Truyện “Ếch ngồi đáy giếng” ngụ ý phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà huênh hoang, khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả bài soạn tác phẩm Ếch ngồi đáy giếng.
Mục lục bài viết
1. Soạn bài Ếch ngồi đáy giếng:
1.1. Chuẩn bị:
Câu 1 (trang 4, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Truyện kể về những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK.
Lời giải chi tiết:
– Truyện kể về các nhân vật nhái, cua, ốc, ếch, trâu.
– Ếch là nhân vật chính.
Câu 2 (trang 4, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Bối cảnh của truyện có gì độc đáo?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK.
Lời giải chi tiết:
Bối cảnh của truyện độc đáo vì nó diễn ra trong một cái giếng cạn với các loài sinh vật bé nhỏ.
Câu 3 (trang 4, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Truyện nêu lên được bài học gì? Bài học ấy có liên quan như thế nào đến cuộc sống hiện nay và với bản thân em?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK.
Lời giải chi tiết:
Truyện nêu lên bài học về đức tính khiêm nhường và vai trò của sự học hỏi trau dồi nhằm mở mang kiến thức, tầm nhìn. Trong cuộc sống, chúng ta cần ý thức rõ vị trí của bản thân, phải biết mình đang đứng ở đâu và không ngừng cố gắng học hỏi để trở nên giỏi hơn nữa; không được kiêu căng tự mãn bởi ngoài kia còn có rất nhiều người giỏi hơn ta.
Câu 4 (trang 4, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Đọc trước truyện Ếch ngồi đáy giếng. Hãy nhớ lại một số truyện ngụ ngôn đã học ở Tiểu học và tìm hiểu thêm các nguồn khác nhau (sách, báo, Internet,…), ghi chép lại những thông tin về truyện ngụ ngôn (đặc điểm thể loại, để tài, nhân vật,…) và một số tác giả truyện ngụ ngôn nổi tiếng
Phương pháp giải:
Nhớ lại một số truyện ngụ ngôn đã học.
Lời giải chi tiết:
Một số truyện ngụ ngôn đã học: Thầy bói xem voi, Chèo bẻo và ác là, Mèo ăn chay,…
1.2. Đọc hiểu:
(trang 5, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Kết thúc truyện như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK.
Lời giải chi tiết:
Kết thúc truyện, ếch bị một con trâu giẫm bẹp.
1.3. Câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 5, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Nhân vật chính trong truyện có tính cách như thế nào? Hãy nêu ra một số chi tiết trong truyện giúp em hiểu về tính cách của nhân vật ấy.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK
Lời giải chi tiết:
– Nhân vật chính trong truyện có tính tình kiêu căng, ngạo mạn, ngông cuồng, coi thường loài thú và tự coi mình là một vị chúa tể
– Một số chi tiết trong truyện giúp em biết được tính tình của nhân vật chính là:
+ Mỗi ngày, nó cất tiếng kêu ộp làm rung chuyển cả mặt đất, làm những con vật khác vô cùng sợ hãi.
+ Ếch cứ tưởng bầu trời chỉ nhỏ như chiếc vung.
+ Nó oai như một vị chúa tể.
Câu 2 (trang 5, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Bối cảnh câu chuyện trong văn bản Ếch ngồi đáy giếng đã giúp nhân vật bộc lộ tính cách và làm nổi bật ý nghĩa của truyện như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK, xác định bối cảnh câu chuyện, từ đó nêu lên tính cách nhân vật, đồng thời điều đó làm nổi bật ý nghĩa của truyện như thế nào
Lời giải chi tiết:
– Bối cảnh câu chuyện xoay quanh hành động và suy nghĩ của ếch khi sinh sống ở dưới giếng và khi ra ngoài giếng. Trong chiếc giếng kia, tất cả những loài vật nhỏ bé yếu ớt như cá, cua, tôm, riêng mình ếch có tiếng kêu vang lớn nhất nên nó rất ngạo mạn kiêu căng, tưởng mình là một vị chúa tể.
– Bối cảnh câu chuyện đã giúp nhân vật thể hiện tính ngạo mạn, kiêu căng, coi thường loài vật và có suy nghĩ nông cạn, cái nhìn hạn hẹp, không chịu mở mang kiến thức của bản thân. Từ đó, làm rõ nội dung của tác phẩm là phê phán những người hiểu biết có hạn mà kiêu ngạo, tự mãn; mặt khác, khuyên mọi người hãy cố gắng mở rộng tầm kiến thức của bản thân, không nên tự mãn, kiêu căng.
Câu 3 (trang 5, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Nhan đề Ếch ngồi đáy giếng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của văn bản?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK.
Lời giải chi tiết:
Nhan đề Ếch ngồi đáy giếng góp phần làm nổi bật nội dung của tác phẩm: lên án những người kém học thức, tầm nhìn hạn hẹp nhưng vẫn kiêu ngạo, mặt khác, khuyên nhủ mọi người đều phải biết khiêm nhường, học tập nhằm nâng cao hiểu biết của mình.
Câu 4 (trang 5, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Mỗi truyện ngụ ngôn có thể đem tới nhiều bài học, em hãy nêu lên những bài học có thể rút ra từ câu chuyện này. Theo em, đâu là bài học chính của câu chuyện?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK, đặc biệt kết thúc truyện
Lời giải chi tiết:
– Có thể rút ra các kinh nghiệm sau:
+ Không được chủ quan, kiêu ngạo, xem thường các đối tượng lân cận. Sự kém hiểu biết cộng với tính kiêu ngạo, tự mãn không những gây rạn nứt các mối quan hệ tốt và có thể dẫn đến thất bại đối với bản thân, thậm chí có khi phải trả giá bằng chính sinh mạng.
+ Nếu không hiểu biết cặn kẽ, tường tận về một sự vật, hiện tượng hay một vấn đề nào đó thì không nên đưa ra các nhận định chủ quan, cảm tính.
+ Thế giới vốn dĩ vô cùng đa dạng, rộng lớn và có vô vàn bí mật mà cho dù cả đời người cũng không bao giờ tìm tòi, khai phá nổi hết. Do đó, muốn mở rộng vốn kiến thức của bản thân, chúng ta cần trau dồi, học tập không ngừng nghỉ.
– Bài học cốt lõi của câu chuyện là nhắc nhở mọi người không nên chủ quan, kiêu ngạo, xem thường người khác, bảo thủ, tư duy thiển cận, không chịu mở cửa sổ, nâng cao nhận thức của bản thân.
Câu 5 (trang 5, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Trong cuộc sống, có nhiều hiện tượng tương tự truyện Ếch ngồi đáy giếng. Em hãy nêu lên một câu chuyện như thế.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK.
Lời giải chi tiết:
Trong xã hội, có nhiều hiện tượng tương tự truyện Ếch ngồi đáy giếng, chẳng hạn như mấy ông thầy bói trong truyện Thầy bói xem voi, họ cố chấp không chịu tiếp nhận tri thức mới, chỉ vì một cái nhìn thiển cận nên cứ khư khư nghĩ mình là đúng, là hay chứ không quan tâm người khác nghĩ sao, có ý kiến ra làm sao.
Câu 6 (trang 5, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) nêu lên bài học cho bản thân mình từ câu chuyện trên, trong đoạn văn có sử dụng thành ngữ ếch ngồi đáy giếng.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản trong SGK.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện Ếch ngồi đáy giếng đã để lại cho tôi nhiều bài học về cách cư xử và việc phải cố gắng không ngừng để tiến bước trong cuộc sống. Đầu tiên, hình tượng chú ếch ngạo mạn đã nhắc nhở tôi về việc phải không ngừng nỗ lực để mở rộng tầm nhìn, tầm kiến thức đồng thời tôn trọng mọi người chung quanh. Chúng ta nên đi nhiều hơn, học nhiều hơn để có thêm kinh nghiệm, vốn sống, thay đổi cách nhìn về mọi chuyện và dẹp bỏ thói kiêu căng tự mãn, học cách yêu khiêm nhường trước người xung quanh.
2. Khái quát tác phẩm Ếch ngồi đáy giếng:
2.1. Tìm hiểu chung:
* Tóm tắt:
Một con ếch sống trong giếng lâu ngày. Nó cứ nghĩ mình là chúa tể, còn bầu trời chỉ là chiếc vung. Khi mưa to, nước dềnh đưa ếch ra ngoài. Quen thói huênh hoang, ếch bị một con trâu giẫm bẹp.
* Bố cục: 2 đoạn
– Đoạn 1 (Từ đầu … đến “như một vị chúa tể“): Kể chuyện ếch khi ở trong giếng.
– Đoạn 2 (Phần còn lại): Kể truyện ếch khi ra khỏi giếng.
* Thể loại: truyện ngụ ngôn
2.2. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
* Giá trị nội dung:
Từ câu chuyện phê phán lối nhìn nhận thế giới bên ngoài chỉ thông qua cái giếng nhỏ của chú ếch, truyện “Ếch ngồi đáy giếng” ngụ ý phê phán những người hiểu biết hạn hẹp mà lại kiêu ngạo, khuyên người đọc hãy cố mở rộng tầm hiểu biết của bản thân, không nên chủ quan, tự mãn.
* Giá trị nghệ thuật:
– Xây dựng hình ảnh thân quen, gần gũi.
– Mượn chuyện con vật mà ẩn dụ, kín đáo chuyện nhân sinh.
– Một cách nói ẩn dụ, bài học giáo huấn được gợi lên một cách sinh động.
– Câu chuyện bất ngờ, vui nhộn, hài hước.
3. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Ếch ngồi đáy giếng:
* Ếch khi ở trong giếng:
– Hoàn cảnh sống chật hẹp, hạn hẹp: trong một cái giếng, xung quang chỉ có mấy con nhái, cua, ốc nhỏ
– Ếch tưởng trời nhỏ như chiếc vung và mình là một vị chúa tể
→ Thiếu hiểu biết, kiến thức hạn hẹp, nông cạn nhưng vẫn tự mãn, kiêu căng
* Ếch khi ra khỏi giếng:
– Môi trường tự nhiên thay đổi sau một trận mưa lớn: rộng lớn, nhiều thứ lạ
– Thái độ của ếch: nhâng nháo, không thèm đế ý đến chung quanh, cứ đi khắp nơi và lớn tiếng kêu to
– Kết quả: ếch bị một con trâu ngang qua dẫm chết
→ Chủ quan, kiêu ngạo sẽ phải trả giá rất đắt
* Bài học rút ra:
– Môi trường nhỏ bé, eo hẹp sẽ hạn chế tầm iểu biết. Khi sống lâu dài ở môi trường ấy, không mở rộng tầm hiểu biết trở nên nông cạn.
– Sự tự mãn, chủ quan sẽ phải trả giá.
– Phải cố mở mang kiến thức, tầm nhìn.
– Khi thay đổi môi trường sống cần bình tĩnh, khiêm nhường để thích ứng.