Trong BLHS Canada năm 2013 đã dành ra 5 Tiết (Tiết 27, Tiết 30, Tiết 32, Tiết 34 và Tiết 35) để quy định các vấn đề liên quan đến Phòng vệ chính đáng. BLHS Việt Nam năm 2015 dành ra 1 Điều luật cho vấn đề này (Điều 22), nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ, chi tiết.
Có thể thấy chế định phòng vệ chính đáng theo pháp luật hình sự của Canada quy định khá chi tiết và đầy đủ hơn so với pháp luật Việt Nam. Trong khi BLHS Canada năm 2013 đã dành ra 5 Tiết (Tiết 27, Tiết 30, Tiết 32, Tiết 34 và Tiết 35) để quy định các vấn đề liên quan đến Phòng vệ chính đáng thì BLHS Việt Nam năm 2015 chỉ dành ra 1 Điều luật cho vấn đề này (Điều 22). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Luật hình sự Việt Nam không quy định rõ ràng các trường hợp phòng vệ chính đáng. Như đã trình bày, mặc dù chỉ có một điều luật quy định về phòng vệ chính đáng, nhưng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể được ban hành trước đó, đó chính là Nghị quyết số 02/HĐTP– TANDTC/QĐ này 05/01/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS. Mặc dù văn bản được hướng dẫn là BLHS năm 1986 đã hết hiệu lực, nhưng những nội dung hướng dẫn về phòng vệ chính đáng vẫn được đưa ra để tham khảo.
Sau khi phân tích, đánh giá đầy đủ về bản chất cũng như chi tiết các điều luật quy định về phòng vệ chính đáng giữa hai quốc gia, tác giả luận văn đã rút ra những kết luận về sự giống nhau và khác nhau giữa chế định phòng vệ chính đáng của pháp luật hình sự của Việt Nam và Canada.
Mục lục bài viết
1. Một số điểm tương đồng giữa các quy định về phòng vệ chính đáng của Pháp luật hình sự Việt Nam và Pháp luật hình sự Canada:
Nhìn chung, về tinh thần pháp luật, chế định phòng vệ chính đáng của pháp luật hình sự Việt Nam và Canada cơ bản là giống nhau.
Thứ nhất, cả Canada và Việt Nam đều quan niệm phòng vệ chính đáng là một quyền của con người và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 7 của Hiến chương về các quyền và tự do của Canada có quy định như sau:
Mọi người đều có quyền được sống, quyền tự do và an ninh cho bản thân mình và quyền này sẽ không bị tước đoạt trừ khi tuân theo các nguyên tắc và công lý cơ bản. Đồng thời, Hiến pháp Việt Nam hiện hành cũng quy định:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Hai quốc gia đều xác lập quyền được đảm bảo an ninh cá nhân, đảm bảo về sức khoẻ và tính mạng. Như vậy, việc chống trả lại một hành vi đang xâm phạm tới sức khoẻ, tính mạng của bản thân và của người khác là một quyền chính đáng của con người. Việc cả hai quốc gia đều xác lập phòng vệ chính đáng là một quyền cơ bản của con người phù hợp với bản chất của hành vi phòng vệ chính đáng cũng như sự văn minh, hiện đại của thời đại.
Khi một hành vi được đánh giá là phòng vệ chính đáng thì người thực hiện hành vi đó không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nội dung này cũng được cả hai quốc gia Việt Nam và Canada thể hiện trong các quy định pháp luật của mình. Mục đích chính của việc đưa chế định phòng vệ chính đáng vào pháp luật hình sự là miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi đó. Nếu ở pháp luật Việt Nam, phòng vệ chính đáng được quy định rõ ràng là “không phải tội phạm” thì ở pháp luật Canada, phòng vệ chính đáng được cho là một hành vi “không phạm tội”. Hai khái niệm “không phải tội phạm” và “không phạm tội” có hậu quả pháp lý và nội hàm tương đồng nhau.
Thứ hai, xét về tổng thể, các căn cứ xác định hành vi là phòng vệ chính đáng của hai quốc gia Việt Nam và Canada giống nhau. Đối với Việt Nam, các căn cứ xác định hành vi là phòng vệ chính đáng bao gồm: (1) có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, (2) hành vi vi phạm pháp luật đang gây hậu quả hoặc đe doạ gây hậu quả thiệt hại cho bản thân, Nhà nước, xã hội hoặc cho người khác và (3) hành vi chống trả là hành vi cần thiết. Đối với Canada, các căn cứ này bao gồm (1) có hành vi tấn công người, phá hoại tài sản/ hành vi phạm tội, (2) hành vi đó gây thiệt hại, đe doạ gây thiệt hại tức khắc, đe doạ gây thiệt hại (nếu có cơ sở hợp lý) cho bản thân người phòng vệ, cho người khác, cho công cộng và (3) hành vi chống trả là hành vị hợp lý trong hoàn cảnh. Có thể thấy, về cơ bản và tổng thể pháp luật Việt Nam và pháp luật Canada quy định những căn cứ xác minh hành vi phòng vệ chính đáng giống nhau. Tất nhiên, khi xét từng điều kiện cụ thể sẽ có một số điểm khác nhau, nhưng về tổng thể là giống nhau. Đây là những điều kiện cần thiết của bất cứ hành vi phòng vệ chính đáng nào, là những thành tố cơ bản nhất để cấu thành một hành vi phòng vệ chính đáng.
2. Một số điểm khác biệt giữa các quy định về phòng vệ chính đáng của Pháp luật hình sự Việt Nam và Pháp luật hình sự Canada:
Mặc dù có những điểm cơ bản giống nhau, nhưng giữa pháp luật hình sự Việt Nam và Canada còn rất nhiều điểm khác nhau ở chế định phòng vệ chính đáng. Những điểm khác nhau này xuất phát từ thực tế tình hình kinh tế – xã hội khác nhau giữa hai quốc gia, về thể chế chính trị, về quan điểm pháp luật,... Việc xác định những khác biệt này có thể rút ra những điểm hợp lý để có thể đề xuất hoàn thiện hơn cho pháp luật hình sự Việt Nam về chế định phòng vệ chính đáng.
Thứ nhất, sự khác biệt về phòng vệ chính đáng giữa hai quốc gia là căn cứ áp dụng trong quá trình tố tụng hình sự. Ở Canada, các thẩm phán khi xác định một hành vi phòng vệ chính đáng, trước hết sẽ dựa vào các quy định của BLHS Canada năm 2013, sau đó là các án lệ đã được ban hành để đưa ra quyết định. Đây là đặc trưng của hệ thống pháp luật án lệ của Canada, khác hoàn toàn so với nguyên tắc áp dụng pháp luật của Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia theo hệ thống pháp luật Civil Law, là hệ thống pháp luật áp dụng các quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật được ban hành bởi các cơ quan lập pháp. Do đó, khi xét xử một vụ việc hay chứng minh một hành vi là phòng vệ chính đáng, các thẩm phán ở Việt Nam luôn dựa vào các quy định của pháp luật, cụ thể là các quy định trong BLHS 2015, các quy định trong Nghị quyết số 02/HĐTP– TANDTC/QĐ và các văn bản pháp luật liên quan. Pháp luật hình sự Việt Nam thừa nhận rất ít án lệ là cơ sở để giải quyết vụ án hình sự, cụ thể mới có 4 án lệ hình sự được đưa vào áp dụng.
Sự khác nhau này xuất phát từ khác biệt của hệ thống pháp luật giữa hai quốc gia, cũng như lịch sử lập pháp của hai quốc gia. Mỗi hệ thống pháp luật lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Ưu điểm của việc xét xử theo quy định quy phạm pháp luật ở Việt Nam là đảm bảo được tính công bằng, minh bạch, đảm bảo sự thống nhất về áp dụng pháp luật giữa các thẩm phán. Đồng thời, việc ít sử dụng án lệ cũng giảm tải cho hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhược điểm của hình thức này là việc áp dụng pháp luật sẽ có xu hướng máy móc, thiếu tính linh hoạt trong hoạt động xét xử. Ngược lại, Canada sẽ có được sự linh hoạt khi xét xử, đồng thời ở những trường hợp cụ thể sẽ dễ xét xử hơn nếu đã có án lệ tương tự. Tuy nhiên, để xây dựng được hệ thống pháp luật án lệ sẽ cần rất nhiều thời gian, những án lệ phải được cân nhắc và biên soạn rõ ràng, khiến cho khối lượng văn bản áp dụng sẽ nhiều hơn. Đồng thời, sẽ có những án lệ có mâu thuẫn với văn bản pháp luật, khi đó việc áp dụng sẽ bị ảnh hưởng và không thống nhất.
Thứ hai, các căn cứ xác định hành vi phòng vệ chính đáng theo pháp luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự Canada khi đi sâu phân tích có khá nhiều điểm khác nhau.
Theo pháp luật Canada, mục đích của phòng vệ chính đáng bao gồm ba mục đích, đó là (1) bảo vệ về sức khoẻ, tính mạng con người; (2) bảo vệ tài sản và (3) trợ giúp bắt giữ người phạm tội. Trong khi đó, theo pháp luật hình sự Việt Nam, phòng vệ chính đáng có mục đích là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân, của người khác, của nhà nước và của cơ quan, tổ chức. Thực tế khái niệm “quyền lợi hợp pháp” bao gồm sức khoẻ, tính mạng con người và tài sản, tức là chỉ bao gồm hai mục đích giống với pháp luật Canada. Việc trợ giúp bắt giữ người phạm tội theo pháp luật Việt Nam không phải là hành vi phòng vệ chính đáng, mà là hành vi được quy định tại Điều 24: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội [47]. Do đó, hành vi giúp đỡ cơ quan chức năng bắt giữ người phạm tội mà gây thiệt hại sẽ không được coi là phòng vệ chính đáng theo pháp luật Việt nam. Thực tế, tác giả nhận thấy hành vi bắt giữ người phạm tội mặc dù có dấu hiệu khá giống với phòng vệ chính đáng, nhưng không nên coi đó là một trường hợp phòng vệ chính đáng.
Bản chất nội dung của hành vi này theo pháp luật Canada tương tự với hành vi phòng vệ chính đáng bảo vệ lợi ích công cộng, chỉ có một phần nhỏ là hành vi giúp sức, làm theo lệnh của người có thẩm quyền.
Pháp luật Canada yêu cầu hành vi trái pháp luật dẫn tới hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi đang gây thiệt hại, đe doạ gây thiệt hại tức khắc hoặc các hành vi đe doạ sẽ có vũ lực xảy ra dù không phải là ngay tức khắc. Đối với pháp luật Việt Nam, hành vi vi phạm pháp luật chỉ là hành vi đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại ngay tức khắc. Có thể thấy quy định cơ sở cho hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi phạm tội gây thiệt hại ngay tức khắc do tâm lý của người phòng vệ. Khi họ chắc chắn rằng sẽ có hành vi gây thiệt hại cho mình, hoặc cho người khác thì họ có quyền tự vệ trước hành vi đó. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường hợp không cần phải là hành vi đe doạ gây thiệt hại ngay tức khắc nhưng người phòng vệ vẫn có thể chắc chắn sẽ có hành vi gây thiệt hại xảy ra. Ví dụ, trường hợp bị bạo hành gia đình trong thời gian dài. Người phụ nữ bị chồng bạo hành liên tục trong thời gian dài, thường xuyên ngay sau khi ông ta uống rượu. Do đó, sau một khoảng thời gian chịu đựng, cô ta đã chống trả lại người chồng khi ông này vừa uống rượu xong và đang đi về phía cô, mặc dù ông ta chưa có động thái sẽ tấn công người vợ. Tác giả nhận thấy đây là một quy định hợp lý, bởi người phòng vệ trong trường hợp này đã rất sợ hãi, tâm lý của họ bị tác động mạnh và hành vi chống trả của họ nhằm bảo vệ một lợi ích hợp pháp.
Luật hình sự Canada phân tích rõ các căn cứ để xác định một hành vi là phòng vệ hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động áp dụng pháp luật. Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam không có quy định cụ thể cho điều này. Pháp luật hình sự Việt Nam có một văn bản nhắc tới vấn đề này là Nghị quyết số 02/HĐTP–TANDTC/QĐ này 05/01/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS. Tuy nhiên, những quy định trong văn bản này chưa rõ ràng và đã được ban hành từ năm 1986, nhiều quy định không còn thích hợp với tình hình xã hội, pháp luật hiện tại. Có thể thấy, pháp luật hình sự Canada sau nhiều năm thực hiện đã đúc kết được những cơ sở cơ bản nhất để xác định một hành vi phòng vệ hợp lý, việc quy định trực tiếp vào luật sẽ có ảnh hưởng tốt hơn so với việc hướng dẫn ở các văn bản khác.
Thứ ba, pháp luật hình sự Canada quy định về vai trò của người phòng vệ trong việc diễn ra hành vi trái pháp luật của người xâm hại. Điều này chưa được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam. Việc xác định vai trò của người phòng vệ trong việc xảy ra hành vi trái pháp luật rất cần thiết, trước hết nhằm hiểu rõ hành vị thực tế, sau là căn cứ để xét xử công bằng. Người phòng vệ được bảo vệ bởi pháp luật, nhưng kẻ tấn công cũng cần được bảo vệ. Do đó, pháp luật hình sự Canada có những quy định như vậy nhằm hạn chế lại hành vi lợi dụng chế định phòng vệ chính đáng để gây thương tích cho người khác mà không phải chịu hình phạt. Pháp luật Việt Nam không đề cập đến vấn đề này, do đó có nhiều trường hợp, người phòng vệ đã cố tình khiêu khích, chế giễu hoặc có hành vi xâm hại (ở mức nhẹ) trước đối với người có hành vi vi phạm để có cơ sở chống trả gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại. Việc này chưa công bằng đối với người có hành vi xâm hại, bởi họ cũng là nạn nhân của một hành vi khiêu khích mới thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ tư, pháp luật hình sự Canada quy định cụ thể những hành vi xâm phạm đến quyền tài sản của chủ sở hữu tài sản hoặc người được giao quản lý tài sản, đó là các hành vi sắp vào, đang vào hoặc đã vào tài sản mà pháp luật không cho phép làm như vậy; sắp chiếm, đang chiếm hoặc vừa mới chiếm lấy tài sản; sắp hoặc đang làm hỏng, phá hủy tài sản, hoặc làm cho tài sản không hoạt động.