là truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu, mang đầy đủ yếu tố truyện và triết lý, nghệ thuật. Truyện kể về nhân vật Phùng, một nhiếp ảnh gia tài năng, có ước mơ là chụp được một bức ảnh biển thật ưng ý vào tháng 7 để in cho bộ lịch năm sau. Bằng ngôn ngữ giản dị, xoay quanh một nhiếp ảnh gia và những suy ngẫm sâu sắc về chuyến tham quan vùng ven biển của một phố huyện nghèo, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng câu chuyện rất khéo léo xoay quanh sự tương phản giữa con thuyền ở ngoài xa và hình ảnh bạo lực gia đình của gia đình làng chài. Hình ảnh chiếc thuyền xa xa nhìn qua đôi mắt của Phùng trông thật đẹp và thơ mộng. “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Bức tranh hoàn hảo đến mức nhân vật Phùng phải thốt lên kinh ngạc trước sự đơn giản và hoàn hảo được mệnh danh là “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Đứng trước cảnh đẹp ấy, Phùng có vẻ bối rối nhưng với trái tim và khối óc của một nghệ sĩ, anh “bấm liên thanh một hồi” thu vào chiếc máy ảnh Pratica của mình, để nhanh chóng ghi lại vẻ đẹp “tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” mà không một nghệ sĩ nào có thể dễ dàng nắm bắt được.
Sau khi chụp được 1/4 bộ phim, anh vui mừng đến mức thấy như thắt lại trong tim vậy. Anh cảm thấy tâm hồn mình được thay đổi, anh cảm thấy vẻ đẹp của một bức tranh hoàn hảo, tuyệt mỹ đã tìm thấy và gột rửa anh. Đứng trước cảnh đẹp, người nghệ sĩ dường như choáng váng, chỉ biết trầm trồ trước vẻ đẹp đó. Nhận thấy vẻ đẹp độc đáo như vậy, Phùng khẳng định bức tranh chắc chắn sẽ xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là trong những gia đình yêu nghệ thuật. Hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” trở thành một tác phẩm cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng, mọi thứ từ đường nét bố cục cho đến màu sắc đều đạt đến độ hoàn hảo. Một vẻ đẹp hiếm có khó tìm nhưng Phùng đã bắt được, cảm giác được khiến anh cảm thấy hài lòng trong chuyến đi thực tế lần này. Có thể nói, hình ảnh con thuyền ngoài xa là ẩn dụ cho đỉnh cao của nghệ thuật, vẻ đẹp mà người nghệ sĩ nào cũng muốn theo đuổi. Hình ảnh con thuyền ngoài xa còn là biểu tượng cho cảm xúc của người nghệ sĩ, sự hoàn thiện của tâm hồn con người trước cái đẹp.
Nếu cảnh chiếc thuyền lúc ẩn lúc hiện trong làn sương sớm đẹp bao nhiêu thì khung cảnh khi chiếc thuyền cập bến lại u ám bấy nhiêu. Hình ảnh một người đàn bà làng chài bước ra với “khuôn mặt rỗ chằng chịt, mệt mỏi sau một đêm trắng thức kéo lưới, nửa thân dưới thì ướt sũng”. Người đàn ông đi theo sau, ánh mắt dán chặt vào tấm lưng áo bạc phếch của người đàn bà. Cảnh bạo lực gia đình lên đến đỉnh điểm khi nhân vật chính Phùng nhìn thấy người đàn ông cầm lấy thắt lưng da của Quân Ngụy mà đánh người phụ nữ tới tấp, hắn vừa đánh vừa nghiến răng chửi rủa người đàn bà:“mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Thằng bé Phác thấy mẹ bị đánh như vậy liền chạy đến, đẩy người đàn ông ngã xuống nhưng cũng bị người đàn ông tát cho hai phát, người đàn bà chỉ biết khóc và quay trở lại thuyền.
Câu chuyện bạo lực cứ tiếp tục xảy ra “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, người đàn bà vì mười đứa con cũng phải hứng chịu sự hành hạ dã man, khủng khiếp của người đàn ông. Âu cũng bởi miếng cơm manh áo, con thuyền là nơi ở, là kế sinh nhai duy nhất của gia đình, con thuyền này cần một người đàn ông chống chọi với giông bão, con cái cũng cần một người cha. Vì vậy mà người đàn bà ấy đành phải cúi đầu nói với Phùng và Đẩu tại phiên tòa, nghe mà đau lòng rằng:“thưa quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được đừng bắt con bỏ nó”.
Cảnh tượng bạo lực gia đình chính là ẩn dụ cho số phận, những khó khăn, nghịch lý của xã hội. Số phận của những con người khốn khổ, không biết cách như thế nào để thoát khỏi cảnh nghèo đói và đông con. Khó khăn luôn vây quanh họ. Bạo lực gia đình và những trận đòn roi không bao giờ kết thúc. Sự tương phản, đối lập giữa hình ảnh con thuyền và bạo lực gia đình. Những chi tiết này bộc lộ hai sự đối lập hoàn toàn trái ngược nhau. Nhìn từ xa, con thuyền tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn hảo của bức tranh, vẻ đẹp thiên nhiên nhưng nhìn gần lại là cảnh tượng hiện thực đau đớn, khắc nghiệt của số phận con người.
Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa chính là chủ ý nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu nhằm thể hiện sự đối lập này. Cuộc sống sinh ra cái đẹp, sinh ra nghệ thuật, nhưng không phải lúc nào cũng là nghệ thuật, nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống. Người nghệ sĩ không chỉ là người có thể tiếp nhận cái đẹp, chiêm ngưỡng và nắm bắt nghệ thuật mà còn là người phải đi sâu vào hiện thực, thấu hiểu số phận con người và đồng cảm với nó. Thông qua nhân vật Phùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng một tình huống trần thuật nhận thức bằng tài năng và tính nhân văn để truyền tải triết lý nhân văn, mối quan hệ của người nghệ sĩ với cái đẹp và cuộc sống. Nhân vật Phùng là hình ảnh thu nhỏ cho nhà văn và cảm hứng nhân đạo sau năm 1975. Lối viết có tính tự sự cao, hình ảnh trần thuật tương phản, các chi tiết ẩn dụ mang nhiều hàm ý sâu sắc. Ngôn ngữ truyện đơn giản, tình tiết truyện thú vị.
Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc hiểu rõ sự tương phản trong các chi tiết của câu chuyện. Từ đó ta thấy được mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống. Một tác phẩm hay không chỉ là tác phẩm có giá trị nhân văn của người viết mà nó còn phải phản ánh hiện thực của cuộc sống.
3. Nghị luận về sự đối lập chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình ngắn gọn:
Nguyễn Minh Châu là tác giả đi đầu trong việc mở đường cho văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tác phẩm của ông được viết bằng ngòi bút sử thi, chất trữ tình lãng mạn và cảm hứng thế sự cùng với những vấn đề sâu sắc về đạo đức và triết lý nhân văn. Trung tâm của những khám phá nghệ thuật này chính là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Tác phẩm đã tạo nên tiếng vang và thành công về nhiều mặt, đặc biệt là về mặt nghệ thuật, khi tạo ra một tình huống tương phản giữa vẻ đẹp của con thuyền ngoài xa và cảnh tượng bạo lực của gia đình làng chài.
Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa với điểm nhìn từ đằng xa trong làn sương mờ ảo hiện lên như một bức tranh hoàn mỹ của người nghệ sĩ tài hoa. Bằng con mắt tinh tường của dân chuyên nghiệp, Phùng đã tìm ra một vẻ đẹp thiên đường “trời cho” trên mặt biển đầy sương mù, vẻ đẹp mà cả cuộc đời chụp ảnh bấm máy anh chỉ nhìn thấy được có một lần: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ, lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích.” Và đối với người nghệ sĩ, cảnh tượng này hàm chứa “chân lý của sự hoàn thiện”, đánh thức cảm xúc thẩm mỹ trong Phùng, khiến tâm hồn của bản thân anh được gột rửa và thanh lọc. Đây là thơ ca, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống, còn là biểu tượng của nghệ thuật.
Thế nhưng, khi chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ Phùng đứng, trở nên gần và rõ nét hơn, từ trong chiếc thuyền đánh cá trong mơ bước ra một người phụ nữ xấu xí, mệt mỏi và đầy cam chịu; khuôn mặt mệt mỏi, mặc chiếc áo tấm lưng đã bạc màu, rách rưới. Bước theo sau người đàn bà là một người đàn ông thô kệch với tấm lưng rộng và cong, mái tóc tổ quạ, lông mày rám nắng, đôi mắt đầy vẻ độc dữ. Người đàn ông đánh vợ dã man, đứa con thương mẹ và chống lại cha. Đây chính là hình ảnh đằng sau vẻ đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà Phùng vừa gặp trên biển. Nó xuất hiện bất ngờ khiến Phùng “bối rối” và không thể tin vào mắt mình. “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu …. vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới”. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của sự gian khổ, khó khăn, là hiện thực của cuộc sống. Đây chính là sự đối lập giữa cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, giữa bản chất bên ngoài và bên trong của hiện thực cuộc sống.
Sự tương phản của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình đã thể hiện sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng về nghệ thuật và cuộc sống cùng sự quan tâm của Nguyễn Minh Châu đối với cuộc sống và con người. Từ đó, tác giả đã đưa ra nhận định: cuộc sống chứa đựng nhiều nghịch lý, mâu thuẫn; con người và cuộc sống không thể đánh giá qua vẻ bề ngoài, mà phải đào sâu hơn và tìm ra, phát hiện bản chất bên trong.