Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rất rõ các quy trình từng cấp xét xử, cụ thể bao gồm Sơ thẩm, Phúc thẩm, Giám đốc thẩm, Tái thẩm. Vậy cụ thể các giai đoạn đó là gì và được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Sơ thẩm trong tố tụng hình sự:
Sơ thẩm (xét xử sơ thẩm) trong tố tụng hình sự được hiểu là một giai đoạn của tố tụng hình sự, khi đó Tòa án có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, giải quyết vụ án và đưa ra được bản án, quyết định tố tụng hình sự theo luật định.
Thực tế có thế thấy xét xử sơ thẩm là giai đoạn xét xử lần đầu.
Trình tự xét xử sơ thẩm vụ án hình sự như sau:
Bước 1: Giai đoạn chuẩn bị xét xử:
– Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án.
– Thời hạn của giai đoạn chuẩn bị xét xử được quy định như sau:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: thời hạn 30 ngày.
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng: thời hạn 45 ngày.
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng: thời hạn 2 tháng.
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: thời hạn 3 tháng.
Thời hạn này tính từ ngày thụ lý vụ án. Khi đó, phía Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau:
+ Đưa vụ án ra xét xử.
+ Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.
+ Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Lưu ý: với những vụ án phức tạp có thể gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử như sau:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng: không quá 15 ngày.
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: không quá 30 ngày.
Bước 2: Thủ tục bắt đầu phiên tòa:
– Chuẩn bị khai mạc phiên tòa.
– Khai mạc phiên tòa.
Bước 3: Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa.
– Công bố bản cáo trạng.
– Trình tự xét hỏi.
– Công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố.
– Hỏi bị cáo.
– Hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
– Hỏi người làm chứng.
– Xem xét vật chứng.
– Kết thúc việc xét hỏi.
– Luận tội của Kiểm sát viên.
– Tranh luận tại phiên tòa.
– Bị cáo nói lời sau cùng.
Bước 4: Nghị án và tuyên án.
Thành phần của Hội đồng xét xử bao gồm: một Thẩm phán và hai Hội thẩm.
Với những vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì Hội đồng xét xử sơ thẩm bao gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Với những vụ án, bị cáo bị đề nghị mức tù cao nhất của khung hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự thì Hội đồng xét xử sơ thẩm bao gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
(căn cứ khoản 1 Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự).
2. Phúc thẩm trong tố tụng hình sự:
Căn cứ khoản 1 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, phúc thẩm được hiểu là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Những đối tượng sau đây sẽ được quyền kháng cáo:
– Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
– Đối với người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người bào chữa của họ có quyền kháng cáo.
– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
– Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Thẩm quyền xét xử phúc thẩm:
Căn cứ Điều 344 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền xé xử phúc thẩm bao gồm:
– Xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị: thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
– Xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị: thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao.
– Xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị: thẩm quyền của Tòa án quân sự cấp quân khu.
– Xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị: thẩm quyền của Tòa án quân sự trung ương.
3. Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự:
Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021, giám đốc thẩm được hiểu là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Đối tượng có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bao gồm:
– Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết: thẩm quyền thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực: thẩm quyền thuộc về Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.
– Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ: thẩm quyền thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
– Đối với trường hợp kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án: thời hạn khánh nghị là 01 năm tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
– Đối với trường hợp kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án: thời hạn kháng nghị bất kể lúc nào.
– Đối với trường hợp kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự: thực hiện theo thủ tục quy định về tố tụng dân sự.
4. Tái thẩm trong tố tụng hình sự:
Tái thẩm trong tố tụng hình sự được hiểu là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị khi có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó (căn cứ Điều 397 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).
Để thực hiện thủ tục tái thẩm cần phải có các căn cứ sau đây:
– Khi có tình tiết mới Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được dẫn đến việc kết luận không đúng và dẫn đến việc bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
– Căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.
– Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án do những tình tiết khác của vụ án không đúng.
– Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án phát hiện bị làm giả hoặc không đúng sự thật.
Đối tượng có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm:
– Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ: thẩm quyền thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
– Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực: thẩm quyền thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Thời hạn kháng nghị không quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện đối với trường hợp không có lợi cho người bị kết án.
Đối với trường hợp kháng nghị mà có lợi cho người bị kết án thì thời hạn kháng nghị sẽ không hạn chế.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015 số
– Bộ luật hình sự 2015 số