Hiện nay, nhận hối lộ là một trong những loại hình tội phạm rất phổ biến, đây cũng được coi là vấn nạn trong xã hội. Tội phạm nhận hối lộ thể hiện ngày càng tinh vi khiến cho quá trình điều tra của cơ quan chức năng trở nên khó khăn. Có thể so sánh tội nhận hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. So sánh tội nhận hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn:
Tiêu chí | Tội nhận hối lộ | Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản |
Cơ sở pháp lý | Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 | Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 |
Chủ thể | Chủ thể của tội nhận hối lộ là chủ thể đặc biệt, trong đó bao gồm những người có chức vụ, quyền hạn. Đây được coi là một trong những đặc điểm đặc trưng của nhóm tội phạm liên quan đến chức vụ, tuy nhiên không phải nhóm tội phạm nào cũng có. | Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ và quyền hạn cũng là chủ thể đặc biệt, tức là đang thực hiện hành vi phạm tội này thì phải do người có chức vụ và quyền hạn thực hiện, đây được coi là phương tiện cần thiết để thực hiện tội phạm. |
Giá trị truy cứu hình sự | Chủ thể của tội phạm có thể thực hiện một cách trực tiếp hoặc thực hiện thông qua trung gian để nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ một lợi ích nào, đó có thể là lợi ích vật chất hoặc cũng có thể là lợi ích phi vật chất, quá trình nhận có thể được sử dụng phục vụ cho chính bản thân của người nhận hoặc cho người khác, hoặc tổ chức khác để làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ hoặc không làm một việc gì đó theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Mức giá trị vật chất để có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nhận hối lộ đó là có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng tuy nhiên đã từng bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ trước đó, hoặc đã từng bị kết án về một trong các tội liên quan đến tham nhũng tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục xóa án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm. | Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, hướng tới mục tiêu. Và tài sản của người khác với giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc dưới 2.000.000 đồng tuy nhiên thuộc một trong những trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 355 của Bộ luật hình sự năm 2015. |
Hình phạt | Tội nhận hối lộ hiện nay có nhiều khung hình phạt khác nhau phù hợp với từng mức độ tội phạm, cụ thể bao gồm 05 khung hình phạt. Pháp luật quy định trong trường hợp các cán bộ, viên chức, công chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách. | Điều luật này quy định 01 khung hình phạt cơ bản, 03 khung hình phạt tăng nặng, 01 khung hình phạt bổ sung áp dụng đối với từng mức độ phạm tội của chủ thể phạm tội. |
2. So sánh tội nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi:
Điều 358 của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện nay có quy định về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn nhằm mục đích gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cá nhân. Tội danh này có điểm khác biệt so với tội hối lộ tuy nhiên nhiều người vẫn nhầm lẫn.
Thứ nhất, sự khác biệt giữa tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015) thể hiện chủ yếu qua hành vi khách quan của tội phạm. Đối với tội nhận hối lộ, chủ thể nhận lợi ích để trực tiếp làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Trong khi đó, đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, chủ thể nhận lợi ích để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Có nghĩa, người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đấy, tác động đến người có chức vụ, quyền hạn có liên quan đến yêu cầu của người đưa để người này làm theo yêu cầu của người khác.
Thứ hai, dùng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy người khác là hành vi sử dụng mỗi quan hệ giữa mình với người khác, mà mối quan hệ này do chức vụ, quyền hạn đem lại cho người phạm tội, do có chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người mà người phạm tội tác động, thúc đẩy. Thúc đẩy có thể hiểu là sự tác động người khác để người này giải quyết theo yêu cầu của người tác động. Yếu tố trục lợi được nhà làm luật mô tả giống với hành vi nhận hối lộ. Nếu người phạm tội nhận bất kỳ lợi ích nào không chính đáng rồi dùng một phần đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa thì cần phân biệt:
+ Nếu người nhận lợi ích không chính đáng của người khác rồi dùng một phần tiền và tài sản đó để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa thì tùy trường hợp, người nhận tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (với vai trò đồng phạm) hoặc tội làm môi giới hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
+ Nếu người nhận lợi ích không chính đáng nhưng không có hành vi thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa, nhưng lại hứa với người đưa ban đầu là sẽ thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn thì hành vi của người nhận lợi ích là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không thuộc trường hợp phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
+ Nếu người nhận lợi ích không chính đáng của người khác và đưa hết số tiền hoặc tài sản đó cho người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời vẫn thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội nhận lợi ích không chính đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (với vai trò đồng phạm) hoặc tội làm môi giới hối lộ. Không có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi trong trường hợp này.
3. So sánh tội nhận hối lộ và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi:
Căn cứ theo quy định tại Điều 366 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân. Đây là tội danh có nhiều điểm khác biệt so với tội nhận hối lộ. Tội nhận hối lộ với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi khác biệt chủ yếu qua hai nội dung: chủ thể thực hiện tội phạm và hành vi khách quan của tội phạm.
Thứ nhất, về chủ thể của tội phạm: Theo đó thì chủ thể của tội nhận hối lộ được xác định là chủ thể đặc biệt – tức là những người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, chủ thể của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi không phải chủ thể đặc biệt. Chủ thể thực hiện tội phạm là người có quan hệ và có ảnh hưởng nhất định đối với người có chức vụ, quyền hạn. Trường hợp người nhận lợi ích là người có chức vụ, quyền hạn rồi dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa tài sản thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà sẽ thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015). Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương “các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm.
Thứ hai, về hành vi khách quan của tội phạm: Theo đó thì người phạm tội có hai hành vi khách quan gồm nhận bất kỳ lợi ích bắt chính nào qua trực tiếp hoặc trung gian và dùng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn. Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn là lợi dụng mối quan hệ giữa mình và người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu, thúc giục, chi phối người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Biểu hiện của hành vi thúc đẩy có thể là trực tiếp yêu cầu. Việc yêu cầu này có thể là một lần, nhưng có thể là nhiều lần cho đến khi yêu cầu đó được đáp ứng. Nội dung của yêu cầu mà người phạm tội đưa ra là vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người mà người phạm tội nhận lợi ích. Hành vi nhận bất kỳ lợi ích không chính đáng nào được quy định trong luật giống với hành vi của tội nhận hối lộ – thông qua hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận lợi ích. Điểm khác biệt chủ yếu là nằm ở chủ thể của tội phạm. Bên cạnh đó, hành vì của người đưa lợi ích cho người phạm tội có thể là hành vi phạm tội đưa hồi lộ hoặc có thể chỉ là người bị hại trong vụ án lừa đảo nếu người nhận tiền không có hành vi thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
THAM KHẢO THÊM: